Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 29/03/2023 12:55 GMT+7

Gây dựng cơ nghiệp từ dây thìa canh

Biên phòng - Lục Thị Thanh Huyền, dân tộc Nùng, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên chưa bao giờ mơ ước trở thành giám đốc một công ty. Thế nhưng, một ngã rẽ bất ngờ đã tạo cho cô gái trẻ cơ hội điều hành một công ty được phẩm. Huyền chia sẻ, điều giá trị nhất cô có được cho tới hiện nay là cơ hội khởi sự kinh doanh, khẳng định mình và những việc Huyền đang làm đã góp phần thay đổi cuộc sống của một bộ phận người dân quê hương.

6iuv_10
Lục Thị Thanh Huyền chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh tại chương trình tôn vinh những tấm gương trong phong trào khởi nghiệp vùng dân tộc thiểu số phía Bắc năm 2018. Ảnh: Bích Nguyên

Lục Thị Thanh Huyền thi đỗ vào Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, chọn học chuyên ngành kinh tế nông nghiệp, bởi ước muốn sau này sẽ khởi nghiệp trên thế mạnh sản xuất nông nghiệp của quê hương. Điều khá bất ngờ là sau khi tốt nghiệp đại học, Huyền lại được nhận vào làm ở Công ty dược phẩm DK Natura chuyên sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu. Ngã rẽ này sau đó mở ra cho cô cơ hội khởi sự kinh doanh, khẳng định năng lực quản lý, điều hành của bản thân.

Nhờ vào sự nỗ lực của bản thân, Huyền được các thành viên Hội đồng quản trị tín nhiệm bầu làm Giám đốc Công ty cổ phần sản phẩm thiên nhiên DK Natura. Hiện, công ty của Huyền đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông sản, dược liệu, trong đó, sản phẩm chủ đạo là dây thìa canh có hiệu quả rất tốt trong điều trị bệnh tiểu đường. Dây thìa canh được tìm thấy đầu tiên tại Ấn Độ. Tại Việt Nam, người đầu tiên phát hiện ra loài cây này là Tiến sĩ Trần Văn Ơn, Trưởng bộ môn Thực vật, Đại học Dược Hà Nội. 

Giới thiệu về sản phẩm của công ty, Huyền vui vẻ cho biết, tác dụng của cây thìa canh được nghiên cứu từ năm 2006 bởi các chuyên gia của Bộ Y tế và Trường Đại học Dược. Đặc tính nổi trội của dây thìa canh là có thể thu hái quanh năm. Về dược tính, dây thìa canh có hoạt chất chính là GS4, gồm tổ hợp nhiều acid gymnemic và nhiều thành phần khác. Acid gymnemic có tác dụng tăng sản sinh Insulin, tăng hoạt lực của Insulin, giúp cơ thể tái thiết lập khả năng cân bằng đường huyết tự nhiên. Acid Gymnemic còn ức chế hấp thu đường ở ruột làm tăng hoạt tính của men hấp thu và sử dụng đường, giảm cholesterol và lipid máu.

Nhờ đó, hoạt chất này đem lại hiệu quả giảm đường huyết, ngăn ngừa xơ vữa mạch máu. Với những dược tính quý báu đó, công ty của Huyền đã nghiên cứu, chế biến dây thìa canh thành sản phẩm dạng thô, trà túi lọc và viên nang. Năm 2016, sản phẩm dây thìa canh đóng túi của công ty đã đạt danh hiệu Sản phẩm Vàng vì sức khỏe cộng đồng.

Nói về những khó khăn trên chặng đường khởi nghiệp, Huyền cho biết, có 2 nút thắt lớn nhất mà cô và các thành viên trong công ty đã mất nhiều công sức tháo gỡ, đó là tạo dựng vùng nguyên liệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện trách nhiệm nặng nề này, Huyền nhiều ngày quên ăn, nhiều đêm mất ngủ trăn trở tìm cách tháo gỡ.

“Thời điểm đó là năm 2011. Chúng tôi lên kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cho công ty ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Tuy nhiên, việc đưa một giống cây mới về trồng ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Người dân còn hoài nghi rất nhiều về giá trị kinh tế của loại cây này. Chúng tôi đã phải đến nhà từng hộ dân, nói chuyện, tư vấn giúp họ cách trồng. Khi thuyết phục người dân trồng cây mới mà chưa biết hiệu quả kinh tế thế nào thực sự là khó khăn. Chúng tôi đã phải trồng mô hình trước 1 năm. Bà con thấy dây thìa canh phát triển tốt và có hiệu quả kinh tế cao mới bắt đầu trồng rộng ra” – Huyền nhớ lại.

Thực hiện chiến lược tạo vùng nguyên liệu, công ty của Huyền đã hỗ trợ con giống, hướng dẫn người dân cách gieo trồng, chăm bón và ký hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm. Các công đoạn chăm sóc, thu hái đều có người của công ty kiểm soát. Đến nay, diện tích trồng cây thìa canh tại xã Yên Ninh đã tăng lên 10ha. Bước đầu hình thành vùng trồng cây thìa canh tập trung.

“Người dân rất phấn khởi vì thu nhập từ cây thìa canh cao gấp 6 lần so với trồng lúa và các loại cây trồng khác. Bản thân tôi cũng vui vì đã mang lại cho địa phương một giống cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho các hộ dân. Từ chỗ từ chối, đến nay, nhiều gia đình đã tới công ty xin được liên kết trồng dây thìa canh”  – Huyền cho biết.

Khâu quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường cũng gian nan không kém việc tạo vùng nguyên liệu. Huyền chia sẻ: “Là phụ nữ nên tôi còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đối tác cũng như tiếp cận nguồn vốn để mở rộng kênh phân phối sản phẩm. Chúng tôi đưa sản phẩm ra thị trường qua kênh bán hàng trực tiếp và đại lý, mở chi nhánh tại các tỉnh. Chúng tôi tận dụng mạng internet để bán hàng. Lợi thế của mạng đem lại là rất lớn, giúp chúng tôi giới thiệu sản phẩm, kết nối với người tiêu dùng nhanh hơn. Tôi mong nhận được sự giúp đỡ của hệ thống truyền thông để quảng bá sản phẩm đến nhiều người dân và các đối tác”.

Nguyễn Bích

Bình luận

ZALO