Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:40 GMT+7

G20 nỗ lực cải thiện khả năng phân phối vaccine Covid-19

Biên phòng - Đầu tuần này, các Bộ trưởng Y tế Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã cùng thảo luận việc phối hợp các chiến lược để chấm dứt đại dịch Covid-19 một cách nhanh chóng. Đáng chú ý, Bộ trưởng Y tế các nước đã đạt được tiến bộ mới liên quan tới việc phân phối vaccine toàn cầu. Trong đó, việc tăng cường phân phối vaccine cho các nước nghèo đang chịu tác động nghiêm trọng của Covid-19 được xem là một trong những giải pháp căn cơ.

Hội nghị Bộ trưởng Y tế G20 diễn ra tại Thủ đô Rome, Italia. Ảnh: EPA

Hội nghị Bộ trưởng Y tế G20 đã diễn ra tại Thủ đô Rome, Italia – nước chủ tịch luân phiên hiện tại của G20. 3 phiên họp của Hội nghị Bộ trưởng Y tế G20 đã thảo luận về tác động của sự bùng phát Covid-19 đối với các mục tiêu phát triển bền vững năm 2030, cùng với việc ngăn chặn các đại dịch trong tương lai và các cách chống lại các biến thể virus mới.

Các nhà lãnh đạo đã tập trung vào việc xây dựng sự hợp tác mạnh mẽ nhằm chấm dứt đại dịch Covid-19 và hỗ trợ phục hồi sau dịch bệnh trên toàn thế giới. Đồng thời, các nước G20 tiếp tục đóng góp để ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó toàn cầu tốt hơn trước các mối đe dọa sức khỏe và các trường hợp khẩn cấp.

Trong tuyên bố với cam kết từ tất cả các thành viên G20, các quốc gia nhất trí làm việc cùng nhau để tăng cường khả năng tiếp cận kịp thời trên toàn thế giới đối với vaccine Covid-19, dựa trên nguyên tắc về an toàn, giá cả phải chăng và hiệu quả cao. Các Bộ trưởng Y tế G20 thống nhất cam kết hành động toàn cầu để cải thiện an ninh y tế trong tương lai, tăng cường niềm tin về vaccine và giải quyết tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

Để bảo vệ một trong những trụ cột của y học là thuốc kháng vi sinh vật chống lại sự lây nhiễm, G20 cam kết xây dựng năng lực giám sát việc sử dụng và kháng thuốc kháng sinh. Trong đó, trọng tâm chính của hành động trong tương lai là hỗ trợ phát triển các loại thuốc kháng sinh mới an toàn và hiệu quả, đặc biệt là các loại kháng sinh, cũng như khuyến khích sản xuất các loại thuốc kháng sinh chung giá rẻ, hợp túi tiền để bảo vệ khả năng chống lại nhiễm trùng cho các thế hệ tương lai.

Cùng với đó, để thúc đẩy niềm tin về vaccine, các Bộ trưởng Y tế G20 đã nhất trí đẩy mạnh thực hiện truyền thông đại chúng với hiệu quả cao nhất, phù hợp với văn hóa và dựa trên khoa học. Điều này sẽ giúp cập nhật thông tin đáng tin cậy cho các cộng đồng của từng quốc gia, chống lại thông tin sai lệch và cải thiện tỷ lệ tiêm vaccine.

Theo Bộ trưởng Y tế Italia Roberto Speranza, hội nghị này được kỳ vọng sẽ cải thiện năng lực phân phối vaccine ngừa Covid-19 để tiêm chủng cho toàn bộ người dân trên thế giới. Cũng theo Bộ trưởng Y tế Italia, sẽ rất khó để chấm dứt đại dịch Covid-19 trước năm 2023, vì vậy, thời điểm chấm dứt dịch bệnh sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng người dân toàn cầu được tiếp cận và tiêm chủng vaccine.

Truyền thông quốc tế đánh giá, Hội nghị Bộ trưởng Y tế G20 này đưa ra thông điệp mạnh mẽ về hợp tác, đoàn kết và công bằng, cũng như niềm tin vững chắc về việc không bỏ lại ai ở phía sau. Các quốc gia giàu có và sở hữu tiềm lực nhất trên thế giới có tầm ảnh hưởng rất lớn tới việc sản xuất và phân phối vaccine. Lâu nay, việc phân phối vaccine thiếu công bằng vốn là vấn đề nhức nhối, làm “đau đầu” các tổ chức quốc tế. Vì vậy, việc các nền kinh tế lớn cùng cam kết xây dựng một chiến dịch tiêm chủng mở rộng cho tất cả các nước trên thế giới sẽ là một “ánh sáng nơi cuối đường hầm”.

Phân tích của giới chuyên gia quốc tế chỉ ra rằng, xuyên suốt hơn 1 năm đại dịch Covid-19 hoành hành vừa qua, thực tế đã cho thấy, dù dịch bệnh được kiểm soát nhưng vẫn diễn biến phức tạp ở một số nơi thì vẫn có thể nhanh chóng bùng phát trở lại trên toàn cầu.

Vì vậy, chỉ khi toàn cầu đoàn kết, hành động cùng nhau, nhất là trong nỗ lực chung về đảm bảo phân phối vaccine chống Covid-19 một cách công bằng thì nguy cơ mới có thể kiểm soát một cách thực chất. Điều này cũng thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia giàu có và các nước nghèo về tiếp cận vaccine Covid-19.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO