Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:13 GMT+7

G7 chung sức trước hàng loạt thách thức toàn cầu

Biên phòng - Cuối tuần trước, Hội nghị Ngoại trưởng các nước thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) là một trong những sự kiện tiêu điểm quan trọng của thế giới với hàng loạt nội dung giải quyết những thách thức hiện hữu, đe dọa đến vận mệnh của toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G7 tại điểm cầu thành phố Liverpool của Anh vào cuối tuần trước. Ảnh: REUTERS

Ngoài các nước G7 (gồm Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada), Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ cũng tham gia các phiên họp mở rộng của hội nghị. Đây cũng là lần đầu tiên ngoại trưởng các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tham gia 1 phiên họp tại hội nghị của G7. Đáng chú ý, các nhà ngoại giao cùng tìm kiếm các lợi ích và giá trị chung cũng như sự hợp tác về kinh tế và an ninh. Trong đó, G7 hoan nghênh Hiệp ước Khí hậu Glasgow được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), ghi nhận mức độ nghiêm trọng về mối đe dọa an ninh do bất ổn khí hậu và suy thoái hệ sinh thái gây ra cho tất cả các quốc gia. G7 khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ để đẩy nhanh và tăng cường hành động giữ mục tiêu nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 1,5 độ C trước thêm COP27 vào năm tới.

Về dịch bệnh, G7 tái khẳng định sự tán thành chiến lược tiêm chủng toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng như các cam kết thúc đẩy nỗ lực tiêm chủng toàn cầu, đẩy lùi dịch bệnh trong năm 2022 để kết thúc giai đoạn cấp tính của đại dịch, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Mặt khác, G7 cam kết tăng cường hợp tác giữ chuỗi cung ứng mở; mở rộng sản xuất, cung cấp vaccine; hợp tác củng cố năng lực y tế, phương pháp điều trị và chẩn đoán Covid-19;...

Đối với tình hình an ninh quốc tế, G7 quan ngại về hàng loạt thách thức tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, phản đối các hành động đơn phương đe dọa trật tự, an ninh khu vực, nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, thượng tôn luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Ở Trung Đông và châu Phi, G7 ưu tiên nỗ lực tạo điều kiện giải quyết khủng hoảng nhân đạo, ổn định chính trị tại Afghanistan; kêu gọi chấm dứt xung đột ở Ethiopia; thúc đẩy ổn định chính trị Libya, Sudan, Somalia... và tăng cường giải quyết các thách thức an ninh tại các quốc gia này.

G7 cũng đưa ra lập trường thống nhất phản đối các hành động đe dọa an ninh quốc tế tại châu Âu, điển hình như các dấu hiệu đe dọa chủ quyền quốc gia, hậu thuẫn di cư bất hợp pháp, gây chia rẽ các quốc gia,... Đồng thời, kêu gọi tăng cường đối thoại, tiếp xúc để giải quyết các bất đồng với các chương trình nghị sự mang tính xây dựng, thúc đẩy các nỗ lực bình thường hóa quan hệ.

Trong vấn đề hạt nhân, G7 hoan nghênh việc nối lại các cuộc đàm phán về khôi phục Thỏa thuận Hạt nhân Iran năm 2015 (JCPOA), nhấn mạnh việc Iran phải ngừng “leo thang” hạt nhân, nắm bắt cơ hội để đạt thỏa thuận. Cùng với đó, G7 kêu gọi Triều Tiên kiềm chế các hành động khiêu khích và tham gia tiến trình ngoại giao với mục tiêu từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

Bình luận về kết quả của Hội nghị Ngoại trưởng G7, giới chuyên gia quốc tế cho rằng, điểm nhấn đáng chú ý nhất là G7 đang cho thấy nỗ lực tạo dựng sự thống nhất, đoàn kết. Đặc biệt là tiếp tục củng cố những nền tảng trong nỗ lực chung của toàn cầu trước các thách thức nổi lên trên nhiều phương diện. Các cam kết của G7 mở ra nhiều triển vọng giúp thế giới có thêm những nguồn lực giải quyết các thách thức, đặc biệt là đẩy lùi dịch bệnh, tăng cường hợp tác, đầu tư khôi phục kinh tế, thương mại.

Về an ninh, G7 đưa ra nhiều tín hiệu lạc quan trong việc thúc đẩy môi trường quốc tế lành mạnh. Song, giới chuyên gia chính trị quốc tế cho rằng, dù hội nghị G7 vừa qua cho thấy sự thống nhất của nhiều quốc gia nhưng sự đoàn kết này vẫn còn đó chiều hướng tiêu cực khi vẫn hiện hữu những lời cảnh báo đối với một số quốc gia khác. Điều này làm giảm phần nào triển vọng tích cực, bởi sự “lên gân”, “dằn mặt” sẽ kìm hãm thiện chí đối thoại để cùng tháo gỡ những mối đe dọa trật tự, an ninh quốc tế.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO