Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 30/09/2023 01:19 GMT+7

Gắn kết yêu thương cùng xây dựng vùng biên giàu mạnh

Biên phòng - Đồn Biên phòng Lai Hòa, BĐBP Sóc Trăng có nhiệm vụ quản lý địa bàn 2 xã Lai Hòa và Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu, với 22 ấp, trong đó, tỷ lệ đồng bào Khmer chiếm hơn 70%, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề ruộng rẫy và khai thác thủy, hải sản. Đóng quân trên địa bàn biên giới biển còn nhiều khó khăn, với trách nhiệm của mình, những người lính quân hàm xanh đã đồng hành cùng chính quyền địa phương triển khai nhiều mô hình, chương trình thiết thực, giúp người dân từng bước vượt qua đói nghèo, lạc hậu, từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội ở địa phương ngày một phát triển.

Cán bộ Đồn Biên phòng Lai Hòa hướng dẫn người dân nuôi cá bảy màu để diệt lăng quăng, phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Văn Long

Tận tụy vì dân

Xuất phát từ tình thương, trách nhiệm đối với những người yếu thế, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, tháng 12/2021, Chi đoàn Đồn Biên phòng Lai Hòa đã tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chỉ huy đơn vị thành lập mô hình “Vé số tình thương”. Đến nay, nhờ sự đồng hành, hỗ trợ của người dân và các tổ chức đoàn địa phương, mô hình đã đi vào hoạt động nền nếp, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.

Chia sẻ với chúng tôi về mô hình này, Đại úy Huỳnh Lý Tưởng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Lai Hòa phấn khởi cho biết: “Qua mối quan hệ của cán bộ, chiến sĩ đơn vị và sự ủng hộ người dân trên địa bàn, trung bình mỗi ngày, mô hình “Vé số tình thương” bán ra 30-40 vé, lợi nhuận 1.000 đồng/vé, tương đương mỗi tháng khoảng hơn 1 triệu đồng, phần lợi nhuận tương ứng chi đoàn sẽ cất vào quỹ, dành tiền để mua gạo, nhu yếu phẩm tặng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Những phần quà tuy nhỏ, nhưng phần nào đã san sẻ, giúp đỡ họ vượt qua được những khó khăn hiện tại để vươn lên phát triển kinh tế gia đình”.

Nhận thấy vào mùa mưa, nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh rất cao, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã nghiên cứu tìm hiểu giải pháp nuôi cá bảy màu để diệt lăng quăng, không cho chúng phát sinh thành muỗi, chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả cao. Được sự hỗ trợ của các cơ sở y tế địa phương, đơn vị đã tìm các cặp cá giống tốt, đem về nhân giống trực tiếp tại đơn vị, sau đó đem phân phát đến từng người dân. Đến nay, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, trên địa bàn đơn vị quản lý đã có hơn 7.000 cá bảy màu đang sinh trưởng và phát triển tốt, nhờ đó, số ca mắc sốt xuất huyết đã giảm xuống đáng kể.

Thiếu tá Thái Minh Phong, Trưởng trạm y tế quân dân y xã Lai Hòa cho biết: “Ngoài vận động nhân dân nuôi cá bảy màu, chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi, nâng cao nhận thức cho người dân về cách thức phòng, chống sốt xuất huyết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức đoàn, hội địa phương tiến hành giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, khai thông đường nước để hạn chế tối đa các ao tù, nước đọng, ngăn không cho lăng quăng sinh sôi và phát triển, hình thành các tác nhân gây các bệnh truyền nhiễm khác.

Đưa con chữ đến gần dân

Trên địa bàn Đồn Biên phòng Lai Hòa quản lý có hơn 70% số dân là đồng bào dân tộc Khmer. Việc phổ cập tiếng Khmer cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn là việc làm cần thiết, giúp cho các em học sinh có thể hiểu sâu hơn, thành thạo tiếng mẹ đẻ của mình. Nhận thức được điều đó, vào dịp hè vừa qua, Đồn Biên phòng Lai Hòa đã phối hợp với Ban quản trị chùa Prey Chóp, xã Lai Hòa tổ chức lớp dạy tiếng Khmer cho các em học sinh cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trên địa bàn.

Đồn Biên phòng Lai Hòa tổ chức giảng dạy tiếng Khmer cho cán bộ, chiến sĩ và các em học sinh trên địa bàn xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu. Ảnh: Văn Long

Thiếu tá Huỳnh Nét, Đội trưởng Đội Vũ trang, Đồn Biên phòng Lai Hòa, người trực tiếp đứng lớp giảng dạy chia sẻ: “Tại lớp học này, ngoài được học tiếng Khmer, các em học sinh còn được cán bộ đơn vị tổ chức bổ trợ thêm các kỹ năng mềm trong văn hóa giao tiếp, ứng xử, bổ sung thêm các kiến thức về kỹ năng phòng, chống đuối nước và xâm hại tình dục”. Thiếu tá Nét cho biết thêm, hiện tại, mỗi tuần, đơn vị đều sắp xếp thời gian dành riêng 2 buổi chiều để dạy tiếng Khmer cho các cán bộ, chiến sĩ đơn vị, qua đó, giúp cho trình độ, khả năng giao tiếp của cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ công tác tại địa bàn nâng lên rõ rệt, những đồng chí không phải người dân tộc đều có thể giao tiếp cơ bản với người dân bằng tiếng Khmer.

Ông Triệu Láth, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Vĩnh Châu khẳng định: “Việc cán bộ Đồn Biên phòng Lai Hòa mở lớp học dạy chữ Khmer vào dịp hè là việc làm có nghĩa rất lớn đối với công tác phổ cập tiếng Khmer tại địa phương, giúp các em học sinh có kỳ nghỉ hè thật sự vui tươi và bổ ích. Hoạt động này còn thể hiện sự quan tâm của BĐBP, chức sắc tôn giáo đối với công tác khuyến học, khuyến tài, góp phần bảo tồn và duy trì ngôn ngữ, chữ viết truyền thống của dân tộc Khmer”.

Ông Hồ Thanh Tra, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu nhấn mạnh: “Những việc làm đầy ý nghĩa, thiết thực của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lai Hòa đã giúp cho nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, vào đầu năm 2022, xã Lai Hòa đã hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 3,3%. Có được kết quả này là nhờ sự hỗ trợ rất lớn của các cán bộ Biên phòng, nhất là các hoạt động giúp dân phát triển kinh tế-xã hội, qua đó, tạo điểm tựa cho người dân yên tâm bám trụ biên giới, xây dựng vùng biên ngày một giàu đẹp”.

Ngọc Lâm

Bình luận

ZALO