Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 11/09/2024 10:48 GMT+7

Gia tăng căng thẳng xã hội ở châu Âu

Biên phòng - Bước sang năm 2023, châu Âu chứng kiến những ngày tổng đình công lan rộng, dai dẳng với kỷ lục hàng triệu người tham gia, gây ra tác động nghiêm trọng cùng những hệ lụy khó lường trong nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Một góc đoàn người biểu tình tuần hành trên đường phố Thủ đô Paris, Pháp vào ngày 7/2/2023. Ảnh: Reuters

Các sự kiện biểu tình ở Pháp và đình công ở Anh phản ánh mức độ căng thẳng xã hội đã lên tới đỉnh điểm trong làn sóng đình công, biểu tình vốn đã lan rộng ở châu Âu kể từ cuối năm ngoái. Nguyên nhân xuất phát từ bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt, giá năng lượng tăng vọt và lạm phát ở mức cao.

Điểm lại các nét chính về biểu tình ở Pháp, giới truyền thông cho biết, khó có thể ước tính chính xác lượng người tham gia đình công. Theo con số sơ bộ từ Bộ Nội vụ Pháp, khoảng 757.000 người tham gia tổng đình công trong ngày 7/2/2023, riêng ở Thủ đô Paris là 57.000 người xuống đường. Đây là đợt tổng đình công thứ 3 ở Pháp với mục đích phản đối dự luật cải cách hưu trí kể từ khi dự luật này được công bố vào giữa tháng 1/2023.

Tại cuộc tổng đình công thứ 2 vào ngày 31/1/2023, Bộ Nội vụ Pháp thống kê hơn 1,27 triệu người tham gia, trong khi Tổng Liên đoàn Lao động Pháp (CGT) công bố có khoảng 2,8 triệu người biểu tình ở các thành phố lớn. Từ cuối năm 2022, hàng loạt cuộc đình công đã diễn ra nhằm phản đối tình trạng giá cả sinh hoạt leo thang. Các vụ đình công gây gián đoạn nhiều dịch vụ vận tải, đặc biệt là hàng không.

Tại Anh, tổng đình công là sự kết hợp của nhiều nghiệp đoàn là thành viên của Liên minh Dịch vụ công cộng và thương mại (PCS). Từ cuối năm ngoái, Anh cũng chứng kiến cuộc đình công lớn nhất lịch sử của nhân viên Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) và cuộc đình công của lái xe cứu thương lớn nhất trong 3 thập niên.

Ngoài hai quốc gia trên, nhiều nước châu Âu cũng ghi nhận hàng loạt cuộc đình công tương tự, như ngành hàng không của Đức, Bồ Đào Nha; ngành đường sắt của Áo, Hà Lan; ngành vận tải của Bỉ, Hà Lan; nhiều ngành nghề ở Tây Ban Nha… Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá, đình công ở Pháp và Anh có quy mô lớn nhất và dai dẳng nhất. Điển hình, sau 3 đợt tổng đình công vào ngày 19/1, 31/1 và 7/2, các nghiệp đoàn Pháp tiếp tục hưởng ứng phong trào phản kháng với cuộc biểu tình ngày 11/2. Trong khi ở Anh, sau cuộc đình công ngày 1/2 của 300.000 giáo viên, đội ngũ này cũng lên kế hoạch tiếp tục tổ chức chuỗi 6 ngày tổng đình công trong tháng 2 và tháng 3.

Giới phân tích nhận định, làn sóng đình công kéo dài là minh chứng cho thấy những bất ổn xã hội gia tăng ở châu Âu, đặc biệt là tại Pháp và Anh. Nguy hiểm hơn, những hệ lụy do tổng đình công mang lại vẫn là những “ẩn số” khó đong đếm, khó lường. Trên thực tế, giới chức Pháp đang lên kế hoạch ứng phó trước nguy cơ các cuộc tổng đình công có thể kích động những phong trào bất ổn xã hội. Trên thực tế, các nước châu Âu từng nhiều lần trải qua sóng gió trên chính trường, thậm chí là thay đổi chính phủ liên tục trong những năm gần đây do những làn sóng biểu tình quy mô lớn, kéo dài.

Theo giới chuyên gia, những yêu cầu của người biểu tình phần lớn là những điều chính phủ của các quốc gia khó có thể thực hiện nhanh chóng, thậm chí là không thể thực hiện. Điển hình như vấn đề người lao động đòi tăng lương, trong khi Anh phải theo đuổi chính sách “thắt lưng buộc bụng”, ưu tiên giải quyết vấn đề lạm phát nên không thể tăng lương vì điều này sẽ thúc đẩy lạm phát. Ngay cả những nỗ lực đề nghị tăng lương khoảng 5%, song các nghiệp đoàn từ chối và đòi hỏi mức tăng lương cao hơn mức lạm phát đang ở mức 10,5%.

Các bên liên quan trong làn sóng biểu tình ở châu Âu đều cho thấy lập trường cứng rắn, khó thỏa hiệp, tạo ra một bối cảnh ở mức độ vô cùng “gai góc”. Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, các cường quốc thêm nhiều gánh nặng do vòng xoáy bất ổn kinh tế-xã hội, đặc biệt là người lao động đang từng ngày phải hứng chịu cảnh sống khốn khó hơn. Giới chuyên gia khẳng định, việc tìm ra giải pháp cho những bất mãn trong xã hội ở các quốc gia châu Âu hiện nay vẫn khá “mờ mịt”.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO