Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 10/06/2023 02:06 GMT+7

Gạc Ma - vang mãi khúc tráng ca bất tử

Biên phòng - Những ngày này, nhiều giọt nước mắt đã không ngừng rơi trong lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh trong trận hải chiến Trường Sa. Người dân không quên các anh - những người con bất tử đã hy sinh tại Gạc Ma, Trường Sa năm xưa. Lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh vì chủ quyền Tổ quốc tại đảo Gạc Ma vào ngày 14-3-1988, đã diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, tại nhiều nơi trên đất nước ngày 14-3-2016.

9f32_24a
Công binh Hải quân tại Đà Nẵng làm lễ dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma ngày 14-3-1988. Ảnh: CTV

Sáng 14-3, tại cầu cảng thuộc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực II (Danang MRCC) diễn ra Lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh trong trận hải chiến Trường Sa - Gạc Ma (14-3-1988). Đến dự có nguyên lãnh đạo Trung đoàn Công binh 83, đơn vị trực tiếp chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa cách đây 28 năm. Cùng dự còn có cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 83 Công binh Hải quân tại Đà Nẵng.

Tại buổi lễ, các chiến sĩ Hải quân đã ôn lại thời gian chiến đấu oanh liệt bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Từng nén hương được dâng lên các liệt sĩ Gạc Ma, nhiều giọt nước mắt đã không ngừng rơi. Thượng tá Hoàng Văn Hoan, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 83 cho biết, sự kiện Gạc Ma là ký ức đau thương, luôn đau đáu trong lòng mỗi cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dânViệt Nam.

"Đã 28 năm trôi qua, ngày 14-3 đến, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 83 luôn nhớ về các đồng chí. Chúng tôi nguyện một lòng luôn hướng về Trường Sa, hướng về nơi các đồng chí đã ngã xuống, mong một ngày gặp lại Trường Sa" - Thượng tá Hoan nghẹn ngào. Trong khói hương trầm mặc, cả nghìn người chắp tay hướng về lễ đài, cầu nguyện tưởng nhớ 64 chiến sĩ đã hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma và các anh hùng liệt sĩ khác.

Sự kiện ngày 14-3-1988 còn được gọi với cái tên "Hải chiến Trường Sa 1988". Đầu tháng 3-1988, Trung Quốc huy động lực lượng của 2 hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa để chiếm các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao của Việt Nam. Trong khi Trung Quốc có tàu chiến và vũ khí hiện đại thì lực lượng Công binh Hải quân nhân dân Việt Nam tại đây chỉ có cuốc, xẻng. Trung úy Trần Văn Phương vẫn giữ chặt lá cờ Tổ quốc khi trên mình đầy máu và vết thương, phía dưới là 73 chiến sĩ kết thành vòng tròn bảo vệ không cho quân địch chiếm đảo. Anh hiên ngang giữ cờ Tổ quốc và hô vang: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu mình tô thắm lá cờ truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng".

64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến không cân sức đó. Thân xác của các anh mãi mãi nằm lại nơi biển sâu. Những đồng đội còn lại cũng bị thương tích giữa bão đạn và sóng biển. Họ sống sót trở về là những nhân chứng sống tố cáo tội ác của kẻ xâm lược... Thời khắc lịch sử này một lần nữa được những người đồng đội nhắc lại, trong ngày tưởng niệm các chiến sĩ Hải quân đã hy sinh trong trận chiến oanh liệt năm xưa khiến hàng triệu người rơi nước mắt.

Trong sâu thẳm trái tim người dân Việt, sự hy sinh của các anh là nỗi đau, nhưng cũng là niềm tự hào để cán bộ, chiến sĩ càng chắc tay súng bảo vệ từng hòn đảo, tấc biển và vùng trời Tổ quốc. Những ai đã từng ra Trường Sa đều có thể cảm nhận được, giữa sóng gió ngàn khơi, tên các anh đã khắc vào lịch sử… Tổ quốc vẫn nhắc tên các anh - những liệt sĩ Gạc Ma.

Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương có mặt tại buổi lễ tưởng niệm, xúc động khi nhắc đến sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, trong đó có cả những người đồng đội của ông. Ông cho rằng, tinh thần luôn hướng về Tổ quốc, sẵn sàng đoàn kết, chiến đấu, hy sinh của quân và dân ta trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là hồng phúc cho đất nước. "Sự có mặt của những nhân chứng lịch sử, thân nhân liệt sĩ, cựu chiến binh trận chiến Gạc Ma ngày hôm nay, là dịp để chúng ta thể hiện lòng biết ơn họ - những người đã cống hiến trọn đời mình cho Tổ quốc" - ông nói, mắt ngấn nước.

i624_24b
Con gái và vợ liệt sĩ Trần Văn Phương xúc động dâng trào khi xem đoạn tư liệu về trận chiến Gạc Ma. Ảnh: CTV

Những thước phim tư liệu tái hiện hình ảnh hung bạo của quân đội Trung Quốc, khi nã pháo tấn công các chiến sĩ Hải quân Việt Nam, được trình chiếu trên hai màn hình lớn. Thời khắc bi thương này đã chạm vào nỗi đau của thân nhân các liệt sĩ và những người lính sống sót trở về. Nhiều gương mặt rắn rỏi bỗng nhạt nhòa nước mắt.

Dù nhiều lần xem đoạn phim này, song Thiếu úy Hải quân Trần Thị Thủy - con liệt sĩ Trần Văn Phương, người quyết giữ lá cờ Tổ quốc đến phút cuối - vẫn nghẹn ngào. "Những lúc này lòng tôi lại sôi sục căm thù kẻ xâm lược. Nhưng tôi cũng rất tự hào về người bố của mình. Đó cũng là lý do tôi quyết tâm đi theo con đường của bố và trở thành người lính Hải quân nhân dân Việt Nam" - chị Thủy cho biết.

Là một trong số những người may mắn sống sót sau vụ thảm sát, chiến sĩ Lê Hữu Thảo rất cảm kích trước tấm lòng của nhân dân luôn tưởng nhớ đến các chiến sĩ Gạc Ma. "Nếu một ngày nào đó, kẻ thù tiếp tục xâm lấn bờ cõi Việt Nam, chúng tôi tiếp tục sẵn sàng cầm súng lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc" - ông nói, trong khi những đồng đội của mình mắt ngấn đỏ.

Sau lễ tưởng niệm, các cựu chiến binh đã cùng nhau thả hoa xuống biển, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma. Thượng tá Hoàng Văn Hoan nói trong tiếng nấc nghẹn như nói hộ trái tim của bao người: "Máu của chiến sĩ Hải quân Việt Nam hòa quyện với nước biển Trường Sa, tô thắm thêm lá cờ Tổ quốc, như một lời nhắc nhớ các thế hệ tiếp nối không được phép quên Trường Sa - máu thịt của Việt Nam chúng ta!".

Lê Hà

Bình luận

ZALO