Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:11 GMT+7

Giã cào bướm liệu có giúp làng chài thoát nợ?

Biên phòng - “Bỏ giã cào đôi sang làm giã cào bướm”, đi khắp làng chài tỷ phú (xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi), tôi đều nghe các ngư dân nhắc đến cụm từ “giã cào bướm” và xem đó là dự trù trong năm 2020. Làng chài nổi tiếng cả nước hiện đắm chìm trong “bão nợ” và ngư dân đang cố thoát ra khỏi vũng lầy bằng phương cách chuyển đổi nghề, tiếp tục cầu cứu chính quyền địa phương trợ giúp.

jif3_13b
Một tàu giã cào bướm kéo lưới trên biển. Ảnh: Lê Văn Chương

Xã Nghĩa An và Nghĩa Phú nằm ở 2 bên cửa Đại Cổ Lũy. Đây là làng chài có đội ngư dân từng “làm mưa, làm gió” ở các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Quảng Bình và đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng). Kinh nghiệm đánh bắt của ngư dân ở đây rất thành công, các chủ tàu có thu nhập từ 1,2 đến 4 tỷ đồng/năm. Còn Tết năm nay, Nghĩa An buồn. Hơn 1.000 tàu cá thì phần lớn lâm cảnh nợ nần. Ông Trung, một ngư dân nổi tiếng là giỏi giang cho biết, trước đây, ở cửa Đại Cổ Lũy, những chiếc tàu nhỏ “cọc cạch” làm nghề giã cào bướm bị ngư dân đánh bắt xa bờ xem như tàu không có tên tuổi. “Nếu thấy già yếu hoặc nhớ vợ con thì làm giã cào bướm, tối ra biển căng bướm kiếm vài trăm ngàn rồi sáng về bến ăn cơm nhà cho khỏe” - Những ngư dân muốn rời bỏ nghề biển xa bờ thì thường được chủ tàu phán một câu xanh rờn như vậy. Những chiếc tàu làm nghề giã cào bướm chỉ chạy đơn 1 chiếc và kéo lưới giã, thu nhập thấp hơn, nhưng bù lại là ngày nào cũng kiếm ra tiền.

Để làm nghề giã cào bướm, các ngư dân chỉ cần sắm 1 chiếc tàu nhỏ có chiều dài từ 12 đến 15 hoặc 19m, lắp máy công suất từ 90 đến 450 mã lực, sắm giàn lưới bướm có 2 gọng xòe ra phía sau rồi túc tắc đi biển. Tổng cộng gói đầu tư này chỉ từ 200 đến 900 triệu đồng. Gia đình có 4 cha con thì mời thêm 2 ngư dân nữa lên tàu là đủ đội bạn đi biển. Còn làm nghề giã cào đôi thì ngư dân phải đầu tư đến 2 chiếc tàu để chạy song song kéo lưới, tổng cộng gói đầu tư lên đến trên 10 tỷ đồng, chi phí mỗi chuyến biển cũng mất khoảng 400 triệu đồng.

Sau vụ việc hàng trăm tàu cá làm nghề giã cào đôi của làng chài lâm cảnh nợ nần vì đánh bắt không đạt, lượng thủy sản cạn kiệt, vay tiền quá nhiều, các ngư dân bắt đầu tìm lối thoát bằng cách làm nhỏ nhưng chắc ăn để cầm cự qua ngày. Ông Phùng Đình Toàn, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết, lối thoát hiện nay của bà con ngư dân là chuyển đổi sang nghề giã cào bướm, đi 1 chiếc, đánh bắt tổn phí thấp, bạn chài trong gia đình là vừa đủ. 

Đi khắp làng chài trong ngày xuân, nơi nào cũng nghe ngư dân mong mỏi: “Cần Nhà nước cho vay thêm mỗi chủ tàu chừng 200 triệu đồng nữa để cải hoán nghề, vì nghề giã cào đôi đã phá sản”. Vài năm trước, 200 triệu chỉ là số tiền nhỏ của ngư dân làng chài. Nhưng giờ đây, ngư dân vắt kiệt sức cũng không tìm ra được nguồn cho vay vì đang lâm nợ xấu. Ông Mai Văn Hai, chủ đôi tàu giã cào đôi cho biết, ở xã đã có khoảng chục chiếc tàu vay mượn được tiền ngoài và chuyển sang nghề giã cào bướm để kiếm sống qua ngày, ví dụ như tàu của ông Nguyễn Đông, Nguyễn Thiêu. 

Trong cơn bão nợ, nhiều chủ tàu không chấp nhận nằm một chỗ chờ chìm và chuyển đổi nhanh từ nghề giã cào đôi sang giã cào bướm. Ông Hoa, một ngư dân đi bạn và am hiểu về nghề giã cào bướm cho biết, trước giờ quen làm nghề giã cào đôi, bây giờ phải học làm nghề kéo giã cào bướm. Theo ông Hoa, khi kéo lưới thì phải giữ tốc độ ổn định để miệng của giã bướm căng ngang chứ không ngửa lên. Nếu chủ tàu mà sợ tốn dầu, chạy quá chậm thì miệng bướm sẽ xếp lại, luồng cá đi ra ngoài. 

Khi làm nghề lưới giã cào đôi, các ngư dân đã đóng tàu có thân vỏ khủng, dài từ 23 đến 26m, sử dụng máy có công suất 820 đến hơn 1.000 mã lực. Nếu ngư dân giữ công suất máy đó để đi làm nghề giã bướm thì chi phí tiền dầu sẽ hết phần tiền chia cho bạn. Trước tình hình trên, các ngư dân mong nhận được hỗ trợ về các khoản vay để sắm máy thủy loại từ 540 mã lực trở xuống, dựng trụ cẩu, mua thêm dây cáp và sắm giàn giã cào bướm có miệng rộng 25m để tương ứng với công suất của tàu. 

Ông Lê Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An cho biết, tìm bài toán giải quyết khó khăn cho ngư dân ở địa phương không hề đơn giản. Hiện nay, có một số tàu do không tìm được bạn chài vì làm ăn thua lỗ nên phải gọi luôn cha xuống đi biển. Bài toán duy nhất để ngư dân có thể cầm cự và trả hàng ngàn tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại ở Quảng Ngãi, đó là chuyển đổi nghề giã cào bướm. Vì tàu giã cào được thiết kế bụng to, chân vịt thấp, tốc độ đi chậm nên không thể chuyển đổi sang tàu đánh lưới nổi được.

Hiện nay, một số ngân hàng thương mại đề nghị ngư dân ở cửa Đại Cổ Lũy cố gắng trả nợ gốc. Ông Mai Văn Hai cho biết, năm 2018, ông trả nợ ngân hàng được hơn 1 tỷ đồng, khi xảy ra bão nợ trong năm 2019, ông cũng cảm thấy khốn đốn, cuối năm 2019 trả được 250 triệu đồng. Hiện nay, ông cho tàu rời vùng biển truyền thống của đoàn tàu giã cào là vịnh Bắc Bộ để vào ngư trường Bà Rịa - Vũng Tàu đánh bắt. Nếu khi nào không thể trụ nổi thì các ngư dân mới tính chuyện giã từ giã cào đôi để chấp nhận làm giã cào bướm. 

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO