Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:16 GMT+7

G20 đoàn kết, dồn lực tìm “thuốc giải” đại dịch Covid-19

Biên phòng - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, mới đây, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về ứng phó với dịch Covid-19. Đây là hội nghị đặc biệt có quy mô toàn thế giới lần đầu tiên được tổ chức dưới hình thức trực tuyến cho thấy nỗ lực tăng cường đoàn kết giữa các quốc gia để chống lại “kẻ thù chung”.

j04e_26a
Một số điểm cầu tại hội nghị G20. Ảnh: VGP

“Mặt trận thống nhất” chống Covid-19

Tham dự hội nghị, ngoài các nước thành viên còn có lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn và một số quốc gia khác có vai trò quan trọng trong “cuộc chiến” này như Liên hợp quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tây Ban Nha, Jordan, Thụy Sĩ... Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến rất phức tạp, tạo ra sự “tổn thương” nặng nề cho thế giới cả về nhân mạng lẫn kinh tế - xã hội. 

Tính đến ngày 3-4, toàn cầu đã vượt mốc hơn 1 triệu ca nhiễm, cướp đi sinh mạng hơn 53 nghìn người và thế giới đang phải đối diện với nguy cơ khủng hoảng kinh tế.

Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất từ hội nghị này là việc thống nhất tạo dựng cơ chế hợp tác quy mô lớn để chống lại đại dịch Covid-19. Đây cũng là ưu tiên tuyệt đối của G20 hiện nay nhằm hỗ trợ các quốc gia chịu tác động nặng nề của đại dịch, cũng như tăng cường năng lực kiểm soát sự lây lan, từng bước vượt qua đại dịch và khôi phục trở lại sau “cơn địa chấn” Covid-19. Trong đó, hội nghị đã thống nhất thành lập quỹ hỗ trợ kinh tế toàn cầu lên tới 5 nghìn tỷ USD cùng hàng loạt các biện pháp giảm thiểu tối đa áp lực kinh tế - xã hội thông qua các chính sách tiền tệ, tài khóa... nhằm giữ vững sự ổn định tài chính, thương mại, sự vận hành của chuỗi cung ứng toàn cầu...

Tại điểm cầu Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi, trong bối cảnh kinh tế thiệt hại nặng nề do đại dịch, G20 cần cắt giảm thuế, dẹp bỏ rào cản thương mại cũng như tăng cường hợp tác về chính sách kinh tế vĩ mô để ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới. Về phía mình, Trung Quốc sẽ chủ động đẩy mạnh mở cửa, cải thiện môi trường kinh doanh... Cũng theo ông Tập Cận Bình, hiện nay, thế giới cần chú trọng xây dựng mạng lưới toàn cầu về kiểm soát và điều trị dịch bệnh.

Tại điểm cầu Nga, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng, điều cần làm hiện nay là thiết lập “hành lang xanh” về cung cấp thuốc, lương thực, thiết bị, công nghệ nhằm tạo ra cơ chế hợp tác hiệu quả. Để làm được điều này thì cần tạm dừng chiến tranh thương mại, nhất là các biện pháp trừng phạt kinh tế liên quan tới mặt hàng thiết yếu. 

Tán đồng với các biện pháp được đưa ra tại hội nghị, đại diện Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ sự sẵn sàng hỗ trợ tài chính trong việc tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, phát triển và sản xuất vaccine chống Covid-19. Đánh giá về hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, đây là minh chứng rõ nét cho nỗ lực xây dựng sự đoàn kết quốc tế.

Là đại diện cho 10 quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020, tại điểm cầu Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ nhiều biện pháp từ thực tiễn kiểm soát dịch bệnh tốt của Việt Nam. Trong đó, việc tăng cường hợp tác, đoàn kết và phối hợp quốc tế là một nguồn lực quan trọng hàng đầu. Các nước ASEAN đã đề cao tinh thần cộng đồng "gắn kết và chủ động thích ứng", thực hiện mạnh mẽ các biện pháp, phối hợp hành động chung, tạo nên hiệu quả rất tốt trong việc chống đại dịch Covid-19. 

Trên thực tế, Việt Nam được quốc tế đánh giá là quốc gia luôn chủ động, tích cực và có nhiều đóng góp hữu hiệu trong hợp tác toàn cầu ứng phó với thách thức chung. Mặt khác, sự chung tay, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đã giúp cho Việt Nam duy trì được hiệu quả cao trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Kỳ vọng tạo “cú hích” mới

Hàng loạt giải pháp được đưa ra tại hội nghị đã ghi nhận sự thống nhất cao của các nước G20, các nước liên quan và các tổ chức quốc tế, trong đó có sự cam kết thực hiện tốt mọi biện pháp. Tuyên bố chung của G20 đã xác định 4 nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu.

Thứ nhất là cam kết trao đổi dữ liệu dịch tễ học, tài liệu nghiên cứu và phát triển, sản xuất vật tư, hàng hóa y tế. Thứ hai là cam kết hợp tác thúc đẩy ứng dụng khoa học, nghiên cứu, phát triển thuốc điều trị và vaccine. Thứ ba là kế hoạch hành động bảo vệ nền kinh tế thế giới trước tác động của Covid-19. Thứ tư là cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển, nhất là các nước châu Phi nguồn lực để ứng phó với cuộc khủng hoảng do dịch bệnh.

ct7r_26b
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ hai từ trái sang) thực hiện chuyến thăm cơ sở nghiên cứu vaccine phòng virus Corona tại Học viện Khoa học Quân y ở Bắc Kinh. Ảnh: Tân Hoa Xã

Toàn cảnh truyền thông thế giới đưa tin về Hội nghị G20 cũng cho thấy, nhằm đảm bảo sự an toàn theo khuyến cáo của WHO, thay vì tổ chức họp như thông lệ, lần đầu tiên trong lịch sử, G20 phải tổ chức theo hình thức trực tuyến, điều này đã khẳng định được thiện chí hợp tác của các nước và các tổ chức thế giới. Hơn hết, đây cũng là hành động thiết thực thể hiện trách nhiệm và vai trò của những nước lớn trong nỗ lực hỗ trợ thế giới và các nước nhỏ hơn. Theo giới chuyên gia chính trị quốc tế, Hội nghị trực tuyến về ứng phó với Covid-19 của G20 đã cho thấy hiệu quả rất tích cực, đúng với mục tiêu mà Saudi Arabia – Chủ tịch G20 2020 đề ra là tăng cường sự hợp tác toàn cầu để đẩy lùi đại dịch.

G20 từng tạo ra “cú hích” rất lớn thúc đẩy thế giới vượt qua khủng hoảng tài chính 2008 – 2009. Kết quả từ hội nghị này cũng cho thấy, nhóm các quốc gia chiếm tới 2/3 dân số thế giới và 85% sản lượng kinh tế toàn cầu đang tạo ra tín hiệu rất khả quan và được kỳ vọng một lần nữa tạo ra “đòn bẩy” giúp thế giới vượt qua dịch bệnh, khôi phục những tổn thất sau đại dịch. Với sự vào cuộc toàn diện, nhất là dồn mọi nguồn lực khoa học, kỹ thuật của G20 nói riêng và thế giới nói chung, “thuốc giải” cho sự khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây nên sẽ sớm được tìm ra. Đồng thời khẳng định rằng, sự đoàn kết quốc tế chính là bước tiền đề để tạo ra nguồn sức mạnh lớn nhất của nhân loại.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO