Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:15 GMT+7

Gặp người thiết kế quân phục của lực lượng Công an nhân dân vũ trang

Biên phòng - Đại tá Trần Đức rưng rưng xúc động khi nhắc đến kỉ niệm được gặp Bác Hồ trong dịp cùng các đồng chí lãnh đạo vào xin ý kiến Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị về bộ quân phục của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), nay là BĐBP. “Hạnh phúc nhất cuộc đời của tôi là được trực tiếp gặp Bác Hồ, được Bác ân cần hỏi chuyện. Suốt cuộc đời này, tôi không thể nào quên được 30 phút đó” - Đại tá Trần Đức bộc bạch.

pqdl_5a
Đại tá Trần Đức. Ảnh: Hoàng Anh

Trong ngôi nhà nhỏ nằm trong khu tập thể của Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an tại phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Đại tá Trần Đức lật giở từng tấm ảnh đã hoen ố cùng năm tháng, được ông gìn giữ cẩn trọng trong cuốn nhật ký như những kỷ vật vô giá trong suốt cuộc đời quân ngũ của mình.

Ánh mắt của ông ngời sáng khi được tôi hỏi, cơ duyên nào ông lại được gặp Bác Hồ? Ông vui vẻ kể lại: Ngay sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc năm 1954, Đảng và Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị quân đội, công an triển khai tổ chức bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến và các mục tiêu trọng yếu ở nội địa. Trước yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, để quân đội có điều kiện tập trung xây dựng lực lượng chuẩn bị cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khóa II) và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho Quân ủy Trung ương, Đảng đoàn Bộ Công an nghiên cứu xây dựng đề án thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới và ở nội địa.

Sau khi xem xét đề án và đề nghị của Quân ủy Trung ương, Đảng đoàn Bộ Công an, ngày 19-11-1958, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 58/NQ-TW về việc thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và biên cương, sau đổi thành lực lượng CANDVT, theo Nghị định 100/TTg ngày 3-3-1959 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở “thống nhất các đơn vị bộ đội quốc phòng đang làm nhiệm vụ bảo vệ ở nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị Công an Biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành lực lượng CANDVT đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an”.

Đầu năm 1959, trong lúc đang làm việc tại Cục Hậu cần của lực lượng CANDVT, chàng sĩ quan trẻ Trần Đức được lệnh đến gặp Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh kiêm Chính ủy CANDVT. Vừa bước chân vào phòng, ông được Tư lệnh Phan Trọng Tuệ giao nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế bộ quân phục dành riêng cho lực lượng CANDVT với những yêu cầu hết sức cụ thể.

“Nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao cho lực lượng CANDVT thể hiện rõ 3 tính chất: Quốc phòng, an ninh và đối ngoại và đó cũng là đặc điểm riêng biệt của CANDVT. Chính vì vậy, quân phục của lực lượng này không được giống quân phục của lực lượng công an hay của bộ đội. Trong thời gian 5 ngày, đồng chí phải hoàn thành bộ quân phục mẫu của lực lượng CANDVT để trình các đồng chí trong Bộ Chính trị và Bác Hồ xem xét, lựa chọn” - Tư lệnh Phan Trọng Tuệ giao nhiệm vụ. Tuy trước đây đã từng là “tay kéo, tay chỉ” có tiếng ở chiến trường Khu V, nhưng chàng sĩ quan trẻ Trần Đức không khỏi lo lắng. Ông biết, đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đòi hỏi phải có sự đầu tư, suy nghĩ rất công phu, cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ.

Để tạo điều kiện cho Trần Đức hoàn thành nhanh chóng nhiệm vụ, trước khi chia tay, Tư lệnh Phan Trọng Tuệ còn giao cho Trần Đức cuốn sách giới thiệu quân phục của lực lượng vũ trang Liên Xô để ông tham khảo thêm. Có “bảo bối” trong tay, nhưng Trần Đức vẫn không khỏi lo lắng bởi cuốn sách được viết hoàn toàn bằng tiếng Nga mà ông lại chưa từng được học qua bất cứ một ngoại ngữ nào. “Trong cái khó, ló cái khôn”, ông ôm cuốn sách chạy thẳng đến người bạn đồng hương Quảng Ngãi đã từng học tập gần 10 năm bên Liên Xô vừa về nước, hiện đang giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, để nhờ dịch hộ.

Sau mấy đêm thức trắng bên ngọn đèn dầu le lói để nghiên cứu cuốn sách cộng với những kinh nghiệm của mình, Trần Đức mới nghĩ ra kiểu dáng của chiếc mũ kê pi dùng cho sĩ quan và chiếc mũ bông đặc chưng của lính Biên phòng. Đặc biệt là màu xanh quân hàm với những đường vạch ngang màu vàng (của hạ sĩ quan, chiến sĩ) và vạch dọc (của sĩ quan). Ông cũng chọn màu của bộ quân phục là màu vàng nhạt và trên mũ vẫn dùng Công an hiệu của lực lượng Công an nhân dân.

Ông cẩn thận nhờ họa sĩ vẽ tất cả chi tiết ra giấy rồi mang đến trình cho Tư lệnh Phan Trọng Tuệ để trưng cầu ý kiến đóng góp của các đồng chí trong Ban Chỉ huy CANDVT Trung ương cũng như Ban Chỉ huy CANDVT Biên phòng và nội địa các tỉnh về dự họp tại Hà Nội, trước khi cho may bộ mẫu bằng vải. Sau gần 1 tuần trưng cầu ý kiến, Tư lệnh Phan Trọng Tuệ giao nhiệm vụ cho Trần Đức tổng hợp các ý kiến đóng góp để may 3 mẫu quân hàm với 3 màu nền khách nhau (màu vàng, màu đỏ và màu xanh). 3 mẫu ấy được ông mang vào trình các đồng chí trong Bộ Chính trị và Bác Hồ lựa chọn thống nhất.

5bt
Hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng đầu đội mũ bông vai mang quân hàm màu xanh đã được in thành tem phát hành rộng rãi. Ảnh: Tư liệu

Hôm đi gặp Bác Hồ, Tư lệnh Phan Trọng Tuệ lại bận việc đột xuất nên giao cho đồng chí Nguyễn Quang Việt, Phó Chính ủy CANDVT và đồng chí Nguyễn Quốc Thân, đại diện lãnh đạo Bộ Công an cùng chàng sĩ quan trẻ Trần Đức, tác giả của mẫu quân phục của CANDVT. Sau khi nhìn ngắm 3 mẫu quân phục, Bác Hồ và các đồng chí trong Bộ Chính trị đều nhất trí chọn màu quân phục là màu vàng nhạt. Riêng 3 mẫu quân hàm thì có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng Bác Hồ đã chọn quân hàm màu xanh và đưa ra ý kiến hết sức tinh tế, mọi người có mặt đều thán phục. Bác nói, màu xanh quân hàm là màu của rừng núi, của đồng bằng nên rất thích hợp với CANDVT. Đến lúc chọn quân hiệu để gắn trên mũ thì Bác Hồ yêu cầu cần phải viết rõ “CANDVT” chứ không dùng “CA” lồng vào nhau vì tránh để nhân dân đọc nhầm là “ác”.

Tuy nhiên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa ra ý kiến là chữ CA lồng vào nhau đã có từ năm 1946, khi thành lập lực lượng Công an nhân dân và đã được nhân dân Khu 4 làm quen từ lâu, nên không sợ hiểu sai ý. Bác quay lại hỏi chàng sĩ quan trẻ Trần Đức: “Trước khi thiết kế các mẫu quân hiệu này để trình lên Bộ Chính trị thì các chú đưa ra tham khảo ý kiến của các anh em trong đơn vị chưa? Mọi người có ý kiến thế nào?”.

Trần Đức thưa với Bác: “Chúng cháu đã trưng cầu ý kiến của anh em trong đơn vị rồi ạ. Đa số đều thích quân hiệu mang biểu tượng quân đội chứ không thích biểu tượng của công an ạ”. Bác lại cười hiền từ và giảng giải, các chú là công an mà lại không thích quân hiệu công an thì ai thích được? Sau hơn 30 phút bàn bạc, các đồng chí trong Bộ Chính trị và Bác Hồ đã thống nhất quân hiệu có chữ CA lồng vào nhau và màu xanh của quân hàm là của lực lượng CANDVT. 

Tại lễ thành lập CANDVT ngày 28-3-1959, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh CANDVT đã mặc bộ quân phục mới do chính tay Trần Đức thiết kế với những màu sắc, quân hiệu mà các đồng chí trong Bộ Chính trị và Bác Hồ đã chọn.Và cũng kể từ đấy, màu xanh quân hàm và chiếc mũ bông Biên phòng đã trở thành hình tượng đặc trưng của những người lính làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới trong suốt gần 60 năm qua.

Trần Hoàng Anh

Bình luận

ZALO