Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:47 GMT+7

Già làng quyết giữ sách cổ trăm năm

Biên phòng - Cuốn sách cổ khắc chữ lên lá cây, độc đáo, có niên đại hàng trăm năm, được ông Lò Văn Nô (xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) cất giữ như một “báu vật” gia truyền. Dù trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, cuốn sách cổ này vẫn được giữ nguyên vẹn, nhờ sự quyết tâm của già làng Lò Văn Nô.

pvzs_22
Ông Lò Văn Nô giới thiệu với khách cuốn sách lá cổ. Ảnh: Thanh Thuận

Theo chân Thiếu tá Dương Ngọc Thưởng, Đồn Biên phòng Mường Lạn, BĐBP Sơn La, chúng tôi tìm đến nhà ông Lò Văn Nô, ở bản Mường Lạn, xã Mường Lạn. Ông Lò Văn Nô năm nay 67 tuổi, là người dân tộc Lào. Tại Sơn La, dân tộc Lào cư trú tập trung tại các huyện Sông Mã và Sốp Cộp. Các đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hóa, trang phục của dân tộc Lào đa phần gần giống như của người Thái. Hiện nay, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp cũng là nơi tập trung đông người Lào sinh sống.

Khi chúng tôi vào nhà, bà vợ ông đang ốm, nằm trên giường, xung quanh có mấy người hàng xóm sang hỏi thăm, xì xào toàn tiếng Thái, chỉ có ông trò chuyện được bằng tiếng phổ thông. Ông cho biết, ông đóng vai trò Chẩu sửa (người chủ trì lễ hội, được truyền theo dòng họ, tại vùng đất của người dân tộc Lào) trong các lễ Xên mường, Xên bản, Tết Khẩu hó của dân tộc Lào.

Chúng tôi hỏi về cuốn sách cổ mà ông đang lưu giữ, ông Lò Văn Nô liền đưa chúng tôi lên tầng hai ngôi nhà sàn rồi xách ra một cái bao đựng sách cổ. Khi đổ bao ra sàn, chúng tôi khá bất ngờ trước hình dạng hai cuốn sách. Sách được làm thành một bó dài, bìa sách là hai thanh gỗ dài như ống tay người lớn. Mặt trước bìa sách được chạm khắc hoa văn. Mở những trang sách ra còn bất ngờ hơn, vì nó hoàn toàn được làm bằng các lớp lá có đục lỗ, xếp chồng lên nhau. Bìa sách và trang sách được liên kết bằng một sợi dây.

Cuốn sách dày khoảng 150 đến 200 trang, mỗi trang có chiều rộng khoảng 5cm. Chữ viết ở mỗi trang sách được người xưa dùng vật nhọn khắc lên. Trước đây, hầu như bản người Lào nào cũng có sách lá tổ tiên để lại. Nhưng rồi chiến tranh, nhiều người phải sơ tán, di chuyển nhà và sự tàn phá của bom đạn nên sách lá bị thất lạc và hư hại nhiều, không còn mấy người giữ lại được. Ông Lò Văn Nô cho biết, hai cuốn sách ông đang giữ là hai cuốn sách cổ duy nhất còn sót lại ở địa bàn huyện Sốp Cộp.

Những quyển sách như thế này được gọi là “mạy mặc tàn” (tiếng Lào), có nghĩa là sách lá. Khi hỏi về nguồn gốc và cách làm ra cuốn sách độc đáo này, ông Lò Văn Nô lắc đầu không biết. Ông cũng không biết cuốn sách này đã truyền lại được bao nhiêu đời, chỉ biết rằng, cụ tổ truyền lại cho bố, rồi khi bố ông mất đi, nó thuộc về ông. Đời nọ, đời kia đều giữ như bảo vật gia truyền nên ông cũng coi những cuốn sách này là “báu vật” và quyết gìn giữ.

“Cuốn sách này do bố tôi để lại. Lúc còn bé, tôi đã nhiều lần thấy ông nội lấy ra đọc rồi dạy lại cho bố tôi. Bố tôi bận nhiều việc nên cũng không truyền lại cách đọc cho tôi. Trước khi mất, bố chỉ dặn lại tôi là phải giữ gìn cẩn thận” - Ông Nô nói.

Ông cho biết, từng nghe bố kể lại rằng, người Lào gọi loại lá được dùng để viết sách là lá cây bay lan (trông giống lá cọ của người Việt Nam). Khi cây này ra lá non, người ta phải buộc ngọn lá lại trong vòng một năm trời, không cho lá bung ra để lá cứng và có thể khắc được chữ. Sau khi lá được buộc một năm, người ta đưa về phơi khô. Khi viết, người ta lấy một thanh sắt nhỏ, mài nhọn rồi nhúng vào mực, sau đó khắc lên từng lớp lá mỏng nhưng rất cứng.

Loại mực được dùng là mực tàu, trộn với mật của một loại cá chỉ sống ở suối, tô lên để nét chữ được rõ, không bị phai màu theo thời gian. Sau đó, người ta còn dùng một loại nước màu được làm từ vỏ và rễ cây quét lên một cách rất cầu kỳ. “Viết được một cuốn sách như thế này không phải dễ, ngoài những kiến thức tổng hợp, người viết phải rất cần mẫn và cẩn thận. Có khi phải mất cả năm trời, mới viết được một cuốn sách như thế này nên số sách lá chỉ được tính trên đầu ngón tay” - Ông Lò Văn Nô cho biết.

Do được chọn nguyên liệu kĩ và chế tác cẩn thận nên trải qua mấy thế hệ, những thăng trầm của cuộc sống, lũ lụt, chiến tranh... cuốn sách hàng trăm năm tuổi này vẫn nguyên màu mực. Ông Nô còn cho biết thêm, khi được truyền lại bộ sách này, ông cũng không hiểu nội dung mà cuốn sách ghi chép.

Ông chỉ nghe nói cuốn sách này ghi chép gốc tích, lịch sử, văn hóa, những phong tục tập quán, những bài tụng niệm trong các dịp tang lễ, tết, cúng bái của người Lào và bí quyết chữa bệnh gia truyền của tổ tiên. Có bậc cao niên nói lại với ông rằng cuốn sách có nội dung giáo dục con cháu siêng năng lao động, hiếu thảo với bậc sinh thành và một phần sách là các bài thơ cổ của người xưa.

Tuy nhiên, ngày nay, người Lào sử dụng tiếng Thái như một ngôn ngữ chính nên không ai có thể đọc được nội dung viết trong cuốn sách cổ này. Do đó, cuốn sách này chỉ còn nằm im ỉm trong tủ. Thế nhưng, khi có người đến hỏi mua với giá rất cao, ông Nô vẫn kiên quyết không bán. Ông bảo rằng: “Cứ để cất đấy. Còn nhìn thấy sách ngày nào là còn nhìn thấy cha ông. Tôi sẽ giữ gìn cẩn thận xem như là một “báu vật” của tổ tiên, gia đình”.

Hiện nay, trong xã Mường Lạn tập trung đông người Lào sinh sống nhưng không còn mấy người Lào biết đến ngôn ngữ của dân tộc mình. Với người có tâm với văn hóa truyền thống của dân tộc, ông Lò Văn Nô mong muốn bộ sách sẽ được lưu truyền, những người có chuyên môn sẽ nghiên cứu, dịch ra những nội dung trong đó để con cháu thế hệ sau hiểu được về phong tục tập quán của người dân tộc Lào xưa. Vì lẽ đó, ông sẽ cẩn trọng giữ gìn cuốn sách lá cổ để thế hệ con cháu sau này còn có dịp biết đến nét độc đáo trong bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO