Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 25/03/2023 04:33 GMT+7

Gia tăng hoạt động vận chuyển pháo nổ dịp cuối năm

Biên phòng - Đã thành quy luật, cứ đến thời điểm cuối năm, tình hình hoạt động mua bán, vận chuyển pháo nổ ở khu vực biên giới tỉnh Kon Tum có dấu hiệu “nóng” lên từng ngày. Do lợi nhuận từ việc mua bán, vận chuyển pháo nổ rất cao nên các đối tượng tìm mọi cách để vận chuyển pháo nổ qua biên giới, khiến cho công tác đấu tranh, ngăn chặn gặp nhiều khó khăn và thách thức.

uwtg_21
Đối tượng Vũ Ngọc Hà cùng tang vật 66kg pháo nổ bị BĐBP Kon Tum bắt giữ ngày 12-11-2019. Ảnh: Văn Lý

Theo báo cáo của Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Kon Tum, từ đầu năm 2019 đến nay, các đơn vị BĐBP tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý 7 vụ/5 đối tượng, tang vật thu giữ 968kg pháo nổ các loại. Trong đó, chỉ tính riêng trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11-2019, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 3 vụ/1 đối tượng, tang vật thu giữ 362kg pháo nổ các loại.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, pháo nổ thường được các đối tượng vận chuyển từ Lào qua khu vực hai bên cánh gà cửa khẩu quốc tế Bờ Y để đưa vào Việt Nam. Tại Lào, 1 hộp pháo nổ loại 46 quả, giá dao động từ 300 đến 400 nghìn đồng, nhưng khi vận chuyển trót lọt về Việt Nam, giá bán được đẩy lên 800 nghìn đến 1 triệu đồng, nếu “tuồn” sâu vào nội địa, thì giá còn cao hơn gấp nhiều lần. Cũng chính vì lợi nhuận cao, các đối tượng bất chấp sự truy quét của lực lượng chức năng, tìm mọi thủ đoạn, lén lút “tuồn” pháo qua biên giới để bán kiếm lời. Nếu như trước đây, các đối tượng thường vận chuyển pháo nổ nhỏ lẻ, thì nay số lượng pháo nổ mà chúng vận chuyển mỗi chuyến lên đến hàng chục kg, thậm chí hàng trăm kg pháo các loại.

Mặc dù đã có chế tài xử lý nghiêm đối với những hành vi mua bán, vận chuyển pháo nổ, nhưng để xử lý triệt để hoạt động này là rất khó khăn và đang là bài toán cực kỳ nan giải với các lực lượng chức năng. Do địa bàn khu vực biên giới huyện Ngọc Hồi có nhiều đường tiểu ngạch, khi bị phát hiện, các đối tượng nhanh chóng tẩu thoát sang bên kia biên giới. Hiện nay, hình thức vận chuyển pháo nổ hết sức tinh vi, các đối tượng chủ mưu không trực tiếp đứng ra mua bán, vận chuyển mà thuê các cửu vạn, người dân khu vực biên giới thực hiện những chuyến vượt biên để mang “hàng” từ Lào vào Việt Nam. Thực tế, nếu bắt giữ các đối tượng vận chuyển thuê thì mới chỉ giải quyết được phần ngọn, chưa loại bỏ được tận gốc của hoạt động vận chuyển pháo nổ qua biên giới. 

Theo Đại tá Trần Minh Lợi, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Kon Tum: “Hoạt động mua bán, vận chuyển pháo nổ trên tuyến biên giới tỉnh Kon Tum diễn ra quanh năm, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Vì vậy, đơn vị đã triển khai lực lượng nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, nhất là biện pháp trinh sát, kiểm soát hành chính kết hợp tuần tra tại các tuyến trọng điểm. Cùng với đó, tăng cường công tác vận động người dân phát hiện, ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trong đó có mặt hàng pháo nổ”. 

Theo quy định tại Điều 190, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, thì pháo nổ được quy định là mặt hàng cấm, do vậy, tất cả các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ các mặt hàng này sẽ bị xử lý hình sự khi đảm bảo yếu tố định lượng, cụ thể như sau:

- Các hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 6kg đến dưới 40kg, sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Các hành vi tàng trữ, vận chuyển với số lượng trên sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

- Các hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 40kg đến dưới 120kg sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Các hành vi tàng trữ, vận chuyển với số lượng trên sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.

- Các hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 120kg trở lên sẽ bị phạt tù từ 8 năm đến 15 năm. Các hành vi tàng trữ, vận chuyển với số lượng trên sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.

- Các hành vi gây rối trật tự công cộng do hành vi đốt pháo nổ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Lê Đồng

Bình luận

ZALO