Biên phòng - Làng gốm Vĩnh Hồng (nay thuộc phường Vĩnh Hồng, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) là làng gốm cổ còn tồn tại duy nhất ở vùng “đất mỏ”. Làng gốm không chỉ cho ra các sản phẩm độc đáo, chất lượng tinh xảo, mà nghề gốm nơi đây còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ dân tại địa phương.

Con đường nhỏ dẫn vào làng gốm Vĩnh Hồng, nhìn đâu cũng thấy đồ gốm, sứ, bát đĩa, chum sành, vại bày la liệt. Không khí lao động khẩn trương nhịp nhàng diễn ra đều đặn ở các lò gốm...
Dẫn chúng tôi đi thăm lò gốm, chị Nguyễn Thị Mai, chủ một cơ sở lò gốm truyền thống ở Vĩnh Hồng cho biết: “Nghề gốm ở Vĩnh Hồng có tuổi đời khá lâu, tuy không có một bề dày truyền thống như các làng gốm Thổ Hà (Bắc Giang), Chu Đậu (Hải Dương), Bát Tràng (Hà Nội)..., thế nhưng những sản phẩm của làng gốm Vĩnh Hồng luôn được du khách và đặc biệt là các tay chơi “sành” về đồ gốm “săn tìm”. Bởi, gốm ở Vĩnh Hồng có mẫu mã rất đẹp và đặc biệt, gốm ở đây luôn có màu men đẹp, độ bền cao”.
Những bậc cao niên trong làng gốm ở Vĩnh Hồng cho biết, nghề gốm ở làng Vĩnh Hồng có từ thế kỷ XVIII bởi những người thợ từ vùng Gia Lâm (Hà Nội) di dân đến đây. Do nằm ở vị trí tốt, gần đường cái, gần vùng đất “Đệ tứ chiến khu” sầm uất một thời, gốm Vĩnh Hồng được tỏa đi rộng rãi ở các tỉnh như Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Nguyên... Nếu như thế kỷ trước, người dân làng gốm Vĩnh Hồng còn làm nghề với kiểu “manh mún”, thì đến năm 1957, khi ông Hoàng Bá Huy - một người được coi là “mở mang” phát triển mạnh nghề gốm ở đây đã đưa vào nghề chính, nghề gốm từ đó phát triển mạnh. Nhiều hộ ở làng gốm Vĩnh Hồng vì thế cũng “ăn nên làm ra”.
Hợp tác xã gốm Vĩnh Hồng được thành lập, bởi nghề gốm ở đây rất phát triển, các sản phẩm của gốm Vĩnh Hồng có mặt ở khắp mọi miền và từng được xuất khẩu đi các nước. Ngày trước, gốm Vĩnh Hồng nung bằng củi, nên dễ thấy gần lò nung nào cũng chất đầy củi, khoảnh sân nào cũng có củi phơi. Ngày nay, người dân nơi đây thường sử dụng than để nung gốm.
Theo nghệ nhân Đặng Văn Thạch, người có “thâm niên” trong nghề làm gốm, ở địa phương có một nguồn đất sét có trữ lượng lớn, thêm vào đó, hàm lượng đất sét rất tốt để làm gốm. Một số nghệ nhân đã học được cách “nung”, tới một mức độ “chín” của gốm nên sản phẩm của gốm Vĩnh Hồng khá bền và đặc biệt rất tốt. Chính vì điều này mà nghề gốm Vĩnh Hồng đã ở lại trong lòng du khách khá lâu cho tới bây giờ, không bị “chết yểu”.
Thời gian trước, để làm được sản phẩm gốm, người dân Vĩnh Hồng dùng bàn quay để quay phôi đất, hoàn toàn thô sơ thì ngày nay, ít nhiều trong công đoạn tạo hình sản phẩm đã có mặt của “máy móc thiết bị”, đó là những chiếc bàn xoay máy.
Sản phẩm của gốm Vĩnh Hồng khá đa dạng như: Các loại đôn, bát, đĩa, chum vại, bàn sứ, chậu hoa cỡ lớn... Ngày nay, theo nhu cầu của thị trường, nghề gốm ở Vĩnh Hồng còn làm thêm nhiều các sản phẩm như chum, vại, bình cỡ lớn.
Thăm một số cơ sở ở làng gốm Vĩnh Hồng, chúng tôi bắt gặp những khoảng sân rộng phơi đầy gốm chưa nung, những gian hàng để gốm mới ra lò. Chỗ này những người thợ đang nhanh tay xúc đất sét cho vào máy xay nhuyễn, chỗ khác mọi người lại ngồi vuốt gốm bên bàn xoay, hoặc tỉ mẩn vẽ hoa văn trên các sản phẩm trước khi xếp vào lò nung.
Anh Phùng Văn Hùng, người làm gốm Vĩnh Hồng cho biết: “Tôi làm gốm được hơn 10 năm. Để làm được một sản phẩm gốm, thì người làm gốm phải trải qua nhiều quy trình như chọn đất, nhào, nặn (tạo hình) sản phẩm rồi đem phơi (hoặc sấy), quét men và nung. Một điều dễ thấy, hầu như nhà nào cũng có một chiếc bàn xoay bằng gỗ đặt ở góc sân hoặc ở trong một khu vực riêng để sản xuất. Kiểu hoa văn trên được gọi là hoa văn chìm dưới men, thường được nung ở nhiệt độ rất cao, từ 1.200-1.300 độ C, do đó, sản phẩm có độ bền cao, khó bị nứt vỡ, hoa văn không phai màu. Trong khi đó, sản phẩm của các làng gốm sứ khác chủ yếu chỉ được nung ở nhiệt độ 800 độ C, hoa văn nằm trên men, theo thời gian dễ bị phai màu”.
Thế kỷ trước, cả làng Vĩnh Hồng đều làm gốm, nhưng nay, do một số hộ chuyển sang nghề khác, nên chỉ còn hơn 30 hộ với 17 lò gốm còn hoạt động. Anh Hùng cho biết thêm, hiện nay, nhiều khách hàng rất “thích” những chum vại lớn. Do số lượng khách đặt nhiều, nên nhiều lò gốm đã chuyển hẳn sang làm chum, chậu lớn để bán. Bình quân mỗi ngày, chúng tôi làm được 10 cái chum, một tháng, thu nhập của chúng tôi đạt từ 8 đến 10 triệu đồng.
Anh Phạm Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Thắng Lan, cho biết: “Gia đình tôi có ba đời làm gốm. Hiện nay, cơ sở gốm của chúng tôi có 5 lò, với công suất 6 chuyến lò/tháng tương đương với hơn 3.000 sản phẩm. Mỗi tháng cơ sở trừ chi phí cũng thu lãi hơn 300 triệu đồng”.
Với tuổi đời hình thành khá lâu, ngày nay, gốm Vĩnh Hồng không chỉ là nơi cung cấp các sản phẩm gốm cho người dân, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, mà nó còn là địa điểm du lịch khá hấp dẫn với những du khách khi về thăm làng quê mảnh đất “Đệ tứ chiến khu Đông Triều” .
Long Vũ