Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 31/03/2023 01:52 GMT+7

Gắn bảo tồn dân ca với phát triển du lịch miền biên cương

Biên phòng - Trùng Khánh là huyện miền núi, biên cương của tỉnh Cao Bằng. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh quan đẹp. Cùng với đó, huyện cũng chú trọng bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các làn điệu dân ca của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Hội thi hát dân ca Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc huyện Trùng Khánh được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội du lịch thác Bản Giốc năm 2019. Ảnh: Thanh Thuận

Trùng Khánh được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều thắng cảnh như: Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Bản Viết, sông Quây Sơn,... Nơi đây còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng như: Đền Hoàng Lục (Hoàng Sáu) thờ An biên Tướng quân Hoàng Lục có công chống quân Tống xâm lược biên giới ở thế kỷ thứ XI; hang Ngườm Hoài - nơi tập kết vũ khí chuẩn bị cho Chiến dịch Biên giới năm 1950; Kho bạc Nhà nước đầu tiên năm 1950 - 1951; Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Là nơi sinh sống chủ yếu của các dân tộc Tày, Nùng, vùng đất Trùng Khánh còn được biết đến với các làn điệu dân ca đặc trưng như: Hát then - đàn tính, lượn then, lượn Slương, lượn Cọi, lượn Nàng ới, Phong slư, Pựt lằn, Xà xá, Dá Hai, Hà Lều, Sli Giang... Đó là tài sản văn hóa vô giá, ẩn chứa những trầm tích giá trị văn hóa truyền thống trong nhân dân. Với xu thế hội nhập ngày nay, các làn điệu dân ca đã trở thành giá trị tinh thần vô giá không chỉ phục vụ đời sống cộng đồng mà còn điều kiện thuận lợi để huyện Trùng Khánh phát triển du lịch.

Ông Lương Văn La, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trùng Khánh cho biết: “Huyện Trùng Khánh có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có nhiều di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng. Bên cạnh đó, các dân tộc huyện Trùng Khánh còn có kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú, đặc sắc. Đó là 7 làn điệu dân ca đặc sắc gắn với văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, Nùng. Những giá trị văn hóa đó tạo nên đặc trưng riêng của địa phương. Để bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa lâu đời của cha ông để lại, hằng năm, huyện đã xây dựng các kế hoạch chỉ đạo các ban, ngành, đơn vị có những hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương như tổ chức các lớp học hát dân ca, các hội thi hát dân ca...”.

Nhận thức được vai trò của dân ca các dân tộc, từ nhiều năm qua, chính quyền các địa phương trong huyện Trùng Khánh đã tích cực bảo tồn, phát huy dân ca các dân tộc qua nhiều chương trình, kế hoạch bảo tồn; truyền dạy, giáo dục cho thế hệ trẻ các làn điệu dân ca cổ truyền... Năm 2016, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trùng Khánh thành lập Chi hội Bảo tồn dân ca các dân tộc huyện Trùng Khánh và 2 phân chi hội bảo tồn dân ca các dân tộc, với gần 400 thành viên. Hằng năm, huyện Trùng Khánh còn tổ chức các cuộc thi hát dân ca, qua đó, phát hiện những hạt nhân văn nghệ; thành lập các mô hình gìn giữ dân ca; mở các lớp truyền dạy dân ca cho các đối tượng, nhất là các bạn trẻ; gắn bảo tồn với phát triển loại hình du lịch cộng đồng...

Thông qua các chương trình, hội thi, phong trào hát dân ca ở Trùng Khánh ngày càng được gìn giữ, phát triển, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, dân ca các dân tộc góp phần phát triển du lịch tại địa phương. Khách đến tham quan, du lịch để thưởng ngoạn danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, tìm hiểu phong tục, tập quán đồng bào các dân tộc, các loại hình di sản văn hóa tâm linh vật thể, phi vật thể... sẽ có dịp thưởng thức các làn điệu dân ca các dân tộc. Các nghệ nhân, nghệ sĩ cùng với các làn điệu dân ca đã phát huy vai trò chuyển tải giá trị văn hóa dân tộc đến với du khách. Các cuộc thi hát dân ca trong các lễ hội Lồng Tồng đầu Xuân, Lễ hội thác Bản Giốc... đã tạo nên không gian văn hóa đặc trưng, thu hút du khách đến với Trùng Khánh.

Có dịp tham gia một tour du lịch tại xã biên giới Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, chúng tôi hết sức ấn tượng với cách làm du lịch của người dân trong xã. Bên cạnh thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, người dân xã Đàm Thủy còn biết phát huy vốn di sản văn hóa dân tộc vào làm du lịch. Cùng với dịch vụ homestay, người dân còn biểu diễn dân ca các dân tộc vào phục vụ du khách nghỉ tại homestay. Nhiều đoàn khách đến với Đàm Thủy còn được giới thiệu các đội văn nghệ dân ca hát then - đàn tính biểu diễn ngay tại khu du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao. Giữa trùng điệp núi rừng, thác nước, đội văn nghệ với những nghệ sĩ của bản làng trong trang phục truyền thống của dân tộc Tày với tiếng hát then dìu dặt cùng âm thanh sôi nổi, đặc trưng của cây đàn tính đã mang đến cho du khách cảm giác lạ lẫm, thích thú thưởng thức dân ca các dân tộc thiểu số nơi đây.

Hiện nay, huyện Trùng Khánh có nhiều câu lạc bộ dân ca ở các xã. Các câu lạc bộ sinh hoạt khá sôi nổi, có câu lạc bộ sinh hoạt 2 lần/tháng. Tại các câu lạc bộ có thể thấy nhiều gương mặt còn rất trẻ hoặc các bà, các cụ tuổi đã cao nhưng đều có chung niềm đam mê dân ca. Đây là “sân chơi” văn hóa tinh thần bổ ích cho đồng bào các dân tộc Tày, Nùng trong huyện.

Bên cạnh đó, huyện Trùng Khánh còn có nhiều nỗ lực trong công tác phục dựng và bảo tồn giá trị làn điệu dân ca Dá Hai Thông Huề xã Đoài Dương từng có nguy cơ mai một. Trên cơ sở những kết quả đó, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trùng Khánh đã tham mưu cho lãnh đạo huyện chỉ đạo xây dựng đội văn nghệ Dá Hai chuyên phục vụ khách du lịch.

Có thể thấy, du lịch là môi trường dung dưỡng và bảo tồn, phát huy giá trị dân ca các dân tộc. Với những chính sách khuyến khích phát triển du lịch của tỉnh Cao Bằng, số lượng khách đến Trùng Khánh ngày càng tăng cao trong những năm qua. UBND huyện Trùng Khánh đang nỗ lực tạo mối gắn kết hơn nữa giữa du lịch với các hoạt động dân ca, văn hóa truyền thống để giữ chân du khách lâu hơn, tạo thiện cảm với du khách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và bảo tồn vốn văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO