Biên phòng - Trong 2 ngày 20 và 21-4, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức gặp mặt già làng, trưởng thôn, bản, nghệ nhân, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, xã đặc biệt khó khăn khu vực phía Bắc. 120 đại biểu của 15 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Điện Biên, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh thuộc các tiêu chí này đã tham dự.

Chuỗi hoạt động liên quan đến cuộc gặp mặt gồm Hội thảo về giải pháp bảo tồn văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trong thời kỳ hội nhập; tham quan các di tích, bảo tàng, làng văn hóa các dân tộc tại Hà Nội; gặp mặt Chủ tịch nước và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Chương trình gặp mặt nhằm khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vị trí, vai trò và trách nhiệm của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới. Đây là dịp để các đại biểu giao lưu, trao đổi và học tập kinh nghiệm, đồng thời đề xuất các giải pháp mang tính cấp bách, thiết thực phù hợp với dân tộc mình nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận những ý kiến của đại biểu để đề xuất các chính sách, giải pháp hữu hiệu, cơ chế đặc thù phù hợp nhằm bảo tồn văn hóa các dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định tại Hội thảo giải pháp bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số: Đảng, Nhà nước coi nhiệm vụ bảo tồn văn hóa là cấp thiết và của toàn xã hội. Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, văn hóa là yếu tố thúc đẩy sự phát triển. Việc xây dựng đời sống văn hóa trong từng gia đình, khu dân cư và tầm quốc gia được tiếp diễn trên cơ sở từng dân tộc, từng vùng đều có ý thức giữ gìn văn hóa của chính dân tộc mình. Các thiết chế văn hóa tiếp tục được đầu tư cải thiện, phương pháp bảo tồn văn hóa phong phú, đa dạng, hướng đến sự phát triển toàn diện ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới và xã đặc biệt khó khăn hiện nay.
TTH