Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:26 GMT+7

Giá trị lịch sử chân thực, sinh động trong “Ký ức chiến tranh”

Biên phòng - “Ký ức chiến tranh” là bộ sách mà tác giả là chính những người lính Quân tăng cường Thủ đô Hà Nội chi viện cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Giá trị của cuốn sách không phải là ngôn từ mỹ lệ mà chính là hiện thực lịch sử chân thực, là những ký ức sâu sắc về chiến trường bom đạn, là tình đồng đội, đồng chí đoàn kết, yêu thương nhau hết lòng. Vượt lên sự khốc liệt của chiến tranh, những người lính Thủ đô thủa ấy luôn kiên cường, quả cảm mà vẫn rất hào hoa.

Cựu Quân tăng cường Thủ đô hào hứng với bộ sách do chính họ viết lên. Ảnh: Bích Nguyên

Ngược dòng lịch sử trở lại thời điểm năm 1967, trước yêu cầu khẩn cấp về lực lượng chiến đấu cho miền Nam, tất cả các địa phương miền Bắc đều động viên tuyển quân tăng cường cho chiến trường. Tính từ năm 1967 đến năm 1974, có 42 tiểu đoàn quân tăng cường Thủ đô Hà Nội lấy phiên hiệu theo số chẵn từ Tiểu đoàn 2 đến Tiểu đoàn 84 được tuyển quân, huấn luyện và hành quân vào chiến trường. Họ là những sinh viên, công nhân, trí thức, nhân viên nhà nước... tất cả đều gác lại những ước mơ dang dở, hồ hởi bước vào một nhiệm vụ mới, thiêng liêng và cao cả - Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Toàn bộ cuộc sống, sinh hoạt, chiến đấu của những người lính quân tăng cường Thủ đô được tái hiện một cách sống động qua 5 tập sách “Ký ức chiến tranh” với gần 1.400 trang viết cùng ảnh, thơ, tranh vẽ và tư liệu của chính những người trong cuộc. Họ không phải là nhà văn, nhà báo, người viết chuyên nghiệp mà đơn thuần chỉ là người lính cầm súng chiến đấu, chỉ lúc rảnh mới cầm bút ghi lại cảm xúc trên chiến trường.

Vì thế, thật dễ hiểu khi nội dung bộ sách “Ký ức chiến tranh” là những ký ức, những kỷ niệm, cảm xúc đầy máu và nước mắt của người lính về một thời trận mạc khói lửa, ở giữa lằn ranh của sự sống và cái chết không thể nào quên. Chính vì thế, giá trị lớn nhất của cuốn sách không phải là những mỹ từ hào hoa, bóng bẩy, là thủ pháp nghệ thuật mà chính là tính chân thực của các câu chuyện, là con người thật.

Nói như Phó giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Thị Bích Hồng, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, những trang viết của “Ký ức chiến tranh” đã tái hiện một hiện thực “xù xì, gân guốc”, lấm lem bụi đất chiến hào của chính người trong cuộc. Qua cuốn sách, chân dung của người Hà Nội bình dị, hào hoa, thanh lịch, giàu lòng yêu nước, ý chí bất khuất từ kháng chiến chống Pháp đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã được khắc họa một cách sinh động, đầy chân thực.

Những người lính Thủ đô đã tham gia nhiều trận đánh trải rộng dài không gian từ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tây Nguyên, miền Đồng, miền Tây Nam bộ, nước bạn Lào, Campuchia suốt thời gian từ năm 1976 đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Đối mặt trước kẻ thù tàn bạo, đối mặt với sự sống và cái chết, đứng trước thách thức bom đạn của kè thù luôn dội xuống bất cứ lúc nào, trước sự thiếu thốn, ăn đói, mặc rét, nhưng những người lính Thủ đô và kiên gan đã vượt qua tất cả để chiến đấu vì độc lập dân tộc.

Ở cuốn sách, bạn đọc thế hệ bây giờ có thể sẽ không hiểu được tại sao những người lính trẻ có thể tung hoành trong bom đạn như Lương Định (Tiểu đoàn 24) xung phong vác ống sát phá bom từ trường mở đường vượt dốc. Đó là Lê Hữu Tựu cùng đoàn pháo binh Quân khu 5 bắn rơi 12 máy bay Mỹ được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Là Nguyễn Viết Chính một mình bắt sống Tiểu đoàn trưởng Thủy quân lục chiến ngụy trên điểm cao mái nhà.

Trong một lát cắt khác của lịch sử, “Ký ức chiến tranh” với những miêu tả chi tiết như đưa người đọc trở về không khí của Sài Gòn vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975 để cùng hưởng niềm vui chiến thắng. Đặc biệt, câu chuyện “Từ chiến dịch Thượng Đức đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử” của chiến sĩ Bàng Nguyên Thất, nguyên chiến sĩ Đại đội 70, Tiểu đoàn 68 giúp chúng ta sống lại thời khắc lịch sử của 46 năm về trước khi cánh quân của Trung đoàn bộ binh 66 anh hùng - Sư đoàn 304 giải phóng quận lỵ tỉnh Thượng Đức, tỉnh Quảng Đà cũ, sau đó từ Đà Nẵng hành quân triển khai Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Bộ sách “Ký ức chiến tranh” với giá trị lịch sử chân thực là tài liệu quý giá lan tỏa tinh thần hy sinh tất cả vì Tổ quốc cho các thế hệ trẻ. Ảnh: Bích Nguyên

Rạng sáng ngày 30-4-1975, đoàn quân đã tiến vào Sài Gòn. Đến 9 giờ 45 phút, chiến sĩ Bàng Nguyên Thất, Nguyễn Khắc Nhu và Nguyễn Huy Hoàng dưới sự chỉ huy của Đại úy Phạm Xuân Thệ, Phó Trung đoàn trưởng đã tiến vào dinh Độc lập bắt Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các chính quyền Việt Nam cộng hòa ra đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. “Lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh vừa phát đi cũng là lúc tin các tỉnh báo về đã được giải phóng. Chúng tôi cùng bắt tay nhau, hò reo mừng chiến thắng” - chiến sĩ Bàng Nguyên Thất viết.

Có rất nhiều câu chuyện bí mật thời chiến tranh đã được bật mí qua “Ký ức chiến tranh” như việc tổ chức các đoàn thương lái thu mua lương thực, thực phẩm... ngay trong lòng địch; xây dựng tuyến đường ống xăng dầu bảo đảm nguồn cung cấp nhiên liệu phục vụ vận chuyển, chiến đấu.

Có một điều khá đặc biệt trong “Ký ức chiến tranh”, đó là, cuốn sách không chỉ tái hiện thực tế chiến trường qua các câu chuyện sinh động, chân thực ở những góc nhìn của người lính, mà còn tái hiện lại những năm tháng hào hùng của lịch sử dân tộc bằng văn học nghệ thuật. Trong “Ký ức chiến tranh”, ta có thể bắt gặp những áng thơ, bản nhạc, hoạt cảnh kịch và cả những bức họa.

Đường ra trận chiến đấu dù gian nan, vất vả, nhưng không ngăn được ý chí tiến lên của những người lính Bùi Thượng Toản, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3, Trung đội 2, Đại đội 37, Tiểu đoàn 52: “Đường ta đi - con đường gian khổ/ Khi trèo đèo, hun hút vực sâu/Vượt núi cao, mây vần vũ trên đầu/ Ta vẫn bước ngày đêm không nản/ Đường ta đi - Con đường bom đạn/Lửa ngút rừng già, lửa đỏ dưới chân/Tiếng bom xa chen tiếng đạn nổ gần/Ta vẫn bước trong niềm hồ hởi...”.

Ta sẽ thấy những người lính Thủ đô thật kiên cường qua bài thơ “Không thể nào sống khác của Trương Hồng Quang, Tiểu đội 5, Trung đội 2, Đại đội 65, Trung đoàn 59, Bộ Tư lệnh Thủ đô: “Chúng tôi qua trọn vẹn một mùa khô/ Qua trọng vẹn một mùa mưa đạn/Không có chỗ ẩn nấp nào đâu, dù chỉ trong khúc hát. Chúng tôi đi - phơi ngực rộng giữa trời. Chúng tôi đi - vằng vậc tuổi hai mươi...”.

Không cầu kỳ, không có những mỹ từ, chỉ bằng lời văn rất mộc mạc và cũng rất đời thường, “Ký ức chiến tranh” để lại cảm xúc sâu lắng cho người đọc trước khí thế hừng hực chiến đấu của người lính Thủ đô, trước sự khốc liệt của chiến tranh mà không ít người lính đã ngã xuống ngay trước giờ phút toàn thắng của cả dân tộc và cả niềm hân hoan ngày thống nhất đất nước 30-4-1975.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO