Biên phòng - Ròng rã nhiều ngày nay, những người lính Biên phòng phải đóng chốt trên đường biên, ngủ rừng, dãi nắng, dầm sương thực hiện nhiệm vụ chống dịch Covid-19. Không ít cán bộ Biên phòng phải gác lại những niềm riêng để toàn tâm giữ vững “chiến tuyến” phòng, chống đại dịch Covid-19 khiến hơn 48.000 người trên thế giới tử vong.

Hết dịch mới tính chuyện đám cưới
Tôi trò chuyện với Thượng úy Bùi Đức Sang, Đội phó Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Thạnh An, BĐBP thành phố Hồ Chí Minh qua điện thoại trong bối cảnh cả nước đang thực hiện cách ly toàn xã hội. Nhà ở trong thành phố nhưng 3 tuần rồi, Sang chưa về vì còn bận đối phó với “Em Cô Vy” - “nhân vật” khiến anh phải hoãn đám cưới của mình.
Sang và bạn gái Đỗ Hoài Thương yêu nhau đã lâu. Khi quyết định về chung một nhà, cả hai phải làm công tác chuẩn bị khá vất vả. “Tôi công tác tại xã đảo, mỗi lần về thành phố mất nguyên nửa ngày do chờ đò, chờ xe. Tôi thường phải tranh thủ từng giờ nghỉ để làm từng việc một, từ in thiệp mời, chụp ảnh cưới tới đặt cỗ, chọn mua nhẫn cưới... Chúng tôi dự định nhà gái làm cỗ vào ngày 8-4, tại Gia Lai, sau đó sẽ tổ chức thành hôn ngày 12-4, tại thành phố Hồ Chí Minh...” - Sang kể.
Hoãn cưới là việc không ai muốn, với Sang lại càng không, bởi đã hoãn một lần. “Gia đình tôi đi coi ngày, cả năm nay chỉ được đúng ngày 12-4, công việc cũng đã chuẩn bị xong. Trong đời người, ngày cưới là ngày trọng đại, nhưng vì sự an toàn của mọi người mới là trên hết nên tôi quyết định hoãn việc tổ chức đám cưới. Tôi nghĩ rằng, khi dịch bệnh đang rất phức tạp, mình hy sinh một chút để mọi người an tâm là điều nên làm” – Thượng úy Sang tâm sự.
Chúng tôi được biết, Sang là cán bộ trẻ năng nổ, nhiệt tình và rất gương mẫu. Anh đã kết nối với nhiều tổ chức xã hội thực hiện các hoạt động an sinh như: Đào tạo nghề tóc, trang điểm cho phụ nữ không có việc làm; mở lớp bổ sung kiến thức Anh văn, Tin học cơ bản cho cán bộ xã, học sinh và cán bộ trong đơn vị; vận động các nhà hảo tâm tặng quà và vật dụng thiết yếu cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn... Với những đóng góp tích cực, anh được thăng quân hàm trước niên hạn từ Trung úy lên Thượng úy sau 2 năm công tác.
Khi dịch Covid-19 xảy ra, Thượng úy Sang tham mưu cho chỉ huy đơn vị xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho người dân hiểu về dịch bệnh nguy hiểm này; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển hành khách và chuẩn bị vật chất phục vụ công tác phòng dịch trong đơn vị. Anh đã trực tiếp kêu gọi, vận động các tổ chức xã hội ủng hộ dung dịch sát khẩn, máy đo thân nhiệt và 2.000 chiếc khẩu trang cho đơn vị.
Đặt nhiệm vụ chống dịch lên hàng đầu, Thượng úy Lê Thừa Văn, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lao Bảo, BĐBP Quảng Trị cũng quyết định hoãn ngày cưới của mình khi mà thiệp mời đã gửi đi, cỗ đã đặt. Khi tôi viết bài báo này, anh đang ở biên giới. Ngoài việc vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch, anh thường tới dạy học cho 2 cậu con nuôi của đơn vị đang ở cùng gia đình. Anh cũng không quên mang theo khẩu trang, xà phòng tới tặng cho gia đình 2 cậu con nuôi. “Một bé mới học lớp 1, một bé học lớp 2. Tôi sợ bọn trẻ nghỉ học lâu, quên mất chữ nên thường tới nhà dạy kèm” – Thượng úy Văn chia sẻ.
Theo đúng kế hoạch, Trung úy Nguyễn Lương Kiểm, cán bộ Phòng Chính trị, BĐBP thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức lễ thành hôn vào ngày 27-3. Thế nhưng, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, anh đã chủ động lùi ngày “đón nàng về dinh”. Quyết định được anh đưa ra trước ngày trọng đại ít ngày, bởi lý do đơn giản: “Cả nước đang nỗ lực chống dịch, là người lính, hơn ai hết, tôi thấy mình phải có trách nhiệm với đất nước. Chính phủ đã kêu gọi người dân ở nhà, không tập trung đông người, nếu mình vẫn tổ chức đám cưới, không may có việc gì thì sẽ phá hỏng nỗ lực chống dịch của cả nước”. Trung úy Kiểm vẫn chưa định lại ngày cưới. Mọi người hỏi, anh chỉ cười đáp rằng: “Khi nào hết dịch, tôi mới tính”.
Vắng nhà trong cả 2 lần vợ sinh con
Biên giới Nghệ An những ngày này có mưa, ban đêm sương mù dày đặc, trời lạnh buốt. Trên chốt chặn đường mòn khu vực bản Huồi Mới, xã Tri Lễ, xa nguồn nước, không có điện, Đại úy Già Bá Thà, Đội trưởng Đội Phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Tri Lễ và đồng đội chỉ có thể sử dụng đèn pin, đèn dầu thắp sáng và đốt lửa để sưởi ấm.
Vì nhiệm vụ chống dịch Covid-19, anh xung phong ở lại đơn vị từ sau Tết Nguyên đán, trong khi vợ của anh đang bụng mang dạ chửa, một tay chăm cô con gái 4 tuổi và bố mẹ già đã hơn 70 tuổi. Sóng điện thoại chập chờn, anh Thà thi thoảng mới liên lạc được với vợ để vơi đi nỗi nhớ. Anh tâm sự: “Tôi chỉ biết động viên, an ủi vợ là dù ở nơi nào thì trái tim và tâm hồn của tôi luôn hướng về mẹ con. Tôi biết, không ít lần vợ tôi đã rơi lệ, tủi thân vì chồng đi biền biệt, gần tới ngày sinh mà phải xoay sở một mình. Tôi rất thương và lo lắng cho vợ, nhưng mình là người lính, khi Tổ quốc cần, mình phải có trách nhiệm” - Anh Thà giãi bày.
Ngày 27-3, nỗi lo lắng của Đại úy Già Bá Thà đã được giải tỏa khi nhận tin báo vợ anh đã sinh con trai. “Tôi nhận điện thoại lúc gần nửa đêm, vui sướng và hạnh phúc vô cùng. Tôi mong mau hết dịch để được về nhà gặp con”. Trò chuyện mới biết, khi vợ anh Thà sinh con lần đầu, anh chỉ ở nhà với vợ được 3 ngày.

Cũng vì nhiệm vụ chống dịch Covid-19, Thượng úy Bùi Thế Trọng, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bắc Luân, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái, BĐBP Quảng Ninh chỉ có thể động viên vợ qua điện thoại. Giữa tháng 2, khi vợ anh đã vượt cạn thành công, những lo âu, thấp thỏm trong anh mới tan biến, thay vào đó là niềm hạnh phúc. “Tết Nguyên đán vừa rồi, tôi ở lại đơn vị trực. Tôi định sau Tết sẽ cắt phép về chăm sóc vợ cho đến khi cô ấy sinh con. Không ngờ, dịch bệnh xảy ra, không chỉ tôi mà nhiều cán bộ khác ở lại đơn vị “trực chiến” dồn sức chống dịch Covid-19”.
Tính đến giờ đã 5 tháng, Thượng úy Trọng chưa về nhà, anh mới được nhìn thấy con qua điện thoại. Năm 2017, khi vợ anh sinh con trai đầu lòng, anh cũng đang công tác xa nhà. 3 tháng sau, anh mới được về nhà ôm con vào lòng.
Còn rất nhiều câu chuyện xúc động về những người lính biên phòng trong những ngày căng thẳng chống lại “kẻ thù vô hình” mà chúng tôi chưa kể hết, nhưng chừng đó thôi cũng đủ để cảm nhận được sự hy sinh thầm lặng của những người lính mang quân hàm xanh nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Bích Nguyên