Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:15 GMT+7

European Super League (ESL): “Quả bom tấn”…  xịt từ trong trứng nước

Biên phòng - Bóng đá thế giới đã trải qua những ngày đáng nhớ với câu chuyện xoay quanh European Super League. Lần đầu tiên trong lịch sử môn “thể thao vua”, tương lai cùng sự phát triển của nó nhận được sự quan tâm lớn lao từ giới cổ động viên (CĐV) cho đến những chính trị gia.

ESL sụp đổ bởi nhận phản ứng dữ dội từ nhiều phía. Ảnh: Daily Mail

ESL - giải đấu kim tiền

ESL là giải đấu quy tụ những đội bóng hàng đầu châu Âu, thi đấu theo thể thức 20 đội chia làm 2 bảng, đá vòng tròn hàng tuần để chọn ra 8 đội vào vòng knock-out (3 đội dẫn đầu mỗi bảng, các đội xếp thứ 4 và thứ 5 đá play-off chọn 2 suất còn lại). Từ vòng knock-out, các đội sẽ đá hình thức sân nhà sân khách cho đến trận chung kết.

Giải đấu đã được ấp ủ lên ý tưởng từ rất lâu. Những đội bóng “nhà giàu” trên thực tế luôn luôn cảm thấy khó chịu khi phải chia lợi nhuận cho các đội bóng nhỏ hơn. Họ muốn tự lập ra một giải đấu độc lập với các tổ chức quản lý bóng đá như Liên đoàn bóng đá châu Âu UEFA hay Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA để nhận về đầy đủ những giá trị kinh tế mà chính thương hiệu của họ tạo ra. Giống như trong quy luật thị trường, những đại gia luôn muốn bắt tay với nhau để tối ưu hóa doanh thu. Dưới góc nhìn khách quan, điều này không có gì là “sai trái”.

Bản thân các đội bóng lớn đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất sau nhiều thập kỷ bởi ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Khán giả không thể đến sân, các giải đấu bị đình trệ cùng nhiều hệ lụy liên quan khiến cho nhiều đội sụt giảm doanh thu một cách nghiêm trọng, thường xuyên báo lỗ và rơi vào cảnh nợ nần.

Trong bối cảnh đó, ESL ra đời với giá trị ước tính lên đến 6 tỷ USD. Theo những con số được đưa ra, một đội bóng tham dự ESL có thể nhận được khoản tiền nhiều gấp 4 lần tại UEFA Champions League. Điều quan trọng nhất, các đội sẽ được chia doanh thu xứng đáng với giá trị thương hiệu của họ mà không phải chia sẻ cho các tổ chức quản lý hay các đội bóng nhỏ khác. Với những lợi ích rõ ràng, việc 12 câu lạc bộ (CLB) lớn của Anh, Italia và Tây Ban Nha lúc đầu đồng ý tham dự ESL là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Sự sụp đổ nhanh chóng

Là đối thủ trực tiếp, có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của Champions League, ESL là hiểm họa thực sự với UEFA. Chủ tịch Aleksander Ceferin của UEFA lập tức lên tiếng phản đối ESL và “phát động” một cuộc tổng tấn công trên quy mô lớn.

UEFA nhận được sự ủng hộ từ các liên đoàn thành viên, những người hiểu rõ rằng ESL ra đời sẽ khiến tất cả các giải đấu khác giảm giá trị nghiêm trọng.

Giới huấn luyện viên, cầu thủ và các CĐV cũng đứng về phía UEFA phản đối ESL, bảo vệ những giá trị truyền thống vững bền của bóng đá. Ngay trong nội bộ đội bóng dự ESL, các cầu thủ phản ứng lại quyết định của lãnh đạo đội, tiêu biểu như ngôi sao Bruno Fernandes của Manchester United. Các CĐV lũ lượt kéo đến sân vận động biểu tình, chăng nhiều băng rôn biểu ngữ tố cáo giới chủ tham tiền, phá vỡ truyền thống của CLB. Họ thậm chí thể hiện sự phẫn nộ bằng cách đốt áo đấu của đội bóng mình yêu mến

Ed Woodward - Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Manchester United là người đầu tiên thông báo từ chức sau sự sụp đổ của ESL. Ông sẽ tại vị đến hết năm 2021 trước khi rời nhiệm sở. Trong phát biểu chính thức, Ed Woodward cho biết: “Tôi vô cùng tự hào khi được cống hiến cho MU. CLB đang có tương lai xán lạn và tôi rất buồn khi phải rời đi vào cuối năm”. Theo báo giới Anh, các lãnh đạo khác của những đội bóng Anh từng đồng ý dự ESL cũng đang bị kêu gọi từ nhiệm.

Quan trọng nhất, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng vào cuộc, tuyên bố bằng mọi cách không để ESL ra đời. Đây là đòn giáng mạnh vào những người đứng đầu ESL, bởi dù có giàu có đến đâu, các đội bóng vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ. Nếu như những án phạt được đưa ra, 6 đội bóng lớn nhất của nước Anh đồng ý dự ESL sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng. Các ngôi sao có thể bị tước giấy phép lao động, khiến họ không thể ra sân thi đấu.

Sự phản ứng mạnh mẽ đó đã khiến những đội bóng của ESL hoang mang. Chưa đầy 48 giờ sau khi các đội bóng tạo ra “bom tấn” ESL, Man City là đội bóng đầu tiên thông báo bỏ giải.

Lần lượt các đội bóng sau đó rời đi theo Man City và ESL tan vỡ từ trong trứng nước. Nhưng những điều rút ra từ sự việc này có thể tạo nên những thay đổi lớn.

UEFA sẽ phải tính đến những cải cách lớn trong tương lai, để các đội bóng lớn không còn cảm thấy bất công khi tham gia hệ thống các giải đấu của họ. “Miếng bánh” lợi nhuận phải được chia công bằng nhất, đó mới là cách duy trì sự bền vững chứ không phải những lời kêu gọi trách nhiệm!

Hoàng Hải

Bình luận

ZALO