Biên phòng - Đã hơn 30 năm, nhưng câu chuyện vây bắt toán biệt kích - tay chân của trùm phản động Hoàng Cơ Minh với cái tên mỹ miều “Người truyền lửa về quê hương” của Đồn Biên phòng Thanh, BĐBP Quảng Trị dường như vẫn chưa bao giờ cũ. Câu chuyện càng trở nên hấp dẫn khi được chính “nhân chứng sống” - người cựu binh Biên phòng Lê Minh Mết kể lại. Chẳng có gì thú vị hơn khi tháng 3 lên biên giới được ôn lại truyền thống BĐBP Anh hùng.
Mặc dù đã về hưu nhiều năm, nhưng ông Lê Minh Mết (người Vân Kiều, ở thôn A Ho, xã Thanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh không chỉ với tư cách là thế hệ đi trước, mà còn là người luôn đồng hành, ủng hộ BĐBP trong xây dựng thế trận biên phòng toàn dân trên dải đất biên cương này. Bởi vậy mà, khi Trung tá Ma Phương Trình, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thanh gọi điện hẹn gặp, dù đang ở thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa), nhưng ông đã nhanh chóng trở về nhà đón khách.
Khi chúng tôi nhắc đến câu chuyện bắt toán biệt kích “Người truyền lửa về quê hương”, người cựu binh Biên phòng mắt như sáng lên và cả bầu trời ký ức như ùa về. Điều đó thật dễ hiểu, bởi ông Mết khi ấy là Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh - một trong những người trực tiếp chiến đấu và vây bắt toán phản động lưu vong này.
Giọng người cựu binh Biên phòng như trầm lại khi bắt đầu câu chuyện. Đó là những ngày cuối năm 1989, BĐBP Quảng Trị nhận được tin có toán phản động lưu vong là tay chân của Hoàng Cơ Minh sẽ xâm nhập vào Việt Nam qua khu vực biên giới tỉnh Quảng Trị. Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị xác lập Chuyên án X42 với quyết tâm “tóm gọn” toán biệt kích này. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh giao cho Trung tá Nguyễn Quang Nga, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng trực tiếp lên biên giới chỉ huy Đồn Biên phòng Thanh; Phòng Trinh sát; Đại đội cơ động và Đội chó chiến đấu cùng hiệp đồng với lực lượng Công an, Quân sự, dân quân tự vệ trên địa bàn xã Thanh phá án.
Ngày 21-2-1990, ông Mết đi kiểm tra dọc theo bờ sông Sê Pôn từ xã Xy về Tân Long. Ngày ấy, chính quyền yêu cầu người dân không được ra sông để tránh bị nhóm biệt kích bắt làm con tin. 10 giờ đêm, ông Mết đến bản Tám (xã Thanh) được người dân tận tình nấu cơm mời ăn, nhưng cơm chưa chín thì có người chạy vào báo: “Thủ trưởng ơi, tắt đèn mau, chúng về rồi”. Hóa ra, dân quân đã phát hiện toán biệt kích về đến bản Cheng (huyện Sê Pôn, tỉnh Sa Vẳn Na Khệt, Lào) và chuẩn bị vượt sông. 2 giờ 30 phút, ngày 22-2-1990, địch vượt sông Sê Pôn, nhưng do trời mưa to nên rất khó phát hiện dấu vết truy tìm.
Đến 8 giờ 30 phút cùng ngày, tổ 1 của Đồn trưởng Cao Xuân Cung, Thượng úy Lê Minh Mết và đồng chí Hồ Văn Dũng (Xã đội phó xã Thanh) phát hiện tại rừng ma thôn Pa Loang (xã Thanh) có khói bay lên. Tổ 1 đã tiếp cận mục tiêu, nhưng do vận động ở rừng rậm nên gây tiếng động, địch phát hiện, nổ súng và bỏ chạy ra hướng bờ sông Sê Pôn. Khi chúng định vượt sông qua biên giới thì gặp tổ 2 của Thượng úy Nguyễn Hải Đăng nổ súng bắn chặn buộc chúng vừa bắn trả, vừa chạy dọc theo bờ sông Sê Pôn. Các mũi truy kích của ta hình thành đội hình bao vây khiến chúng phải co cụm tại khu rẫy gần bản Ra Viêng rồi buộc phải đầu hàng.
4 tên phản động lưu vong bị bắt giữ gồm toán trưởng Nguyễn Vũ cùng Lò Văn Hén, Lê Hạnh, Nguyễn Văn Hoàng. Chúng đã khai nhận hành trình của mình như sau: Năm 1987, các nhóm phản động do Hoàng Cơ Minh trực tiếp chỉ huy lực lượng lưu vong xâm nhập vào Việt Nam liên tục bị thất bại. Sau hơn 2 năm tuyển dụng, củng cố tổ chức, huấn luyện, lực lượng lưu vong thuộc tổ chức “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” đã sẵn sàng về Việt Nam chống phá cách mạng.
Ngày 21-11-1989, tên Đặng Văn Thanh (tay chân của Hoàng Cơ Minh) tổ chức cho một toán biệt kích với tên gọi là “Người truyền lửa về quê hương” mang theo kế hoạch “Vượt sóng” từ Thái Lan qua Lào rồi tìm đường về Việt Nam. Sau 3 tháng đi bộ, ngày 21-2-1990, toán biệt kích chỉ còn 4 tên mang theo súng AK, AR15, K54 và M79 tới được bản Cheng. Rạng sáng 22-2-1990, chúng vượt sông Sê Pôn qua khu vực rừng thuộc bản Pa Loang (xã Thanh). Thế nhưng, điều chúng không ngờ là BĐBP Quảng Trị đã “đợi” ngay bên bờ kia sông biên giới.
Vào phút cuối cùng, toán trưởng Nguyễn Vũ giơ khẩu K54 vào đội hình của BĐBP Quảng Trị bóp cò thì cảnh khuyển nhảy lên đớp vào tay buộc hắn phải buông súng. Thượng úy Lê Minh Mết lấy dây dù trói tay 4 tên lại rồi dẫn ra khỏi rừng. Vậy là “ngọn lửa” của Hoàng Cơ Minh đã bị tắt ngấm ngay khi vừa đặt chân về tới biên giới Việt Nam.
Ông Lê Minh Mết đã dừng lời, nhưng chúng tôi dường như vẫn chưa thoát ra khỏi mạch câu chuyện. Trung tá Ma Phương Trình cho biết, bài học về truyền thống vẫn được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh phát huy, được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Ngày 13-3-2008, Đồn Biên phòng Thanh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngày hôm nay, bên cạnh nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, những người lính Biên phòng còn giúp dân phát triển kinh tế bằng những mô hình thiết thực và đem lại hiệu quả cao. Dịch Covid-19 bùng phát, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh ngày đêm căng mình trên chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19, thế nhưng vẫn không quên giúp đồng bào phát triển kinh tế bằng những mô hình cụ thể, thiết thực và đem lại hiệu quả cao.
Hoạt động nổi bật nhất trong thời gian gần đây là đơn vị vận động mạnh thường quân hỗ trợ 1 triệu cây keo giống trồng dọc sông Sê Pôn, hay mô hình trồng lạc trên đất cát vừa chống sạt lở bờ sông biên giới, vừa giúp cải thiện đời sống của đồng bào. Tất cả những điều ấy đã làm nên sự vững mạnh của dải đất biên cương này.
Trúc Hà - Phan Vĩnh