Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 21/03/2023 09:39 GMT+7

EU với xu hướng gạt bỏ chuẩn mực để thích ứng

Biên phòng - Dư âm của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) là tâm điểm chính trị quốc tế trong những ngày qua. Để ứng phó với những vấn đề gai góc trong bối cảnh thế giới đầy biến động, hội nghị đã đưa ra những động thái được đánh giá là mang tính bước ngoặt, không chỉ của tổ chức này mà còn của thế giới.

Lãnh đạo EU và các nước khu vực Tây Balkan tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, Bỉ trong tuần trước. Ảnh: Reuters

Giới chuyên gia chính trị quốc tế cho rằng, một trong những nội dung được thảo luận gai góc nhất là sự mở rộng của EU khi có nhiều quốc gia đang muốn được kết nạp vào khối này. Lâu nay, sự kiện Anh rời EU (Brexit) được xem như một “đòn giáng” mạnh vào uy tín của khối với nhiều luận điểm cho rằng, một cường quốc với tiềm lực mạnh không còn muốn sống trong “mái nhà chung”, san sẻ nguồn lực với các quốc gia phát triển kém hơn. Nhiều dự báo cũng cho rằng, sau Anh sẽ có thêm nhiều cường quốc khác “nối gót”.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020 đến nay, thế giới và châu Âu đã đối mặt với những cuộc khủng hoảng trầm trọng. Trong bối cảnh đó, hiệu lực, hiệu quả và sự thực chất của EU cũng trở thành một chủ đề gây nhiều tranh luận trái chiều. Song, trong 2 năm qua, ở góc độ tích cực, liên minh 27 quốc gia đã khôi phục đáng kể đoàn kết nội khối để tăng cường “nội lực” và cũng có thêm nhiều nước muốn trở thành một phần của EU. Trong bối cảnh nhiều cuộc khủng hoảng đan xen ở thời điểm hiện tại, nhất là vấn đề bất ổn an ninh châu Âu, việc mở rộng của EU đã là áp lực ngày càng gia tăng đối với các nhà lãnh đạo, bởi, việc có thêm bất kỳ thành viên nào cũng sẽ làm thay đổi bối cảnh địa chính trị phương Tây.

Tóm lược các phân tích về nội dung nghị sự của hội nghị thượng đỉnh EU vừa qua, giới chuyên gia nhìn nhận, khối dường như đang có khuynh hướng gạt bỏ những chuẩn mực thông thường để đối phó với những biến động thời đại của thế kỷ 21. Bởi, với khoảng 130.000 trang điều luật của tất cả các hiệp ước, luật lệ của EU, việc có thêm bất kỳ quốc gia nào gia nhập khối này là một việc làm vô cùng khó khăn, thậm chí sẽ bất khả thi nếu khối không sẵn sàng đưa ra những hành động chưa từng có tiền lệ, thậm chí tạo những ngoại lệ nhằm đạt được những bước tiến lịch sử.

Việc tạo ra bước ngoặt lịch sử như kỳ vọng của hội nghị thượng đỉnh vừa qua vẫn còn vướng nhiều cơ sở bất lợi. Nhiều học giả kinh tế cho rằng, vấn đề nổi cộm của EU lâu nay là tập hợp 27 nền kinh tế có trình độ phát triển và quy mô hoàn toàn khác biệt, thay vì là một khối thống nhất về mặt kinh tế. Dù có mức độ hội nhập rất cao, song, thực tế cho thấy, sự phân cực rõ ràng giữa nhóm các thành viên tốp đầu kinh tế thế giới như Đức, Pháp, Italia... và nhóm các nền kinh tế có quy mô nhỏ như các nước ở Đông Âu, khu vực Baltic. Điều này dẫn tới việc các thành viên EU có cách thức chống chọi với các cuộc khủng hoảng rất khác nhau.

Ví dụ điển hình về “nội lực” không đồng đều của EU có thể dễ dàng nhận thấy ở mức độ lạm phát khi phải trải qua liên tiếp các cuộc khủng hoảng. Cụ thể, lạm phát tại Pháp, Malta hiện ở mức 5-6%; ở Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan ở mức 9-10%; ở các nước Baltic lên tới mức 18-20%... Điều này chắc chắn sẽ khiến EU gặp khó khăn rất lớn khi đưa ra những quyết sách, hành động mang tính bao trùm trước hàng loạt cuộc khủng hoảng. Thay vào đó, các nước thành viên EU sẽ triển khai những quyết sách kinh tế hoàn toàn khác nhau, gây ra những lo ngại liên quan đến sự đổ vỡ về mặt kinh tế, kéo theo sự rạn nứt sâu sắc hơn trong nội bộ EU khi khoảng cách phát triển giữa các thành viên ngày càng không đồng đều.

Ở góc độ khác, nhiều học giả chính trị châu Âu cho rằng, kết quả của hội nghị thượng đỉnh vừa qua mới chỉ là những động thái bước đầu, chủ yếu mang nặng tính biểu tượng chính trị về sự đổi mới và ý chí muốn tạo ra bước tiến lịch sử của tổ chức. Để tạo ra những bước ngoặt thực sự, vẫn cần chờ đợi việc thúc đẩy hành động thực chất từ ý chí chung mạnh mẽ của 27 quốc gia này trong thời gian tới.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO