Biên phòng - Tuần qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã bước vào cuộc tổng tuyển cử được dư luận đánh giá là mang tính lịch sử. Sau khi kết quả bỏ phiếu vòng đầu tiên được công bố, giới chức và người dân nước này coi đây là “bữa tiệc” của nền dân chủ khi vị thế của đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã không thể hiện sự vượt bậc như kỳ vọng trước đối thủ chính Kemal Kilicdaroglu.
Theo kết quả bỏ phiếu vào cuối tuần trước, cả ông Erdogan và đối thủ Kilicdaroglu đều không đủ số phiếu cần thiết để giành chiến thắng ngay ở vòng 1, nên sẽ phải tham gia cuộc bỏ phiếu vòng 2 dự kiến vào cuối tháng 5/2023.
Chủ tịch Hội đồng bầu cử tối cao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, tất cả các hòm phiếu trong nước đã được mở và tỷ lệ cử tri đi bầu là 88,92%. Kết quả được công bố cho thấy, trong 100% số phiếu bầu được kiểm, ông Erdogan giành hơn 49% số phiếu bầu, ứng cử viên đối lập Kilicdaroglu giành 45% số phiếu bầu, trong khi ứng cử viên về thứ ba Sinan Ogan chỉ giành được hơn 5% số phiếu.
Trong cuộc bầu cử quốc hội, với 99,99% số phiếu được kiểm, liên minh do đảng AKP của ông Erdogan lãnh đạo đã giành được 321 ghế trên tổng số 600 ghế, trong khi liên minh đối lập giành được 213 ghế.
Ông Erdogan - chính trị gia “lão luyện” trong tranh cử dù vẫn dẫn đầu nhưng không thể đánh bại đối thủ ngay từ vòng đầu như thường lệ. Truyền thông quốc tế đánh giá, cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ là sự kiện quan trọng với chính trị quốc tế, khi người đắc cử sẽ có cách điều hành đất nước với ảnh hưởng nhất định tới chính sách không chỉ của khu vực, mà còn rộng khắp thế giới. Vì vậy, cuộc bầu cử này được giới chuyên gia chính trị quốc tế dự báo sẽ diễn ra vô cùng kịch tính và khó dự đoán, thực tế đã chứng minh như vậy.
Bình luận về ý nghĩa quan trọng của cuộc bầu cử, giới chuyên gia cho hay, cuộc bầu cử này mang tính bước ngoặt trong 100 năm qua của Thổ Nhĩ Kỳ, không chỉ quyết định người lãnh đạo, mà còn ảnh hưởng tới những quyết sách tương lai trong quản trị đất nước, giải quyết cuộc khủng hoảng trong nước liên quan tới chi phí sinh hoạt. Cùng với đó là định hình chính sách đối ngoại của đất nước với vị thế là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như tham vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và nâng cao vị thế, tầm ảnh hưởng ở khu vực…
Trong khi quyết tâm cao về việc giành chiến thắng ở vòng thứ hai của ông Erdogan và ông Kilicdaroglu chiếm trọn sự quan tâm của dư luận, ở góc độ khác, giới quan sát cho rằng, ứng cử viên Sinan Ogan với 5,17% số phiếu ở vòng 1 đang là một “ẩn số” có thể xoay chuyển cuộc bỏ phiếu này. Bởi, với số phiếu ủng hộ của mình, ông Sinan Ogan liên minh với phe nào khả năng cao sẽ mang tới chiến thắng cho phe đó.
Bình luận về “cuộc đua”, giới chuyên gia nhìn nhận, căn bản mong muốn của người dân Thổ Nhĩ Kỳ lúc này là vượt qua những khó khăn trong đời sống xã hội vì khủng hoảng kinh tế và thiệt hại khổng lồ do thảm họa động đất vào tháng 2/2023. Hơn lúc nào hết, người lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ tới đây không chỉ là sự thắng - thua về mặt chính trị, mà phải thực sự là người có đủ khả năng vực dậy sự thịnh vượng của đất nước.
Đây cũng là ý niệm chung của nhiều lãnh đạo quốc gia và tổ chức quốc tế khi gửi lời chúc mừng tới cử tri Thổ Nhĩ Kỳ sau vòng bỏ phiếu đầu tiên. Nổi bật trong đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov của Nga cùng chung quan điểm tôn trọng sự lựa chọn của người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Dù ai đắc cử chức tổng thống, các mối quan hệ hợp tác sẽ được duy trì và tăng cường mạnh mẽ hơn nữa.
Cũng theo các nhà quan sát chính trị quốc tế, kết quả bỏ phiếu vòng đầu tiên vừa qua cho thấy, niềm tin trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ dành cho ông Erdogan dù có giảm sút nhưng vẫn đang “nhỉnh” hơn, một phần bởi ông Erdogan là một nhà lãnh đạo trên thực tế xuyên suốt 2 thập kỷ với những thành tựu, nỗ lực cụ thể để hiện thực hóa các tham vọng vươn tầm của đất nước.
Thanh Trúc