Biên phòng - Không khó để tìm thấy các video quảng cáo, lời chào mời mua các sản phẩm có nguồn gốc từ đồng vật hoang dã (ĐVHD) trên mạng Internet thông qua các ứng dụng mạng xã hội Zalo, Facebook hay các trang mua sắm trực tuyến. Xu hướng gia tăng các vi phạm về ĐVHD trên Internet hiện nay đòi hỏi các cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan tư pháp cần xem xét nghiêm túc cũng như cùng đưa ra giải pháp hiệu quả nhất để giải quyết.

Vi phạm về động vật hoang dã gia tăng
Theo quy định của pháp luật hiện hành, ĐVHD bao gồm toàn bộ các loài thuộc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm cũng như các loài động vật rừng thông thường và động vật trên cạn khác thuộc lớp chim, thú, bò sát, lưỡng cư.
Khi tìm kiếm vòng tay bằng ngà voi, chưa cần đến 1 giây, công cụ tìm kiếm của Google đã cho ra gần 1,5 triệu kết quả. Không chỉ ngà voi, nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD, thậm chí cả các loài ĐVHD sống như vẹt Nam Phi, rùa, khỉ cũng được rao bán tràn lan trên mạng Internet.
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, năm 2021, cơ quan này ghi nhận 3.703 vụ/9.857 vi phạm về ĐVHD, trong đó, có 2.594 vi phạm trên Internet, tăng 41,3% so với năm 2020. Với sự phát triển liên tục và ngày càng mở rộng của hoạt động kinh doanh trên các website, diễn đàn và mạng xã hội nhiều tương tác như Facebook, Zalo, WeChat và TikTok, hoạt động quảng cáo và buôn bán trái phép ĐVHD cũng như các sản phẩm của chúng trên Internet đã ngày càng phổ biến.
Ngay trong quý đầu tiên năm 2022, cơ sở dữ liệu vi phạm về ĐVHD của ENV đã ghi nhận tổng số 808 vụ vi phạm về ĐVHD, trong đó, có 46 vụ vận chuyển và buôn bán ĐVHD quy mô lớn, 588 vụ quảng cáo và bán lẻ ĐVHD, 164 vụ tàng trữ, nuôi nhốt ĐVHD, chủ yếu là các trường hợp nuôi nhốt ĐVHD còn sống..
Về công tác xử lý, ENV cho biết, 74% trong tổng số 472 vụ do người dân phát hiện và trực tiếp thông báo đến ENV đã được xử lý thành công. Từ tháng 1 đến tháng 3, có 482 quảng cáo ĐVHD trên mạng xã hội đã được xử lý nhờ có sự can thiệp kịp thời của các cơ quan chức năng, sự phối hợp của các trang thông tin điện tử hoặc mạng xã hội trong việc gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm cũng như việc các đối tượng tự nguyện xóa bỏ sau khi được ENV khuyến cáo chấp hành pháp luật. Cũng trong 3 tháng đầu năm 2022, có 22 hội, nhóm buôn bán ĐVHD trên Internet với 61.508 thành viên đã bị xóa bỏ.
Cần có các hình phạt nghiêm khắc
Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm (thành phố Hà Nội) đã đề xuất và áp dụng những hình phạt nghiêm khắc lần lượt là 13 tháng tù và 9 tháng tù đối với 2 đối tượng thường xuyên quảng cáo, buôn bán ĐVHD trên Internet bị phát hiện tàng trữ, buôn bán trái phép 93 móng gấu ngựa (Ursus thibetanus). Bản án này, là một trong những hình phạt nghiêm khắc nhất đối với tội phạm liên quan tới móng gấu tại Việt Nam.
Trước thực trạng buôn lậu ĐVHD gia tăng, ngày 23/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD, trong đó nhấn mạnh việc xử lý vi phạm về ĐVHD trên Internet như một trong những ưu tiên hàng đầu. Khi cả thế giới được kết nối qua Internet, các hoạt động quảng cáo và buôn bán ĐVHD trái phép trên không gian mạng không chỉ tác động đến đa dạng sinh học của Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an yêu cầu các lực lượng chức năng “phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý các hành vi quảng cáo, mua bán trái phép mẫu vật ĐVHD trên các trang thông tin điện tử”.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá từ thực tế, ENV cho rằng, có đến 90% vi phạm về ĐVHD trên Internet có thể được giải quyết thông qua việc áp dụng các hình phạt nghiêm khắc với những đối tượng vi phạm và tuyên truyền rộng rãi các hình phạt này để răn đe.
Cũng theo ENV, để xử lý tội phạm về ĐVHD trên Internet, các cơ quan thực thi pháp luật trên cả nước cần thực hiện một chiến dịch rõ ràng và bền bỉ, áp dụng những hình phạt nghiêm khắc với các đối tượng vi phạm với mục tiêu tạo ra đủ nhiều các tiền lệ để răn đe. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt tù với những đối tượng buôn bán ĐVHD trên Internet quy mô lớn để răn đe, cảnh tỉnh nhiều đối tượng khác nhằm loại bỏ phần lớn các đối tượng đã và đang buôn bán ĐVHD trên Internet.
Cách thức xử lý vi phạm phụ thuộc vào tính chất nghiêm trọng của hành vi, vai trò của các đối tượng. Theo đó, cơ quan chức năng cần áp dụng những hình phạt phù hợp với mục tiêu cuối cùng là xử lý triệt để vi phạm và răn đe các đối tượng khác. Trong hầu hết các trường hợp vi phạm không nghiêm trọng, việc cảnh cáo và yêu cầu đối tượng tự gỡ bỏ đường dẫn vi phạm có thể tác động lâu dài đến hành vi của đối tượng. Trong một số trường hợp khác, đi đôi với việc cảnh cáo đối tượng, cơ quan chức năng cũng cần xử phạt đối tượng (dù mức phạt nhẹ) để răn đe.
ENV cho rằng, phạt một khoản tiền nhỏ tuy có thể ngăn chặn các đối tượng buôn bán nhỏ lẻ không tiếp tục tái phạm, nhưng lại không có nhiều tác dụng với những đối tượng buôn bán lớn. Chỉ những hình phạt nghiêm khắc, thích đáng cho hành vi vi phạm mới có thể răn đe những đối tượng buôn bán lớn và quan trọng hơn là cảnh tỉnh nhiều đối tượng khác. Do đó, các mức phạt tiền cao, hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt tù nếu được tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng cũng sẽ nâng cao hiệu quả răn đe và giảm thiểu đáng kể các vi phạm về ĐVHD trên internet.
Thu Hằng