Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 23/09/2023 12:39 GMT+7

Gia Lai - 40 năm xây dựng và phát triển

Biên phòng - Ngày 17/3/2015, tròn 40 năm Gia Lai được hoàn toàn giải phóng. Tiếp bước truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh đi trước, các thế hệ trẻ Gia Lai đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, chung tay góp sức xây dựng Gia Lai ngày càng phát triển trên con đường đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. 

08-45-44_anh-2-2.jpg
Thành phố Pleiku (Gia Lai) hôm nay. Ảnh: Đức Thụy
 
Có thể khẳng định rằng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai luôn đoàn kết, anh dũng, kiên cường, bất khuất trước quân thù; thủy chung, son sắt đối với cách mạng, một lòng kính yêu Bác Hồ, tin yêu Đảng; cùng nhau vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, lập nên những chiến công hiển hách.

Những tên núi, tên sông, tên đất, tên làng, tên người cùng với những trận đánh, những chiến công vang dội đã mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc như những huyền thoại, góp phần tô thắm thêm trang sử vàng chói lọi của dân tộc Việt Nam ta trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

Sau những thắng lợi vang dội của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam vào cuối năm 1974 và đầu năm 1975, đặc biệt là chiến thắng Phước Long đã làm thay đổi cơ bản về so sánh lực lượng giữa ta và địch. Thế và lực của ta ngày càng lớn mạnh, địch ngày càng lúng túng, hoang mang và suy yếu. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị về giải phóng miền Nam trong năm 1975, tháng 1/1975, Thường trực Quân ủy Trung ương họp quán triệt và quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng các tỉnh Tây Nguyên, thực hiện chia cắt chiến lược và tạo thế chiến lược mới trên chiến trường toàn miền Nam.

Nhận thức được thời cơ đã đến và trách nhiệm của mình, phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Khu ủy Khu 5 và Đảng bộ tỉnh, quân và dân Gia Lai đã liên tục tổ chức các cuộc tiến công tiêu hao sinh lực địch, bức rút nhiều đồn bốt, phá vỡ nhiều ấp chiến lược, giải phóng phần lớn vùng đất phía Nam Pleiku - Cheo Reo.

Đặc biệt, đã thực hiện tốt việc chia cắt chiến lược Đường 19, Đường 14, chia cắt chiến trường Tây Nguyên với đồng bằng, chia cắt Pleiku - Kon Tum với Buôn Ma Thuột; tổ chức tốt các hoạt động nghi binh, thu hút địch dồn lực lượng về hướng Pleiku - Kon Tum, tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta tiến công đánh chiếm Buôn Ma Thuột.

08-45-44_anh-1.jpg
Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, được đầu tư xây dựng khang trang và hiện đại trong những năm sau giải phóng. Ảnh: Xuân Hoàng
 
Ngày 4/3/1975, chiến dịch Tây Nguyên mở màn. Ngày 10/3/1975, các lực lượng chủ yếu của mặt trận Tây Nguyên đồng loạt tấn công Buôn Ma Thuột. Ngày 11/3/1975, thị xã Buôn Ma Thuột được hoàn toàn giải phóng, đẩy quân địch ở Tây Nguyên vào thế hoang mang, dao động, co về phòng thủ Pleiku. Phối hợp với các cánh quân chủ lực, quân và dân Gia Lai đã đồng loạt nổi dậy tiến công và truy kích địch, buộc địch phải tháo chạy khỏi Pleiku theo đường 7.

Chúng ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng Quân đoàn II và các đơn vị quân sự của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 4 liên đoàn biệt động quân, 1 trung đoàn thiết giáp, nhiều đơn vị pháo binh, bảo an, dân vệ của địch; tiêu biểu là trận truy kích và chặn đánh địch trên đường số 7 (nay là Quốc lộ 25) đã bắt trên 3.000 tù binh, thu 26 đại bác và hàng nghìn xe cơ giới, nhiều loại vũ khí, quân trang, quân dụng khác của địch.

Ngày 17/3/1975, Gia Lai được hoàn toàn giải phóng, trở thành hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam Việt Nam, chi viện cho các chiến dịch để phát triển thế tiến công chiến lược của quân và dân ta, góp phần vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4/1975, đất nước được thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đồng sức, đồng lòng, phấn đấu vượt qua gian khổ, hy sinh, nhanh chóng khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống; truy quyét bọn tàn quân Ngụy, bọn phản động Fulro, kịp thời trấn áp các tổ chức, đảng phái phản động, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tham gia làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả và tạo tiền đề về kinh tế - xã hội của tỉnh cho bước phát triển tiếp theo.

Nhằm chăm lo, tạo điều kiện cho Tây Nguyên phát triển, Đảng, Chính phủ đã đề ra rất nhiều chủ trương, quyết sách để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển y tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, các chính sách an sinh xã hội cho vùng Tây Nguyên. Các chủ trương, quyết sách này đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, như một đòn bẫy, tạo bước phát triển trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Gia Lai nói riêng và cả Tây Nguyên nói chung.

Từ một địa phương có nhiều căn cứ quân sự của Mỹ - Ngụy, hạ tầng hết sức yếu kém, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, 40 năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai luôn phát huy sức mạnh đại đoàn kết, vừa làm, vừa học, vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; nhanh chóng nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng, thế mạnh, tích cực hợp tác, kêu gọi đầu tư phát triển đã đạt được những thành tựu to lớn.

Đến nay, tỉnh có 17 đơn vị hành chính, gồm 1 thành phố, 2 thị xã và 14 huyện với 222 xã, phường, thị trấn; dân số trên 1,33 triệu người; tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm phát triển nhanh (giai đoạn 1976-1990 bình quân hàng năm tăng 3,5%; giai đoạn 1991-2010 bình quân hàng năm tăng trên 11%; giai đoạn 2011 đến 2015 bình quân tăng 12,81%); GDP bình quân đầu người đến cuối năm 2014 đạt 34,1 triệu đồng, gấp 36 lần so với năm 1991 (năm chia tách tỉnh); thu ngân sách năm 2014 đạt trên 3.500 tỷ đồng.

Từ các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, các thế hệ lãnh đạo của tỉnh đã quy hoạch, định hướng đúng về cơ cấu kinh tế nên đã sớm biến các tiềm năng, thế mạnh thành hiện thực trên địa bàn tỉnh. Đến nay, trong nông nghiệp, đã hình thành nên những vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn với trên 100.000 ha cao su, gần 80.000 ha cà phê, trên 13.000 ha hồ tiêu; trên 17.000 ha điều; trên 38.000 ha mía; đàn bò của tỉnh trên 360.000 con (là một trong 2 tỉnh có đàn bò lớn nhất cả nước).

Trong công nghiệp, đã hình thành các khu, cụm công nghiệp và nhiều nhà máy gắn với vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh; có 40 công trình thủy điện lớn nhỏ đang vận hành với tổng công suất trên 2.100MW, cung cấp sản lượng lớn điện năng cho cả nước.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư mạnh, bộ mặt thành thị và nông thôn ngày càng đổi mới. Đến nay 100% xã đã có điện sinh hoạt, có điện thoại và có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% thôn, làng có điện lưới quốc gia, 95% hộ sử dụng điện, 80% hộ ở nông thôn dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, quyết liệt, đến nay đã có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới; một số công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện, một số nhà máy lớn, khu đô thị mới, nhà cao tầng, bến xe, bệnh viện, trung tâm y tế, trường học, cơ sở văn hoá... được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, điển hình như: Công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên; Đường Trường Sơn Đông; Quốc lộ 14, Quốc lộ 19, Quốc lộ 25; Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh; Dự án nâng cấp Cảng hàng không Pleiku, Dự án Chăn nuôi bò sữa, bò thịt… Mạng lưới các dịch vụ thương mại, du lịch, ngân hàng, vận tải, viễn thông đáp ứng được nhu cầu phát triển trên địa bàn tỉnh.

Các lĩnh vực văn hoá - xã hội cũng đạt được những thành tựu quan trọng. Tỉnh đã lồng nghép thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia với chương trình giảm nghèo, đến nay không còn hộ đói kinh niên, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí giai đoạn 2011-2015 giảm còn 13,96%; đời sống của đồng bào các dân tộc và nhân dân vùng căn cứ cách mạng luôn được quan tâm; Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên lần thứ nhất tổ chức tại tỉnh và các lần Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai được tổ chức thành công, đã thể hiện tinh thần đại đoàn kết của nhân dân các dân tộc trong tỉnh ngày càng bền vững.

Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, các hoạt động an sinh xã hội đã trở thành phong trào rộng khắp, được các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân quan tâm ủng hộ.

Đời sống tinh thần và trình độ dân trí của người dân được nâng cao. Đến nay, 100% số hộ được nghe đài phát thanh, 95% số hộ được xem truyền hình; việc tổ chức thành công Festival Cồng chiêng Quốc tế lần đầu tiên tại Gia Lai năm 2009 là sự kiện văn hóa lớn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu, Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Giáo dục và đào tạo phát triển khá toàn diện cả về quy mô và chất lượng; hệ thống trường, lớp học được đầu tư xây dựng kiên cố; 100% các huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, đào tạo nghề được thành lập, hoạt động ổn định, góp phần tích cực vào đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và phòng chống dịch bệnh được quan tâm; đã đẩy lùi được dịch sốt rét và khống chế được địch bệnh nguy hiểm, tỉnh đã cơ bản xoá mù loà do đục thuỷ tinh thể; cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ y tế luôn được đầu tư và củng cố, chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân ngày một nâng cao.

Công tác xã hội hoá trên lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao, vận tải đạt được những kết quả đáng khích lệ; Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Trung tâm đào tạo bóng đá Hoàng Anh Asernal-JMC, Bệnh viện Đại hoc Y dược Hoàng Anh Gia Lai; Trường Quốc tế châu Á Thái Bình Dương - Gia Lai, Phân hiệu Trường Đại học Đông Á tại Gia Lai; Bến xe Đức Long Gia Lai... là các mô hình xã hội hoá đã phát huy hiệu quả tốt.

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể đạt kết quả tích cực. Đến nay, có 22 Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh, 1.000 đảng bộ, chi bộ cơ sở, với 45.951 đảng viên; 100% thôn làng, tổ dân phố đều có đảng viên. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp được tổ chức và hoạt động đúng Luật; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã phát huy tốt vai trò tập hợp đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và sự đồng thuận xã hội ngày càng cao.

08-45-44_anh-4.jpg
Đồng bào Gia Lai biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Ảnh: Đức Thụy
 
Công tác quốc phòng - an ninh được đẩy mạnh, đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo dựng được thế trận lòng dân, thực hiện có kết quả công tác đấu tranh, tố giác, phát hiện tội phạm, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ và các hoạt động gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

40 năm qua, với thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc và các lực lượng vũ trang tỉnh Gia Lai đã được Đảng và Nhà nước đánh giá cao, nhân dân luôn ghi nhớ: Tổ quốc đã ghi công 7.574 liệt sỹ, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 129 mẹ, đã tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang cho 57 tập thể và 16 cá nhân, Anh hùng Lao động cho 1 tập thể và 1 cá nhân.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Sao Vàng, 1 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng nhiều huân, huy chương khác.

Tập thể, cá nhân thuộc tỉnh được tặng thưởng 3 Huân chương Hồ Chí Minh, 171 Huân chương Độc Lập các hạng, 550 Huân chương Lao động các hạng; 17 tập thể được tặng thưởng Huân chương Thành Đồng; trên 2 nghìn cá nhân được tặng thưởng Huân chương Quyết thắng, Huân chương Giải phóng, Huân chương Chiến công, Huân chương Chiến sĩ giải phóng; gần 500 cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương Kháng chiến chống Pháp; trên 61 nghìn cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Có thể nói, những thành tựu đạt được từ ngày giải phóng đến nay là một kỳ tích vì hàng trăm năm dưới chế độ thực dân cũ và mới đã không làm được. Điều đó khẳng định, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ có Chủ nghĩa xã hội mới đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân.
Xuân Hoàng

Bình luận

ZALO