Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:37 GMT+7

EU với những triển vọng và thách thức

Biên phòng - Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh tại Thủ đô Brussels, Bỉ để thảo luận và đưa ra tiếng nói chung trước các vấn đề “nóng bỏng” của châu lục. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, đây là Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong năm nay được tổ chức theo hình thức trực tiếp với sự tham dự của lãnh đạo 27 quốc gia thành viên, kể từ tháng 12-2020.

Quang cảnh Hội nghị thượng đỉnh EU tại Thủ đô Brussels, Bỉ. Ảnh: REUTERS

Hội nghị dự kiến ban đầu sẽ tập trung vào việc thảo luận chiến lược về mối quan hệ với Nga, quan hệ EU - Anh sau Brexit, chống biến đổi khí hậu, các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19, căng thẳng tại Trung Đông... Tuy nhiên, do sự cố máy bay của hãng hàng không châu Âu Ryanair bị ép hạ cánh xuống sân bay Thủ đô Minsk của Belarus được bổ sung vào chương trình nghị sự, trở thành chủ đề “nóng” và ảnh hưởng tới các nội dung quan trọng khác. Ngày 23-5, chiếc máy bay của Ryanair khởi hành từ Hy Lạp đến Lithuania, khi qua không phận Belarus đã nhận được yêu cầu chuyển hướng và hạ cánh tại Thủ đô Minsk. Một hành khách trên máy bay là đối tượng chống chính quyền Belarus đã bị bắt giữ sau đó.

Theo giới quan sát chính trị châu Âu, các nhà lãnh đạo EU đã hành động nhanh chóng và mạnh mẽ bất thường đối với vấn đề Belarus. Đặc biệt là nhất trí tăng cường trừng phạt không chỉ đối với các nhân vật chủ chốt trong Chính phủ Belarus mà còn đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế có mục tiêu. Như tuyên bố của Thủ tướng Đức Angela Merkel, EU đang gửi đi một tín hiệu chính trị quan trọng đối với Belarus và câu hỏi đặt ra hiện nay là các biện pháp trừng phạt sẽ có phạm vi rộng như thế nào.

EU cũng đồng ý cấm các hãng hàng không Belarus đi vào không phận và sử dụng các sân bay thuộc Liên minh, đồng thời chỉ thị các hãng hàng không thuộc EU tránh không phận của Belarus. Giới quan sát khu vực cho biết, không phận Belarus vốn là một tuyến hàng không quan trọng kết nối châu Âu và châu Á. Những diễn biến mới nhất đã ngay lập tức làm giảm mạnh lưu lượng hàng không. Belarus hiện như một “khoảng trống” trên bản đồ hàng không. Các nhà quan sát cũng chỉ ra rằng, sự việc này chưa từng có tiền lệ và châu Âu cho rằng, Belarus sẵn sàng hành động bất chấp châu Âu, khiến Khối buộc phải quyết liệt đáp trả xứng đáng để bảo vệ uy tín chính trị của mình.

Bên cạnh vấn đề Belarus, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng tập trung vào nhiều vấn đề quan trọng, nổi bật là vấn đề vắc xin ngừa Covid-19. EU đã thống nhất tài trợ ít nhất 100 triệu liều vắc xin trong năm nay cho các nước đang phát triển khi nguồn cung vắc xin của Khối đang tăng. Đồng thời, EU nhấn mạnh sự ủng hộ đối với chương trình COVAX của Liên hợp quốc. EU cũng thống nhất tiếp tục nỗ lực tăng cường năng lực sản xuất vắc xin toàn cầu. Một trong những tin tốt lành với châu Âu là chứng chỉ xanh kỹ thuật số Covid-19 dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-7 và kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả để từng bước gỡ bỏ các hạn chế đi lại giữa các nước châu Âu sau khoảng thời gian dài bị đứt quãng bởi dịch Covid-19. Chứng chỉ này đang tạo nên niềm tin tăng trưởng trở lại lĩnh vực du lịch của Khối.

Không như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với EU về vấn đề chống biến đổi khí hậu, cuộc gặp gỡ của các nhà lãnh đạo EU chưa cho thấy những bước tiến rõ ràng đối với mục tiêu cắt giảm ít nhất 55% lượng phát thải khí nhà kính (CO2) vào năm 2030 so với năm 1990. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo EU thúc giục Ủy ban châu Âu công bố các hướng dẫn mới để đạt được các mục tiêu này.

Theo giới quan sát, hội nghị lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với EU khi giải quyết nhiều vấn đề của châu lục bằng hình thức trao đổi trực tiếp, thay vì trực tuyến vốn gặp nhiều hạn chế. Các nhà lãnh đạo EU không chỉ khởi động hàng loạt nỗ lực mới để giảm thiểu ít nhiều áp lực của châu lục mà còn khởi động nhiều nền tảng cho sự phát triển trong thời gian tới. Giới chuyên gia đánh giá, EU đang cho thấy nỗ lực kiến thiết liên minh mạnh mẽ, với nhiều kỳ vọng, đề cao hơn nữa chủ nghĩa đa phương của EU vốn có nhiều phần bị lung lay trong những năm gần đây.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO