Biên phòng - Mặc dù đã có những bước phát triển vượt bậc, nhưng Mo Rai vẫn còn đó trong ký ức nhiều người nét huyền ảo của một miền cổ tích. Đó là vùng biên thẳm xa, hun hút giữa đại ngàn rừng xanh bất tận, nơi mà muông thú với con người dường như không tồn tại khoảng cách. Nói một cách ví von, Mo Rai ngày ấy tựa như “ốc đảo” nằm giấu mình giữa miền hoang sơ. Với khách lạ, có cảm giác mỗi bước chân là một sự khám phá và chạm đến điểm cuối cùng của đất trời biên giới... Tôi gặp lại thầy giáo A Blong, một trong những người tiên phong cùng với lính Biên phòng “gieo chữ” trên đất Mo Rai để nghe ông kể lại những kỷ niệm một thời không quên.

Thầy giáo và “thợ săn”
Theo những “dữ liệu” mà chúng tôi sưu tầm được, già làng A Blong, 77 tuổi, ở làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum) là người biết đọc, biết viết đầu tiên trong cộng đồng “siêu thiểu số” của người Rơ Mâm trên dải đất hình chữ S. Xin được lưu ý, cũng có thể những người bạn đồng niên của ông trong làng đã được tiếp cận “con chữ” nhưng vì điều kiện cuộc sống nên bị “rơi rớt” trên nương, trên rẫy dẫn đến tái mù chữ. Và đó cũng có lẽ là lý do khiến ông trở thành giáo viên, cùng với những người lính Đồn Biên phòng Mo Rai, BĐBP Kon Tum miệt mài trên trận tuyến diệt “giặc dốt” trong vai trò thầy giáo và “thợ săn” vào những năm 90 của thế kỷ trước. Già làng A Blong nguyên là Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Mo Rai và hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã.
“Sau ngày giải phóng miền Nam cho đến những năm cuối thập niên 1990, cả vùng Mo Rai rộng lớn, diện tích ngang bằng với một tỉnh miền biển, vậy mà chỉ có 7 ngôi làng của đồng bào Jrai, Rơ Mâm và Đồn Biên phòng Mo Rai trấn giữ biên giới. Đất quá rộng, người quá thưa, mà đường sá đi lại thì gần như là con số 0 khi mùa mưa đến, đã tạo nên một Mo Rai gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Trong hoàn cảnh đó, nạn mù chữ, thất học giống như loại dịch bệnh ngày một lan rộng. Nếu như các làng Kênh, Grập, K Đinh, Xộp của đồng bào Jrai, số người biết đọc, biết viết đếm chưa đủ trên đầu ngón tay, thì làng Le Rơ Mâm của mình gần như mù chữ hoàn toàn. Vậy là mình trở thành giáo viên, cùng với lính Biên phòng bắt tay vào cuộc chiến...” - già làng A Blong nói về “cái duyên” bước vào nghề “gõ đầu trẻ” của mình.
Nói là “gõ đầu trẻ”, nhưng thực chất những lớp học của già làng A Blong và những người lính ở Đồn Biên phòng Mo Rai lúc bấy giờ đủ mọi lứa tuổi và giới tính. Bình thường thì cả làng cùng... đi học, còn gặp lúc “đột xuất” là y như rằng, người lên nương, kẻ xuống núi, thậm chí có người còn nằm bẹp ở góc bếp vì... say rượu. Giáo viên cứ như vậy lục tìm khắp các cánh rừng xung quanh, trông chẳng khác gì những người thợ săn chính hiệu.
Thực trạng “thiếu chữ” trong thế ốc đảo cũng chính là ngọn nguồn của hàng loạt những tập tục, nếp nghĩ, cách làm cũ kỹ, lạc hậu trong đời sống cộng đồng người Jrai và Rơ Mâm ở Mo Rai. Ngày đó, ở đâu có người ốm là ở đó có ma. Thanh niên đến tuổi kết hôn thì “loanh quanh” đâu đó trong dòng tộc. Phụ nữ đến ngày sinh nở là phải vào rừng “vượt cạn” một mình, còn đàn ông chỉ lo chuyện cúng tế và uống rượu... Mọi sự can thiệp về y tế, văn hóa đều đụng phải rào cản có khi còn cao hơn cả đỉnh Chư Mom Ray từ các chủ nhân nơi đất làng.
Gặp những chuyện oái oăm như thế, thầy giáo A Blong và những người lính Biên phòng lại phải bắt tay vào cuộc, thậm chí có những cuộc giải cứu còn căng thẳng, kịch tính hơn cả phim hành động như chuyện giành giật sự sống cho những đứa bé sơ sinh thoát khỏi hủ tục “mẹ chết, con phải chôn theo” tồn tại trong cộng đồng người Jrai cách đây hơn 25 năm về trước.
Hay như chuyện ngăn chặn những cuộc “bắt chồng” theo kiểu hôn nhân cận huyết thống vẫn thi thoảng xảy ra ngay chính tại làng Le Rơ Mâm của thầy giáo A Blong. Ai cũng biết rằng, những vấn đề liên quan đến văn hóa trong đời sống cộng đồng chưa bao giờ là chuyện dễ làm. Để thành công, bên cạnh tình thương của người thầy, già làng A Blong và những người lính Biên phòng phải có “tố chất” kiên trì, quyết đoán và chính xác của thợ săn để xua ma trừ tà, loại bỏ những vật cản trên con đường phát triển dành cho Mo Rai - mảnh đất nơi cuối trời biên giới.
Già làng, chủ tịch và “người vác tù và hàng tổng”
Năm nay đã đi qua hơn 70 “mùa rẫy”, nhưng già làng Le A Blong vẫn tràn đầy nguồn năng lượng cống hiến. Trong vai trò là già làng kiêm Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã, ông thực sự là “chiếc cầu nối” giữa ý Đảng với lòng dân, sẵn sàng xông pha trên mọi trận tuyến để mang niềm vui đến với mọi nhà.

Đối với Đồn Biên phòng Mo Rai, già làng Le luôn là người đồng chí, đồng đội gần gũi, nhiệt huyết và là “chất keo” đặc biệt kết chặt tình quân dân. Bất kể chương trình nào do những người lính Biên phòng khởi xướng, già làng A Blong cũng là người đi tiên phong và đồng hành đến cuối con đường. Trong số đó, cần phải kể đến những chương trình hành động mang tính xã hội hóa rất cao như phong trào phát động toàn dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh. Việc gì già làng A Blong cũng tận hiến vô điều kiện như cách “người vác tù và hàng tổng” vẫn làm mỗi ngày. Bởi theo ông, dường như có một “món nợ ân tình” rất lớn mà giờ đây, ông cần “cho đi” chứ không phải “nhận lại”.
Cộng đồng người Rơ Mâm ở làng Le có được như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm chăm lo sâu sắc của Đảng và Nhà nước. Đây có thể nói là ngôi làng có một không hai trên toàn quốc, hiện đang được Nhà nước áp dụng chính sách bảo tồn toàn diện. Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền cơ sở và dấu ấn đậm nét của BĐBP, đã có khoảng 90 tỷ đồng ngân sách được hỗ trợ vào đây, giúp làng Le của tộc người thiểu số đặc biệt Rơ Mâm thay đổi cả về “sức khỏe” lẫn diện mạo. Người Rơ Mâm hôm nay đã thực sự phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng và các nguồn sinh kế được đầu tư, kiến tạo một cách bài bản. Trình độ dân trí đã được cải thiện ở mức cao, với 100% trẻ em được huy động đến trường hàng năm, cùng hàng chục người con của làng có trình độ đại học hiện đang công tác tại địa phương.
Mo Rai trong tôi vẫn huyền ảo một miền cổ tích. Ở đó có những “tiên ông” mặc áo lính hay đang khoác lên mình tấm thổ cẩm xơ cứng, chân chất nhưng rất đỗi nền nã, trắng tinh trong tình người. Mảnh đất nơi cuối trời biên giới đã thực sự phát triển, song vẫn cần lắm những con người như thế.
“Sự quan tâm chăm lo sâu sắc của Đảng, Nhà nước đã giúp người Rơ Mâm ở làng Le vươn lên mạnh mẽ, chúng tôi luôn khắc cốt ghi tâm điều đó. Còn đối với những người lính Biên phòng, nếu không có sự đồng hành sẻ chia đầy tình thương và trách nhiệm của các anh thì làng Le Rơ Mâm của chúng tôi đã bị rớt lại từ thuở còn là con số 0” - “Người vác tù và hàng tổng” dưới chân núi Chư Mom Ray khẳng định với chúng tôi như thế.
Thái Kim Nga