Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 12/09/2024 09:59 GMT+7

Gắn bó với biên cương bằng đam mê và trách nhiệm

Biên phòng - Những năm qua, bằng tình yêu với nghề báo cùng trách nhiệm của người lính, những người làm báo quân hàm xanh đã vượt qua khó khăn, vất vả, dám đi vào những vấn đề nóng bỏng và mũi nhọn của cuộc sống, góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, chiến sĩ Biên phòng và đồng bào các dân tộc.

Đại úy Nguyễn Trung Thành, Phòng Chính trị, BĐBP Bình Thuận phỏng vấn ngư dân về khai thác thủy hải sản. Ảnh: Thành Nguyễn

Nhiều tác phẩm báo chí đăng tải trên các ấn phẩm báo Biên phòng, các chương trình truyền hình, các chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng khác do các đơn vị BĐBP phối hợp thực hiện đều có chất lượng tốt, hiệu quả tuyên truyền cao, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả và công chúng.

Đội ngũ người làm báo trong BĐBP đông đảo nhất phải kể đến những cán bộ thuộc Phòng Chính trị tại Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh. Trên mặt trận tư tưởng, họ là những người làm báo “3 trong 1”, vừa viết tin bài báo in, báo điện tử, vừa quay và dựng video truyền hình chất lượng. Sau nhiều lần lỡ hẹn, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Lân, Chủ nhiệm Nhà Văn hóa, BĐBP Đắk Lắk mới có thời gian trao đổi với chúng tôi, bởi yêu cầu nhiệm vụ khiến anh đi địa bàn liên tục. Vất vả là thế, nhưng anh tâm sự, bản thân luôn rất tự hào vì mình vừa là một người lính Biên phòng, vừa là người cầm bút trên mặt trận văn hóa tư tưởng, công việc ấy mang lại cho anh nhiều kỷ niệm đáng nhớ với đồng độI và nhân dân nơi biên giới.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Lân tác nghiệp ở khu vực biên giới tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Lân Nguyễn

Anh chia sẻ: “Kỷ niệm tôi nhớ mãi là chuyến công tác dài ngày tại xã biên giới Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk vào cao điểm mùa khô năm 2016. Hệ thống sông suối cạn trơ đáy, mạch nước ngầm sụt giảm, khiến cây trồng, gia súc chết, đời sống người dân ngày càng khó khăn. Trước mất mát ấy, người lính Biên phòng bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm đã giúp người dân giải bài toán thiếu nước sinh hoạt, từ dùng xe bồn chở nước đến vận động các nguồn để xây dựng giếng nước cho bà con. Chứng kiến hành động đó, chúng tôi đã có bài viết để kịp thời kêu gọi sự ủng hộ của xã hội. Chỉ sau một thời gian ngắn, hàng chục giếng nước được xây dựng, hàng trăm hộ dân được hỗ trợ bồn chứa nước. Tình cảm quân dân nơi đây còn thể hiện qua những việc làm ý nghĩa, nhân văn của các tấm gương bình dị và cao quý như: Thầy thuốc quân y Biên phòng Hoàng Ngọc Linh, thầy giáo Biên phòng Hoàng Văn Thọ... Điều đó càng thôi thúc chúng tôi phải có trách nhiệm với nhân dân, đồng đội bằng việc phản ánh và lan tỏa những việc làm đó qua ngòi bút, qua những tấm ảnh, cuốn phim, có như thế, bản thân mới hoàn thành được nhiệm vụ”.

Còn đối với Thiếu tá Nguyễn Đức Duẩn, Chủ nhiệm Nhà văn hóa, BĐBP Lai Châu thì công việc làm báo đã mang lại cho anh nhiều trải nghiệm thú vị. Đó là lần lên cột mốc 79, được mệnh danh là “nóc nhà biên cương”.

Thiếu tá Nguyễn Đức Duẩn trong một lần tác nghiệp tại biên giới tỉnh Lai Châu. Ảnh: CTV

Anh kể lại: “Chính địa hình hiểm trở, dốc cao, vực sâu đã tạo ra những ghềnh đá và thác dữ hùng vĩ, hoang sơ cùng rừng cây cổ thụ rêu phong đẹp đến nao lòng... khiến cột mốc 79 là điểm hấp dẫn thú vị, thách thức lòng dũng cảm của những người ưa mạo hiểm. Trên hành trình đó, còn gì tuyệt vời hơn được ghé thăm cột mốc 79 thiêng liêng, gặp những người lính Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, BĐBP Lai Châu ngày đêm âm thầm chịu đựng gió sương để canh giữ miền đất mẹ, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền cương thổ của Tổ quốc thân yêu...”.

Đến với nghề báo bắt nguồn từ đam mê, Thượng tá Nguyễn Thành Phú, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn, BĐBP Quảng Trị nhớ lại bài viết đầu tiên bén duyên với nghề từ tháng 10/1992, khi anh là Đội phó Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt (nay là Đồn Biên phòng Triệu Vân). Dù ở tuổi 60, nhưng cây bút Nguyễn Thành Phú luôn theo đuổi đề tài, viết bền bỉ bằng lòng nhiệt thành, say sưa với nghề.

Cây bút Nguyễn Thành Phú trò chuyện với trẻ em ở khu vực biên giới. Ảnh: Phú Nguyễn

Anh chia sẻ: “Tôi viết bởi niềm đam mê và cả danh hiệu “Lều báo cấp Tiểu đội” mà anh em đồng đội vinh danh, để rồi từ thực tiễn công tác, tôi trở thành một cộng tác viên của Báo Biên phòng”. Quãng thời gian gần 2 năm đi tác nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19 là thời điểm khó quên nhất với anh. Anh được biết câu chuyện về Trung úy Lê Quốc Vương, Đồn Biên phòng Ba Tầng, BĐBP Quảng Trị tạm hoãn kế hoạch điều trị hiếm muộn để thực hiện nhiệm vụ. “Có thể câu chuyện không thật sự làm lay động đến cảm xúc của mọi người, song nếu ai đó cũng có nỗi đợi mong hạnh phúc bằng tiếng khóc của con trẻ thì ắt sẽ thấy trái tim đập nhịp như thế nào. Từ kỷ niệm ấy, cùng với một số trường hợp khác nữa, tôi đã viết loạt 3 bài “Quyết liệt phòng chống dịch Covid-19 trên biên giới Việt Nam-Lào” và được đăng trên Phụ trương An ninh Biên giới. Đi, tìm hiểu và viết về những người chiến sĩ Biên phòng, đồng bào các dân tộc nơi biên giới, biển đảo, dẫu có khó khăn, vất vả đến bao nhiêu thì tôi vẫn tiếp tục với tất cả sự đam mê cũng như tình yêu của mình”.

Xông xáo, căng mình làm công tác tuyên truyền trên các tuyến biên giới, cán bộ, phóng viên Báo Biên phòng luôn tự hào, trách nhiệm khi vinh dự là người lính Biên phòng, nhà báo quân hàm xanh. Điều đó đã thôi thúc cán bộ, phóng viên Báo Biên phòng luôn sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn, đồng cam cộng khổ, cảm thông, chia sẻ với mọi gian nan, thử thách, kịp thời có mặt ở nhiều “điểm nóng”, phản ánh chân thực về quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ BĐBP và đời sống nhân dân ở khu vực biên giới.

Nhà báo Nguyễn Viết Lam trong một chuyến công tác tại Trường Sa (tháng 5/2023). Ảnh: CTV

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cán bộ, phóng viên Báo Biên phòng thường xuyên kết nối các chương trình thiện nguyện, vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân có các hoạt động góp phần nâng cao cuộc sống cho cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới. Tiêu biểu như Đại úy Nguyễn Viết Lam, phóng viên Báo Biên phòng hàng tháng hỗ trợ cháu Lương Thị Son, mồ côi cha, người dân tộc Khơ Mú, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An có điều kiện vươn lên học tập. Đến nay, cháu Lương Thị Son đã hoàn thành năm thứ nhất ngành Bác sĩ đa khoa, Đại học Y khoa Vinh dưới sự định hướng, hỗ trợ hoàn toàn kinh phí (3 triệu đồng/tháng) của anh và những người bạn.

“Tôi luôn quan niệm rằng, cùng với đi và viết chân thực, mình phải có trách nhiệm góp sức cùng đồng đội từng bước làm thay đổi nhận thức, cuộc sống của nhân dân biên giới" - anh chia sẻ.

Thùy Trang

Bình luận

ZALO