Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:11 GMT+7

Gia cố nội lực của nền kinh tế

Biên phòng - Sức ép lạm phát lớn, các thị trường xuất nhập khẩu truyền thống bị thu hẹp, các rủi ro về tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh thương mại gia tăng... được dự báo ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2024.

Ảnh minh họa.

Mặc dù, nhiều doanh nghiệp, ngành hàng dệt may, thủy sản, rau quả liên tiếp nhận được đơn hàng xuất khẩu trở lại, cho thấy xuất khẩu có thể cải thiện ngay trong những tháng đầu năm 2024 nhưng dự báo thị trường thế giới vẫn còn khó khăn.

Đáng lo ngại là tình hình mất an ninh tại khu vực biển Đỏ thời gian gần đây đã ảnh hưởng trực tiếp tới ngành vận tải biển toàn cầu qua kênh đào Suez, tác động tiêu cực đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Cước tàu biển từ Việt Nam đến Mỹ và châu Âu - 2 thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tăng gấp 2-3 lần.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt còn phải đối mặt hàng loạt khó khăn khác như rào cản kỹ thuật xanh được các thị trường xuất khẩu áp dụng; những tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe liên tục thay đổi theo hướng ngày càng khắt khe hơn với hàng hóa các nước nhập khẩu. Cùng đó, xu hướng leo thang về giá nguyên vật liệu, logistics, năng lượng...khiến doanh nghiệp gặp nhiều thách thức để đứng vững trên thị trường.

Bộ Công thương khuyến cáo, để ứng phó với những diễn biến mới, các doanh nghiệp cần nhanh chóng rà soát thời gian ký kết giao hàng cho đối tác và đàm phán để thiết kế lại thời gian giao hàng phù hợp, đồng thời thiết lập cơ chế mua bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro tổn thất hàng hóa do phải kéo dài thời gian giao hàng hoặc gặp sự cố trong quá trình vận chuyển. Về những rào cản xanh, doanh nghiệp sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải chuyển đổi để phù hợp với tiêu chuẩn mà thị trường toàn cầu đang áp dụng.

Một tín hiệu mừng là nhiều doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với hệ thống phân phối trong nước để đưa hàng xuất khẩu quay về phục vụ thị trường hơn 100 triệu dân. Sự đồng nhất trong chất lượng, mẫu mã hàng hóa xuất khẩu với hàng hóa cung ứng thị trường nội địa đã mở ra thị trường cung ứng ổn định cho các doanh nghiệp.

Các tổ chức tài chính, thương mại quốc tế đánh giá, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa, động lực để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 từ 6%-6,5%. Có 4 yếu tố tổng cầu rất quan trọng của nền kinh tế gồm tiêu dùng của các hộ gia đình, đầu tư của doanh nghiệp, chi tiêu của Chính phủ, xuất khẩu ròng.

Trong đó, chi tiêu tiêu dùng trong nước chiếm khoảng 60-65% GDP, trong đó chi tiêu hộ gia đình khoảng 50-55% GDP. Do vậy, đòn bẩy khuyến khích “Người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt” là chính sách thuế. Cùng với giảm thuế VAT từ 10 xuống 8%, cần thúc đẩy mạnh mẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiếp tục mở rộng tín dụng tiêu dùng.

Chuyên gia khuyến nghị, những năm trước, kích cầu nhưng gắn với nhập khẩu nhiều do chuỗi cung ứng nội địa hóa chưa cao nên chưa lan tỏa ra nền kinh tế. Đã đến lúc phải khai thác được thị trường nội địa bởi đây là trọng tâm cân đối với chính sách nền kinh tế hướng về xuất khẩu và củng cố nội lực của nền kinh tế. Bản thân nhà phân phối của Việt Nam phải chủ động giữ sân nhà, vì thông qua hệ thống phân phối đó, hàng Việt mới có thể đi vào thị trường, thậm chí mở rộng ra các thị trường lân cận.

Rõ ràng, doanh nghiệp nội rất cần trợ lực từ các bộ, ngành liên quan để vượt qua khó khăn, nhất là tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp trong nước với cộng đồng quốc tế. Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ vốn, pháp lý, công nghệ cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh, đáp ứng yêu cầu giảm phát thải nhà kính.

Những giải pháp trên được thực hiện đồng bộ sẽ là nền tảng để tạo nội lực cho doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp gia cố năng lực cạnh tranh và tham gia bền vững hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO