Biên phòng - Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực”. Tham dự hội thảo là những cựu chiến binh dù tuổi đời đã cao, nhưng ký ức về chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên như ngày hôm qua trong tâm trí họ. Phóng viên Báo Biên phòng đã trao đổi, ghi lại những câu chuyện thấm đẫm giá trị lịch sử của những cựu binh năm xưa.
Cựu binh Nguyễn Hữu Chấp: “Quyết tâm đánh thắng trận đầu”
Khi ấy, tôi mới 22 tuổi, quê ở xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. 65 năm trôi qua, song tôi vẫn không sao quên được những ngày tháng cùng đồng đội "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt". Được cầm súng tham gia chiến dịch Tây Bắc năm 1952, trong trận Bản Vậy, tôi bị thương, hỏng mất một mắt nên chuyển sang Đại đội cối trợ chiến.
Khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi là Khẩu đội trưởng khẩu đội cối 82, Đại đội 290, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 (nay là Đại đội 12, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1).
Sau khi giúp các đơn vị pháo binh kéo pháo vào trận địa, toàn đại đoàn về trú quân ở dãy Tà Lèng. Qua gần 2 tháng chuẩn bị, mỗi chiến sĩ đều mong mỏi được đánh trận mở màn, nhưng chỉ Đại đoàn 312 chúng tôi được Bộ Chỉ huy mặt trận chọn tấn công vào cứ điểm Him Lam mở màn chiến dịch.
Vẫn nhớ như in lời chỉ huy dặn "quyết tâm đánh thắng trận đầu, không để trận đánh kéo dài sang ngày hôm sau", tôi cùng đồng đội viết quyết tâm thư, sẵn sàng xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong ngày 13-3-1954. Đúng 0 giờ, từ Tà Lèng, Đại đoàn 312 hành quân, gần sáng thì đến cánh đồng quanh cứ điểm. Cả ngày bao quanh cứ điểm Him Lam, chúng tôi nghe loa của Pháp liên tục nói ra rả: “Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm, các bạn đừng nghe lời Tướng Giáp mà đánh vào. Đánh vào không còn đường về với bố mẹ”. Nhưng chúng tôi đâu có để ý vì tinh thần chiến đấu lên cao, ai cũng chờ giờ nổ súng.
Đến 17 giờ, pháo binh tập trung bắn vào Him Lam, ngay từ loạt đầu, cờ chỉ huy của Pháp trong cứ điểm đã bị hạ. Trong khi pháo đang bắn cấp tập, quân địch chưa kịp phản ứng thì bị các đơn vị xung kích đánh chiếm. Sau hơn một giờ chiến đấu, lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng" đã tung bay trên cứ điểm 3.
Đến 22 giờ 30 phút, cứ điểm 2 cũng nằm dưới sự khống chế của ta. Đến 23 giờ 30 phút, Đại đoàn 312 hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Him Lam, tiêu diệt 300 tên, bắt sống 200 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị. Chỉ sau hơn 5 giờ chiến đấu, Đại đoàn chúng tôi đã hoàn toàn làm chủ được cứ điểm Him Lam, tạo sức lan tỏa nhanh chóng đối với bộ đội trên tất cả mặt trận.
Cựu binh Phạm Đức Cư: “Giải mã chuyện kéo pháo vào lại kéo pháo ra”
Sau 27 ngày hành quân đến Điện Biên, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367 chúng tôi nhận được lệnh tháo pháo khỏi xe, dùng sức người để kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa. Ai cũng lo lắng vì pháo nặng hàng tấn mà lại bỏ xe, rời đường cái để cùng với người đi xuyên rừng hàng chục km, lại phải qua núi cao, vực sâu. Mỗi khẩu pháo nặng khoảng 2,4 tấn, phải 80-100 người kéo.
Đường đi phần lớn mới mở, nhỏ hẹp, một bên là vực sâu, lại phải vượt qua nhiều điểm thường xuyên bị máy bay và pháo binh Pháp bắn phá. Núi rừng Điện Biên hiểm trở, có nơi dốc đến 70 độ khiến tôi và đồng đội phải tìm những thân cây to trên đỉnh dốc để buộc dây tời giữ pháo.
Do việc hành quân phải đảm bảo bí mật nên đơn vị cho trinh sát đi trước, dò xét mìn và gián điệp biệt kích. Ban ngày, đường ngụy trang, ban đêm kéo pháo cũng không được soi đèn, chỉ có hai chiến sĩ khoác vải dù trắng đi trước chỉ đường cho đoàn kéo pháo đi. Đem sức người chống chọi với thiên nhiên, kẻ thù, mỗi đêm, chúng tôi chỉ kéo pháo đi được hơn 1km. Sau 9 đêm, các đơn vị pháo binh đã kéo pháo đi 14km, lập kỳ tích đưa pháo vào chiếm lĩnh trận địa an toàn, bí mật, tất cả sẵn sàng chờ lệnh nổ súng tấn công.
Thế nhưng, trong niềm hân hoan chuẩn bị được tấn công địch, trong khi sức lực còn chưa kịp hồi lại, tôi và đồng đội lại nhận được lệnh kéo pháo ra. Chúng tôi ai cũng bàng hoàng đặt câu hỏi, tại sao không đánh, hay có vấn đề gì? Những băn khoăn đó đã được Tiểu đoàn trưởng Phạm Đăng Ty giải đáp rằng, tinh thần chiến dịch không thay đổi, nhưng chiến thuật thay đổi vì địch có động thái mới.
Từ đánh nhanh, thắng nhanh, ta chuyển sang đánh chắc, tiến chắc. Từ chập tối 26-1-1954, chúng tôi tiếp tục bắt tay vào nhiệm vụ kéo pháo về địa điểm tập kết. Kéo pháo vào vô cùng gian khổ, nhưng kéo pháo ra lại càng gian khổ hơn vì lúc này, quân Pháp đã phát hiện thấy các hoạt động của bộ đội Việt Nam nên liên tục cho máy bay ném bom, pháo kích.
Vượt đạn bom, đưa khẩu pháo cuối cùng về vị trí tập kết lúc mờ sáng ngày 5-2-1954 (tức mùng 3 Tết âm lịch), chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ kéo pháo ra. Sau thời gian chuẩn bị đánh chắc, tiến chắc, chiều 13-3-1954, pháo binh nổ phát súng đầu tiên, mở màn cho cuộc tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và giành thắng lợi vào ngày 7-5.
Cựu binh Phạm Bá Miều: “Lấy hầm trị hầm để tiêu diệt cứ điểm Đồi A1”
Tôi quê ở Thái Bình, tham gia cách mạng khi 19 tuổi ở chiến trường Cao-Bắc-Lạng. Cuối tháng 12-1953, khi đang ở Lào, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 của tôi nhận được lệnh bí mật hành quân về tham gia chiến dịch Trần Đình. Không ai biết chiến dịch Trần Đình ở đâu, cho đến khi về đến Điện Biên Phủ.
Công việc đầu tiên mà tôi cùng đồng đội phải làm là kiến trúc hệ thống công sự, chiến hào để cơ động cho pháo, vận chuyển thương binh, điều động bộ đội và tiếp cận các vị trí chiến đấu của địch. Sau khi chiếm được cao điểm D1, D2, D3, E1, ta gặp khó khăn khi đánh Đồi A1.
Hầm chỉ huy của Pháp tại đây được đào sâu và vô cùng kiên cố, xung quanh có lớp lớp hàng rào dây thép gai dày 4m, cao 1m kèm theo hai xe tăng bảo vệ. Cứ 20m, chúng đặt một lô cốt kiên cố, trên mỗi lô cốt có hai khẩu đại liên đua nhau bắn phá. Ở trên trời thì 4-5 chiếc máy bay thi nhau ném bom, nã đạn. Vì vậy, nhiều lần đơn vị tôi đánh chiếm được nửa quả đồi nhưng lại bị địch đánh bật ra. Hai bên cứ giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào trên Đồi A1.
Trước tình thế đó, chỉ huy chiến dịch quyết định dùng phương án lấy hầm trị hầm để tiêu diệt cứ điểm trên Đồi A1. Đơn vị tôi cùng một đại đội công binh được giao nhiệm vụ đào một đường hầm từ vị trí của ta đến nơi dự kiến là hầm ngầm của địch. Lần này, mỗi chiến sĩ được phát một cuốc chim, một xẻng gấp để làm nhiệm vụ. Điện Biên tháng 4 đang là mùa mưa, bầu trời xám xịt màu chì, mưa tầm tã suốt nhiều ngày, nhưng những người lính vẫn cần mẫn đào bới. Do đất Đồi A1 rất rắn nên tôi và đồng đội phải mất 3 đêm để đào cửa hầm.
Càng đào vào sâu bên trong, các chiến sĩ càng khó thở vì không có không khí, nhiều người đã hi sinh. Trước tình thế đó, anh em bèn nghĩ ra cách tự đan quạt nan, quạt không khí vào bên trong để tiếp tục công việc. Khó khăn chồng chất khó khăn nên việc đào đường hầm dự tính trong 7 ngày lại phải kéo dài hơn dự kiến. Các chiến sĩ mất 12 ngày mới đào được khoảng 33m, cho đến khi chạm phải đá cứng, nghi là hầm ngầm của địch mới dừng lại.
Lúc này, tôi và đồng đội được lệnh đào thêm một ngách ở cuối đường hầm để chứa thuốc nổ. Mỗi gói bộc phá nặng 20kg song trong một đêm, chúng tôi đã chuyển 960kg đến cuối đường hầm. Hoàn thành nhiệm vụ này, đêm 6-5-1954, khối bộc phá được kích nổ, tiêu diệt gần một đại đội của địch. Trung đoàn 174 sau đó đã đánh chiếm toàn bộ cứ điểm Đồi A1 trong vài giờ.
Trần Đức