Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:13 GMT+7

Ghi nhận, tôn vinh đội ngũ nhà khoa học có nhiều đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội nông thôn và miền núi

Biên phòng - Để kịp thời đánh giá, ghi nhận, tôn vinh và biểu dương những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, nhà sáng chế trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội khu vực nông thôn, miền núi, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Công ty Cổ phần Phát triển Báo Sáng tổ chức Chương trình tôn vinh: “Nhà Khoa học của Nhà nông” lần thứ Tư, năm 2022.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, trao giải cho các nhà khoa học của nhà nông năm 2020.

62 Nhà Khoa học của Nhà nông được tôn vinh

Sau khi xét chọn qua 2 cấp Hội đồng (Hội đồng xét chọn cấp tỉnh/ bộ/ngành và Hội đồng Thẩm định Trung ương), 62 “Nhà khoa học của Nhà nông” đã được lựa chọn để tôn vinh năm 2022, nâng tổng số “Nhà khoa học của Nhà nông” được tôn vinh thông qua Chương trình này từ năm 2018 đến nay lên 245 người.

Trong số 62 “Nhà Khoa học của Nhà nông” được tôn vinh năm 2022, có 9 nữ và 54 nam. Người cao tuổi nhất là ông Lê Thanh Liêm, sinh năm 1947 (75 tuổi, ở Tây Ninh), trẻ tuổi nhất là anh Nguyễn Văn Huỳnh, sinh năm 1993 (29 tuổi, ở Yên Bái). Có 2 người là Giáo sư, 8 người là Phó giáo sư. Học vị từ Thạc sỹ trở lên có 29 người, trong đó có 20 tiến sỹ. Họ là những nhà khoa học, những chuyên gia, nhà quản lý, chủ doanh nghiệp và nhà nông sáng tạo có công trình nghiên cứu, giải pháp sáng tạo, sản phẩm công nghệ đã được ứng dụng rộng rãi và được các cơ quan chức năng chứng nhận mang lại nhiều lợi ích cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và người nông dân.

Một trong số các Nhà khoa học có học hàm, học vị có nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng điển hình được vinh danh năm nay là PGS.TS Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT). Giai đoạn 2005-2020, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn là Chủ nhiệm 5 đề tài/dự án các cấp từ Nhà nước đến cơ sở, Chủ nhiệm nhánh 5 đề tài cấp Nhà nước, tham gia chính và chịu trách nhiệm về công nghệ của 6 đề tài/dự án.Tiêu biểu, có thể kể đến các đề tài/dự án như: “Ứng dụng công nghệ phù hợp để sấy cói nguyên liệu và bảo quản lạnh sản phẩm cói đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản”; “Hoàn thiện công nghệ và hệ thống thiết bị chế biến gia vị bằng phương pháp chiên hở trên băng chuyền liên tục, quy mô 700-1.000kg nguyên liệu/ngày”. PGS.TS Phạm Anh Tuấn đã có 5 tiến bộ kỹ thuật được công nhận: Quy trình công nghệ sơ chế, bao gói MAP, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ cho quả nho tại tỉnh Ninh Thuận; Quy trình công nghệ sơ chế, bao gói MAP, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ cho quả táo tại tỉnh Ninh Thuận; Quy trình sấy gỗ rừng trồng bằng công nghệ bơm nhiệt chân không; Quy trình công nghệ rấm chín chuối bằng khí ethylene; Quy trình công nghệ sản xuất puree chuối ứng dụng trên dây chuyền thiết bị đồng bộ, năng suất 3 tấn nguyên liệu/giờ... Cá nhân PGS.TS Phạm Anh Tuấn đã được Bộ Nông Nghiệp và phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ tặng Bằng khen.

Có nhiều “Nhà khoa học không chuyên” tiêu biểu được vinh danh năm nay, một trong số đó là anh Nguyễn Văn Huỳnh, sinh năm 1993, dân tộc Tày, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Huỳnh Phát (Yên Bái). Giải pháp sáng tạo của anh Huỳnh, là bếp bình đun nóng lạnh tận dụng nhiệt thừa. Bếp đun củi nóng lạnh Huỳnh Phát được sử dụng thay cho bình nóng lạnh điện, nóng lạnh gas, bình năng lượng mặt trời, là sản phẩm rất phù hợp ở nông thôn, với các hộ gia đình còn sử dụng chất đốt bằng củi, rơm rạ, mùn cưa, vỏ trấu, chất đốt bằng thực vật. Sản phẩm đã được lắp đặt tại hầu hết các xã, huyện trong tỉnh Yên Bái và nhiều địa phương ở các tỉnh, thành phố khác.

Các “Nhà khoa học của Nhà nông” được tôn vinh đến từ khối doanh nghiệp, hợp tác xã năm nay, có Kỹ sư Mai Kiều Liên – Tổng Giám đốc CTCP Sữa Việt Nam. Bà Liên cũng là người lãnh đạo doanh nghiệp đổi mới tư duy, đột phá trong lĩnh vực khoa học công nghệ; ứng dụng khoa học – công nghệ - kỹ thuật và sáng kiến trong nông nghiệp vào ngành sản xuất và chế biến sữa, đưa Vinamilk trở thành thương hiệu quốc tế và là đối tác tin cậy của nông dân nuôi bò sữa Việt Nam. Bà Mai Kiều Liên là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều phần thưởng, danh hiệu uy tín trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế.

Một chương trình mang ý nghĩa chính trị xã hội to lớn

Nói về ý nghĩa của Chương trình tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông” lần thứ Tư năm 2022, bà Bùi Thơm - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Chương trình cho biết: “Đây là chương trình mang ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn, được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm, thể hiện rõ nét ở ba khía cạnh: Thứ nhất, tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông” không chỉ của những Nhà khoa học có học hàm học vị, có công trình nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả mà còn tôn vinh những Chuyên gia, nhà quản lý, cá nhân người nông dân có phát minh, sáng kiến, giải pháp, quy trình kỹ thuật công nghệ được ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả kinh tế cao; chuyển giao và nhân rộng giá trị ra cộng đồng xã hội, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân và cộng đồng. Mặt khác, tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông” là hình thức củng cố, vun đắp, xây dựng và nâng cao nhận thức về vai trò cực kỳ quan trọng của mối quan hệ giữa Nhà nông và Nhà khoa học, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII của Đảng về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, nâng cao năng suất cao, chất lượng tốt và bảo vệ môi trường bền vững, thông qua đó nâng cao kiến thức cũng như mức độ hưởng thụ thành quả của Nhà nông, Nhà khoa học, hài hoà lợi ích với cộng đồng người tiêu dùng...

“Tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông” chính là sự tri ân của giai cấp Nông dân đối với những nhà khoa học, những cá nhân đã và đang đồng hành, sát cánh và có nhiều công lao đối với giai cấp Nông dân; góp phần xứng đáng vào phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra: Đến năm 2045, nước ta là nước công nghiệp phát triển, có thu nhập cao- Bà Bùi Thơm khẳng định”.

Có thể khẳng định, kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đã phát huy cao độ trí tuệ, kinh nghiệm tổng hợp của nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân; Đồng thời, cung cấp công cụ đa năng, hữu hiệu cho các ngành, các địa phương thực hiện thành công các nhiệm vụ được giao, tạo nên những thành tựu quan trọng trong xây dựng vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo

Do đó, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ được xem là chìa khóa tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp và là động lực quan trọng để thực hiện, hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia trong đó có Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Trên cơ sở đó, thời gian tới, các cấp, ngành liên quan cần tiếp tục xây dựng, đề xuất các nhiệm vụ khoa học công nghệ nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhất là tại các địa bàn trọng điểm như vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ; Tập trung nghiên cứu sử dụng giống cây, giống con; Các giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích các nhà khoa học, thu hút doanh nghiệp, huy động nguồn lực... nhằm đạt được các mục tiêu mà các chương trình đề ra

Thái Bình

Bình luận

ZALO