Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:11 GMT+7

Gặp người đau đáu với du lịch Hà Giang

Biên phòng - Nghe và cảm nhận ca từ trong bài hát “Hà Giang quê mình” của nhạc sĩ Đoàn Thu Trà (thơ Lại Quốc Tĩnh), tôi cứ nghĩ, tác giả thơ phải là người sinh ra, lớn lên và “ngụp lặn” trong văn hóa của mảnh đất địa đầu. Chưa hết, anh còn đưa tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi say sưa nói về du lịch ở nơi này với tầm nhìn dài hơi và rất bài bản, chuyên nghiệp.

Kỹ sư Lại Quốc Tĩnh (bên trái) giới thiệu về Khu nghỉ dưỡng H’mong Village cho nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (giữa) và đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, ngày 28-11-2020. Ảnh: Duy Tuấn

Kỹ sư Lại Quốc Tĩnh là người con Thái Bình và mới chỉ gắn bó với Hà Giang trong 20 năm nay. Nhưng trong cuộc trò chuyện thân tình cùng tôi, anh khẳng định: Hà Giang là quê hương thứ 2, nơi này cho anh tất cả, vì vậy, anh thầm hứa với lòng mình sẽ làm mọi điều tốt đẹp nhất có thể trong khả năng cho phép. Hà Giang hôm nay theo cảm nhận của anh thì đã đổi thay, phát triển rất nhiều so với ngày anh mới đặt chân lên đây. Sự phát triển của Hà Giang thể hiện qua nhiều lĩnh vực: Bộ mặt đô thị, bản làng, thôn xóm đã khang trang hơn, đời sống của nhân dân cũng được nâng lên rõ rệt, các hủ tục lạc hậu dần được loại bỏ, các phong tục tập quán ưu việt được bảo tồn và phát huy giá trị... Trình độ dân trí cũng được nâng lên, con em các dân tộc thiểu số được học hành, làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp rất nhiều. Đây là hạt nhân xây dựng đời sống mới tại các bản làng và các khu dân cư.

Trong câu chuyện, anh luôn chú tâm đến vấn đề phát triển du lịch và nhất là việc gìn giữ văn hóa dân tộc trong tổng thể sự phát triển ấy. Anh hào hứng cho biết, Hà Giang được tạo hóa ban tặng không gian cảnh quan hùng vĩ và đã được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, bao gồm 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc). Trong đó, có rất nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như: Dinh thự Nhà Vương, Cột cờ quốc gia Lũng Cú, đỉnh đèo Mã Pí Lèng, huyền thoại cung đường Hạnh Phúc, phố cổ Đồng Văn... và rất nhiều địa điểm khác thu hút du khách thăm quan, khám phá, bao gồm các hang động đẹp như động Lùng Khúy cùng rất nhiều hang động đẹp có giá trị cả về thẩm mỹ và khoa học khác chưa được khai thác...

“Ở phía Tây có Hoàng Su Phì và Xín Mần là 2 huyện vùng cao núi đất cũng rất giàu tiềm năng phát triển du lịch, với những danh thắng cấp quốc gia: Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, đỉnh Chiêu Lầu Thi cao 2.403m, bãi đá cổ Nấm Dẩn... và rất nhiều cảnh quan khác có thể khai thác du lịch. Đặc biệt, Hà Giang là nơi hội tụ của 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, trải qua hàng nghìn năm lịch sử đã tạo nên kho tàng văn hóa cả vật thể và phi vật thể vô cùng đồ sộ. Quan trọng hơn nữa, đây là nơi ít chịu tác động bởi nhịp sống hiện đại, nên còn giữ được gốc rễ truyền thống. Đây là vốn quý nếu chúng ta biết phát huy, gìn giữ, bảo tồn và đem giới thiệu với du khách trong nước cũng như quốc tế” - kỹ sư Lại Quốc Tĩnh nói.

Một trong những điểm nhấn của du lịch Hà Giang là Khu nghỉ dưỡng H’mong Village do kỹ sư Lại Quốc Tĩnh đã mất nhiều thời gian, công sức ấp ủ, xây dựng, với mong muốn phát triển du lịch nhưng không quên giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Có đặt chân đến khu nghỉ dưỡng này mới thấy, nơi đây toát lên nét đẹp truyền thống, dân dã và có phần hoang dại của không gian văn hóa vùng cao nói chung, văn hóa dân tộc Mông nói riêng, đặc biệt là dân tộc Mông vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Tất cả các kiến trúc, vật liệu xây dựng lên khu này đều rất gần với thiên nhiên và gắn liền với bà con dân tộc Mông.

Thông thường, ở các khu du lịch sẽ có cổng lớn, nhưng ở đây lại dựng lên hòn đá nguyên khối hình mai rùa, trên đó vẽ chữ “Khu nghỉ dưỡng H’mong Village” theo thể thư pháp. Hòn đá đó vừa đơn giản, gần gũi, mà còn là biểu tượng của cao nguyên đá Đồng Văn. Ngôi nhà 2 tầng bằng đất được đặt ở trung tâm của khu A (khu sinh hoạt chung) được làm hoàn toàn bằng đất lợp mái ngói âm dương theo đúng truyền thống của dân tộc Mông...

Là người nghiên cứu rất kỹ đường hướng du lịch của Hà Giang, kỹ sư Lại Quốc Tĩnh cho biết, trong mấy nhiệm kỳ gần đây, lãnh đạo tỉnh đã rất quan tâm đến việc đưa tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững theo hướng phát triển du lịch đi đôi với gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang, khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, đã xác định lấy du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Theo đó, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 2-8-2021 “Về việc phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021- 2025”, trong đó nói rất rõ chiến lược phát triển du lịch Hà Giang gắn liền với bảo tồn văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên. Chắc chắn trong thời gian tới, tỉnh sẽ có nhiều chính sách cụ thể để định hướng, quy hoạch, khuyến khích đầu tư, phát triển du lịch một cách bài bản, bền vững.

“Dư địa để phát triển du lịch của Hà Giang còn rất lớn, tuy nhiên, trong những năm qua mới chỉ là đánh thức dậy. Tôi tin, trong những năm tới, thế mạnh đặc thù về du lịch của tỉnh sẽ được phát huy cao độ để người dân không còn buồn tủi như câu thơ của cố Bí thư Tỉnh ủy Vũ Ngọc Kỳ: “Sống trên đá, chết nằm trong đá”, mà họ phải được hưởng lợi từ cảnh quan thiên nhiên tạo hóa ban cho, họ sẽ “Sống trên đá, làm giàu từ đá” - kỹ sư Lại Quốc Tĩnh nhấn mạnh.

Chia tay kỹ sư Lại Quốc Tĩnh mà đôi tai tôi cứ vang vọng lời ca trong trẻo, da diết, đậm chất dân ca Mông trong ca khúc Hà Giang quê mình: “Hà Giang nơi địa đầu Tổ quốc/ Mây bay phủ trắng bản làng quê mình/ Cờ Lũng Cú, dinh Nhà Vương/ Hiên ngang hùng vĩ địa linh tự hào...” (Nhạc: Đoàn Thu Trà, thơ: Lại Quốc Tĩnh) mà thêm yêu, thêm trân trọng tấm lòng, sự tâm huyết của người con quê lúa với cao nguyên đá.

Ngô Khiêm

Bình luận

ZALO