Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 10/06/2023 12:13 GMT+7

Gà "chín cựa" trên đất Vua Hùng

Biên phòng - Từ một khu dân cư heo hút nằm sâu trong vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Sơn, thuộc tỉnh Phú Thọ, bản Cỏi như một "nàng công chúa" thức dậy sau giấc ngủ dài khi giống gà nhiều cựa tưởng như chỉ có trong truyền thuyết Vua Hùng kén chồng cho công chúa Mị Nương xuất hiện ở đây. Rất nhiều thương lái, khách du lịch sẵn sàng băng qua những cung đường trơn trượt quanh co để đến bản Cỏi với mong muốn được mang thứ đặc sản của người Dao nơi đây về nhà làm quà cho người thân.

45
Giống gà nhiều cựa là tài sản quý của người dân bản Cỏi. Ảnh: Đào Giang

"Chúa gà" nơi rừng núi

Mùa xuân đã gõ cửa nên hình như bản Cỏi cũng trở nên tấp nập hơn ngày thường, bởi ai cũng muốn mang chút đặc sản gà nhiều cựa làm quà cho gia đình, người thân trong dịp Tết Đinh Dậu 2017. Theo chân du khách, chúng tôi đã tìm đến trang trại gà nhiều cựa của ông Đặng Vĩnh Phúc, dân tộc Dao, một trong những người tiên phong nuôi giống gà đặc biệt này. Gọi là trang trại cho oai, chứ thực ra, đây chỉ là một rẻo đất sát mép vực được ông Phúc quây thành hàng rào, dựng thêm vài cái lán để làm nơi trú ngụ cho gà sau một ngày bay nhảy kiếm ăn trong rừng.

Bên chén nước chè nóng hổi, ông Phúc cho biết: Giống gà nhiều cựa này mới xuất hiện chừng 20 năm nay ở bản Cỏi và cũng rất tình cờ. Đó là khoảng 20 năm trước, có con gà rừng lông trắng có đôi chân khá kỳ dị với 9 ngón mọc chen chúc trên khẩu chân ngắn xuất hiện ở bản và đạp mái với đàn gà nhà ông Phúc. Ít lâu sau, đàn gà con nhà ông nở ra, con nào cũng có đôi chân kỳ dị giống như con gà rừng trắng kia, nhưng số ngón chân ít hơn, con nhiều nhất cũng chỉ có 8 cựa, họa hoằn lắm mới có một con 9 cựa. Vì vậy, người dân nơi đây gọi chung là giống gà nhiều cựa.

Khi mới nở, bằng mắt thường có thể nhận thấy rõ ở khuỷu chân mỗi bên chân có 3 cựa, về sau gà trưởng thành, có một số con mọc thêm mỗi bên chân 1 cựa hoặc có chân mọc đến 2 cựa. Mỗi cựa dài, ngắn khác nhau, mọc nối theo hàng. Đặc biệt, cựa trên cùng hoàn toàn chỉ là sừng, cong vút như lưỡi câu liêm hay nanh lợn rừng. Được 4 - 5 tháng tuổi, gà trống nặng chừng 8 - 9 lạng, bắt đầu trổ mã, tập gáy, gà mái nặng chừng 7 - 8 lạng thì đã đòi nhảy ổ. Giống gà nhiều cựa này thân hình mảnh dẻ, bình thường, hay chạy lên đồi nứa, nương rẫy đào giun, bắt dế, thỉnh thoảng mới ăn nắm ngô, nắm gạo của chủ nuôi.

Về hình thức, gà nhiều cựa mắt sáng quắc, mào đỏ tươi như máu, đuôi cong vút tựa cầu vồng và rất mảnh; cặp chân to, chắc và mọc đều 3 cựa mỗi bên. Đây là giống gà lai gà rừng nên nếu nuôi như giống gà thông thường thì chúng sẽ lăn ra chết nên phải nuôi theo kiểu bán tự nhiên, sáng cho nó bay đi kiếm ăn, tối lại bay về như nuôi ong.

Ông Phúc bộc bạch: Hiện nay, do kinh tế thị trường phát triển, nhiều nơi cũng đã sưu tầm nuôi giống gà này, nhưng so về giá trị thương phẩm thì chỉ có gà ở bản Cỏi mới là hảo hạng, thịt gà dai, ngọt, thơm. Đặc biệt, về ý nghĩa tâm linh, có lẽ chỉ giống gà nhiều cựa ở bản Cỏi dâng lên mâm cỗ ngày Tết hoặc trong lễ cúng tổ tiên mới cảm nhận được sự linh thiêng, cũng như hương vị ngọt ngào của nó. Vì vậy, trong các dịp lễ, Tết, ngày mừng thọ, báo hiếu ông, bà, cha, mẹ, làm quà biếu..., giống gà này luôn là vật phẩm đầy trang trọng.

Đến thương hiệu bản Cỏi

Giống gà nhiều cựa mang tên bản Cỏi đã nổi tiếng khắp cả nước, thậm chí còn bay xa mãi tận trời Tây, nhưng để thưởng thức được món ăn nổi tiếng này cũng lắm công phu, bởi giá cả khá đắt đỏ. Theo giá thị trường hiện tại thì gà 6 cựa giá dao động trên dưới 500 nghìn đồng/kg, gà 8 cựa giá cao điểm lên đến 2 triệu đồng/kg, song cũng khó mua, còn gà 9 cựa thì thuộc hàng cực hiếm. Vì tiếng tăm của giống gà này, nhiều người sẵn sàng đổ tiền thành lập các trang trại để nuôi. Song dù đầu tư hàng tỷ đồng để có môi trường sinh trưởng gần giống với khu vực Vườn quốc gia Xuân Sơn, nhưng gà giống cứ hễ rời khỏi nơi đây thì dù có được chăm chút thế nào chúng cũng héo hon mà chết dần. Có lẽ, vì thế mà gà bản Cỏi vẫn luôn là tâm điểm săn lùng của giới sành ăn.

Tuy nhiên, để cho giống gà này trở thành một thương hiệu của huyện Tân Xuân, của tỉnh Phú Thọ và thực sự đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con thì còn cả một câu chuyện dài, bởi tuy giá gà nhiều cựa cao nhưng nuôi trong 2 năm, con lớn nhất cũng chỉ khoảng 1,5kg nên lợi nhuận thu về của người dân nếu chia cho 24 tháng thì quá thấp. Do vậy, dù biết giống gà nhiều cựa quý hiếm, nhiều người lùng mua, song người dân xã Xuân Sơn nói chung và người dân bản Cỏi nói riêng mới chỉ dừng lại ở việc nuôi để phục vụ gia đình những dịp lễ trọng như: Cấp sắc, cúng bản, cưới xin..., nếu thừa thì mới bán ra ngoài. Chỉ rất ít người như anh Hà Văn Di mới dám đầu tư nuôi đàn gà nhiều cựa lớn nhất bản với hơn 200 con. Nhưng đến thời điểm áp Tết Đinh Dậu, số gà của anh đã được đặt mua hết từ cách đây 3 tháng. Hồ hởi vì gà năm nay bán được giá, anh Di cho biết: "Năm nay, gà được giá hơn 400 nghìn đồng/kg nhưng không đủ để bán. Do vậy, tôi chỉ bán cho khách quen là chủ yếu, chứ người mới đành phải khất họ sang năm".

"Hiện giống gà nhiều cựa này đã được Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Sơn nuôi bảo tồn nguồn gen quý, nhưng việc nhân rộng số lượng gà trong các gia đình là rất khó vì là giống gà lai gà rừng nên phải nuôi theo môi trường bán tự nhiên, còn nếu nuôi nhốt là gà sẽ tự chết dần, chết mòn”.

Bà Hà Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn cho biết.

Theo bà Hà Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn: Gọi là gà 9 cựa, nhưng thực chất chỉ 5-6 cựa, một số con 8 cựa, nếu con nào 9 cựa thì được coi như gà vàng, bởi giá của nó lên đến hàng trăm triệu đồng một con. Trước đây, do chưa biết giá trị của giống gà này nên người dân Xuân Sơn chỉ chăn nuôi tự nhiên, song kể từ khi được nhiều người biết đến, giá cả tăng vù vù, thương lái lùng sục suốt ngày, Huyện ủy, UBND huyện Tân Sơn đã chỉ đạo các ban, ngành trong huyện đầu tư hỗ trợ các gia đình tập trung phát triển chăn nuôi để giống gà này được nhân rộng ở 4 bản thuộc xã Xuân Sơn. Hiện nay, trên toàn xã hầu như hộ dân nào cũng nuôi gà nhiều cựa, trong đó, có một số gia đình nuôi vài chục con, tính ra, cả xã hiện có khoảng 2.000 con gà. Tuy nhiên, lượng gà trống quý có từ 6-8 cựa luôn "cháy hàng".

Có thể khẳng định, trước nguy cơ mai một giống gà trong truyền thuyết, việc gà nhiều cựa Phú Thọ được các cấp chính quyền ở đây xác định là một nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần được bảo tồn là một chủ trương đúng, vừa để lưu giữ văn hóa dân tộc, vừa góp phần nâng cao chất lượng, thương hiệu, tạo điều kiện cho gà nhiều cựa Phú Thọ có cơ hội phát triển mạnh trở thành hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, nếu chỉ bảo tồn mà không có sự quan tâm đầu tư đúng để phát triển giống gà này trong các gia đình trước nguồn cầu lớn thì sự mai một của giống gà này sẽ khó tránh khỏi.

Đào Giang

Bình luận

ZALO