Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 24/09/2023 11:50 GMT+7

Gia tăng nạn trộm cắp xe máy bán qua biên giới

Biên phòng - Thời gian gần đây, tình trạng trộm cắp xe máy ở các tỉnh, thành khu vực phía Nam có dấu hiệu gia tăng. Điển hình là địa bàn tỉnh Tây Ninh. Theo thống kê, năm 2015, lực lượng BĐBP Tây Ninh đã phối hợp với các đơn vị phát hiện, bắt giữ 21 vụ/13 đối tượng, thu 21 xe máy, ra quyết định khởi tố nhiều vụ án và nhiều đối tượng, sau đó chuyển giao cho cơ quan Công an thụ lý theo thẩm quyền.

19
Đối tượng và tang vật vụ án trộm cắp xe máy mang sang CPC tiêu thụ bị BĐBP Tây Ninh bắt giữ.

Thủ đoạn tinh vi

Thượng tá Triệu Anh Hùng, Phó Trưởng phòng, Phòng Phòng, chống tội phạm ma túy (PCTPMT), BĐBP Tây Ninh cho biết, thời gian qua, tình hình hoạt động của các loại tội phạm và vi phạm pháp luật trên tuyến biên giới tỉnh Tây Ninh diễn biến hết sức phức tạp. Trong đó nổi lên hoạt động trộm cắp xe máy từ trong nội địa đưa lên biên giới, cũng như hoạt động trộm cắp xe máy ở khu vực biên giới sau đó đưa sang Cam-pu-chia (CPC) tiêu thụ.

Xe máy vốn là loại phương tiện có giá trị cao, dễ chiếm đoạt nên luôn là thứ mồi hấp dẫn của đối tượng trộm cắp, chỉ mất từ 5-10 giây, chúng có thể vô hiệu hóa các loại khóa bảo vệ. Qua những chuyên án đã khám phá, có thể thấy, bọn trộm cắp xe máy thường lợi dụng sơ hở của nạn nhân như để xe ngoài đường, để nơi vắng người, trước cửa nhà, cửa hàng, cửa hiệu... không có người trông coi, từ đó chúng dùng vam, chìa khóa vạn năng, kìm cộng lực... để mở, bẻ, cắt khóa bảo vệ, lấy xe rồi tẩu thoát. Hoạt động của chúng thường có tổ chức, mỗi đối tượng đảm nhiệm các công đoạn khác nhau như: Đối tượng trộm cắp, đối tượng mua gom, đối tượng tổ chức vận chuyển qua biên giới sang CPC tiêu thụ, đối tượng theo dõi hoạt động của các cơ quan chức năng...

Ngoài các thủ đoạn tinh vi như trên, các đối tượng còn sử dụng phương tiện thông tin liên lạc để cản đường, kịp thời thông báo hoạt động của cơ quan chức năng cho đồng bọn để đối phó. Khi bị các lực lượng chức năng bắt giữ, các đối tượng thường bỏ lại tang vật, phương tiện để chạy trốn hoặc sử dụng thủ đoạn "cắt đuôi" như chỉ khai nhận được thuê mướn chạy xe máy sang CPC, không biết đối tượng thuê mướn bên Việt Nam, không rõ nguồn gốc xe máy... gây khó khăn cho công tác điều tra, mở rộng vụ án, truy nguyên nguồn gốc các xe bị trộm cắp và xử lý vụ án.

Cũng theo Thượng tá Triệu Anh Hùng, đa số vụ trộm cắp xe máy do các băng nhóm gây ra, đều có sự cấu kết giữa các đối tượng trong và ngoài địa phương, thậm chí cả người nước ngoài tham gia. Các đối tượng tổ chức rất chặt chẽ, được tính toán kỹ lưỡng từ khâu nghiên cứu địa bàn đến việc thực hiện hành vi trộm cắp, tiêu thụ, tẩu tán tài sản. Đặc biệt, hầu hết các vụ án trộm cắp xe máy, các đối tượng rất ít để lại dấu vết. Đối tượng gây án rất manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện, truy bắt, lưu động trên nhiều địa bàn, liên tuyến, liên tỉnh, thậm chí xuyên quốc gia, hoạt động theo băng nhóm. Trong đó, đa phần là đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, không nghề nghiệp, nghiện hút, có tiền án, tiền sự và tuổi đời còn rất trẻ.

Gây án trên diện rộng

Theo báo cáo của Phòng PCTPMT, BĐBP Tây Ninh, năm 2015, lực lượng BĐBP tỉnh đã phối hợp với các đơn vị phát hiện, bắt giữ 21 vụ/13 đối tượng (9 vụ không bắt được đối tượng) trộm cắp, tiêu thụ xe máy do trộm cắp, thu giữ 21 xe máy. Điển hình, ngày 12-9-2015, lực lượng Đồn BPCK quốc tế Mộc Bài, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã phát hiện 2 đối tượng đang điều khiển xe máy, biển kiểm soát 74 B1 - 06115, từ Việt Nam sang CPC, thấy có nhiều biểu hiện nghi vấn, tổ công tác yêu cầu dừng xe lại kiểm tra và đưa 2 đối tượng về đơn vị để điều tra làm rõ. Qua đấu tranh, các đối tượng khai tên Võ Minh Thiệt (SN 1999, trú tại Vĩnh Phong, Vĩnh Thiện, Kiên Giang) và Vũ Xuân Sơn (SN 1986, trú tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định), lợi dụng sự sơ hở của người dân, 2 đối tượng đã lấy trộm chiếc xe máy trên ở địa bàn tỉnh Đồng Nai, đang trên đường đưa sang CPC tiêu thụ.

Trước đó, ngày 19-3-2015, Trạm Kiểm soát cửa khẩu Mộc Bài đã phát hiện một thanh niên đến làm thủ tục xuất cảnh có dấu hiệu nghi vấn. Các chiến sỹ đã mời người thanh niên này về đơn vị làm việc. Qua đấu tranh, khai thác, ban đầu người thanh niên này tìm cách vòng vo, biện hộ nhằm che dấu hành vi trộm cắp xe máy của mình. Tuy nhiên, bằng biện pháp nghiệp vụ với những câu hỏi sắc sảo, đối tượng đã không thể chối cãi,  khai tên Phạm Văn Phát (SN 1995, ngụ Gò Dầu, Tây Ninh). Chiếc xe máy biển kiểm soát 55 Y4-7337 là tang vật mà Phát đã trộm của một người dân ở TP Hồ Chí Minh và đang trên đường mang sang CPC tiêu thụ. Ngoài chiếc xe máy trên, Phát còn khai nhận đã trộm 6 chiếc xe máy khác trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh và đã mang sang CPC tiêu thụ trót lọt.

Có thể nói, nạn trộm cắp xe máy bán qua biên giới đang là vấn đề nổi cộm, nhức nhối tại khu vực biên giới Tây Nam bộ. Không riêng gì Tây Ninh, các tỉnh phía Nam có đường biên giới tiếp giáp CPC như An Giang, Long An, Bình Phước... cũng là những địa bàn hết sức phức tạp. Ngoài trộm cắp xe máy trong tỉnh, các đối tượng thường tìm đến các tỉnh, thành như Đồng Nai, Bà Rịa - Vùng Tàu, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh là những nơi tập trung nhiều xe máy và lợi dụng sự sơ hở của người dân để trộm cắp hoặc mua gom xe máy của các đối tượng trộm cắp với giá rẻ, rồi tổ chức đưa qua biên giới sang CPC tiêu thụ.

Theo thống kê của Cục PCTPMT, BĐBP và Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, năm 2015, trong số 17.511 vụ trộm cắp tài sản, có hơn 6.000 vụ trộm cắp xe máy, chiếm 34,38%. Riêng các tỉnh, thành phố giáp biên giới CPC, tỷ lệ trộm cắp xe máy chiếm 40%. Trong đó, địa bàn biên giới các tỉnh phía Nam đã xảy ra 182 vụ/93 đối tượng/169 xe máy bị mất cắp.

Xuân Hoàng

Bình luận

ZALO