Biên phòng - Bỏ ngang công việc có thu nhập khá cao mà bao người mơ ước, hai chàng trai một kế toán, một kĩ sư quyết trở thành nông dân kiểu mới. Họ xây dựng một mô hình trồng chanh dây sạch, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Có đến thăm vườn chanh dây được trồng theo quy trình sản xuất sạch, rộng hơn 4ha của hai chàng trai trẻ Nguyễn Hữu Đức (sinh năm 1989) và Nguyễn Tấn Huynh (sinh năm 1989, cùng trú tại TP Pleiku, Gia Lai) mới thấy thán phục quyết tâm của họ.
Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Đại học Lạc Hồng, khoa Tài chính, Đức dễ dàng được nhận vào làm kế toán (Phòng Tài chính Kế toán, Tập đoàn HAGL tại Lào) với mức lương khá cao 12 triệu đồng/tháng.
Rồi Đức đột ngột xin nghỉ việc, trở về với nghiệp làm nông dân trong sự bất ngờ của gia đình, bè bạn. Cái hoài bão cháy bỏng làm giàu trên mảnh đất quê hương cứ thôi thúc chàng thanh niên trẻ.
Năm 2014, sau khi trở về từ Lào, Đức bắt đầu tìm hiểu thị trường, loại cây nào cho hiệu quả kinh tế cao. Anh phát hiện chanh dây là loại cây mới, đang được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Biết Huynh có chung đam mê trồng trọt, Đức đã rủ Huynh cùng bỏ việc, thuê đất làm vườn. Chẳng ngần ngại, đắn đo, Huynh cũng “liều” theo bạn, bỏ luôn công việc kỹ sư xây dựng (của Tập đoàn HAGL tại Lào) với mức lương 10 triệu đồng/tháng để trở về chung tay thực hiện mô hình nông nghiệp với người bạn thân.
Chanh dây có nhiều ưu điểm như, thời gian canh tác ngắn (từ tháng thứ 4 đã cho thu hoạch), giá sản phẩm cao, năng suất lớn. Bên cạnh đó, chanh dây cũng có nhiều công dụng vì chứa nhiều axcid amin tốt cho người bị suy nhược cơ thể. Ngoài ra, chiết xuất từ chanh dây còn có hiệu quả trong việc tiêu diệt tế bào ung thư. Phát hiện những ưu điểm đó, Đức và Huynh liền thuê 2ha đất ở xã K’Dang (Đăk Đoa, Gia Lai) rồi xuống giống chanh dây.
Thời gian đầu, đôi bạn trẻ gặp không ít khó khăn vì qua mỗi giai đoạn, cây chanh dây lại đối mặt với nhiều loại bệnh khác nhau, đòi hỏi người trồng phải hiểu biết cách chăm sóc để đảm bảo cây phát triển mạnh mà vẫn phải bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm. Bằng niềm đam mê, không ngừng học hỏi, tìm tòi, họ đã quyết định chăm sóc cây chanh dây theo mô hình sản xuất sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
Đức chia sẻ: “Nhiều lúc gặp khó khăn mà chưa tìm ra cách giải quyết, tôi cũng rất buồn. Nhưng càng khó thì càng phải làm bằng được, bởi quyết tâm của tôi là phải tạo ra mô hình cây trồng chất lượng. Sản phẩm chanh dây khi đến tay người tiêu dùng phải thật sạch và đảm bảo an toàn”. Sau thời gian nghiên cứu và áp dụng phương pháp mới, họ đã thành công trong việc khống chế bệnh phấn trắng ở chanh dây - một loại bệnh rất khó chữa. Theo Đức: “Chanh dây rất sai quả, vì vậy, nếu gốc bị tổn thương quả sẽ bị teo đi, nên ngoài cung cấp dinh dưỡng cho cây ở gốc thì bên trên phải cung cấp dưỡng chất cho cây bằng phân bón lá để cây đủ sức nuôi quả”.
Qua một năm thử nghiệm, phương pháp sản xuất sạch đã cho thấy rõ hiệu quả. Chi phí đầu tư thấp, chỉ tốn tiền nước tưới và công chăm sóc. Trong khi đó hiệu quả mang lại rất cao. Chanh dây sạch này luôn bán được giá cao hơn các loại chanh dây có sử dụng chất BVTV từ 3 – 5 nghìn đồng/kg. Không những vậy, nguồn chanh dây sạch của hai chàng trai trẻ luôn luôn trong tình trạng “cháy hàng” và được thương lái săn đón.
Đến nay, diện tích chanh dây của Đức và Huynh là 4ha. Thành quả cho sự nỗ lực không ngừng của hai chàng trai trẻ là vườn chanh dây tươi tốt, quả chi chít, căng tròn. Trung bình 1ha chanh dây của Đức và Huynh thu hoạch đạt khoảng 50-60 tấn/năm. Không chỉ dừng ở đó, Đức và Huynh còn đưa phương pháp này vào áp dụng thực nghiệm chữa bệnh cho cây tiêu, cà phê, bơ và cũng đã rất thành công.
Hiện tại, vườn chanh dây đang thu hoạch rộ và cũng là vườn kiểu mẫu để bà con nông dân nhiều nơi đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Anh Đức cho biết: “Hầu như ngày nào cũng có bà con tới xem vườn chanh dây và hỏi về quy trình, kỹ thuật chăm sóc. Chúng tôi hướng dẫn, chia sẻ cho bà con kinh nghiệm trồng, chăm sóc, cách chữa bệnh cho cây”.
Đức và Huynh luôn mong muốn thay đổi cách làm nông nghiệp cũ, hạn chế tối đa thuốc BVTV, sử dụng phân bón hữu cơ, sinh học, giá thành rẻ, không tổn hại đến sức khỏe và không mất đi lượng màu mỡ của đất. Hướng phát triển tiếp theo của hai thanh niên trẻ dám làm là liên kết với nông dân áp dụng quy trình của mình, làm ra vùng nguyên liệu trồng chanh dây sạch nói riêng, nông sản sạch nói chung. Từ đó, tạo uy tín, thương hiệu cho nước nhà, không những sản xuất trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế.
Quốc Dinh - Đăng Nhật