Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:46 GMT+7

EU thúc đẩy chiến lược hợp tác tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Biên phòng - Mối quan hệ đối tác an ninh ba bên  ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) bất ngờ công bố vào tháng trước đã tạo ra luồng quan điểm nhiều chiều ở phương Tây. Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) cho thấy nhiều quan điểm khác nhau trong chính những nước đồng minh của mình.

Tàu khu trục cỡ nhỏ của Đức làm nhiệm vụ trên biển. Ảnh: BMVG

Động lực mới

AUKUS ra đời trong sự hân hoan của Mỹ, Anh và Australia nhưng gây nên ngỡ ngàng cho phần còn lại của thế giới. Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là trọng tâm chính được lãnh đạo Mỹ, Anh và Australia cùng tuyên bố rằng, AUKUS được dẫn dắt bởi ý tưởng bền vững, xây dựng dựa trên cam kết chung về trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Cả ba nước cùng ý chí về tầm quan trọng và sự cần thiết phải duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cũng như đủ năng lực xử lý các thách thức. AUKUS cũng minh chứng cho mối quan hệ mật thiết gắn với việc chia sẻ giá trị chung của ba nước.

Theo giới chuyên gia chính trị quốc tế, AUKUS đột ngột được ba nước Mỹ, Anh và Australia công bố đã làm “dậy sóng” nhiều quốc gia phương Tây với phần lớn quan điểm là bất ngờ với cấu trúc an ninh mới này. Cùng với đó, trong một cấu trúc an ninh mang tầm chiến lược như AUKUS, EU hoặc các nước thành viên không được đồng minh của mình cho góp mặt dẫn tới một phản ứng gay gắt là điều dễ hiểu. Nhìn nhận về phản ứng của EU, giới quan sát khu vực cho rằng, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lâu nay được EU xác định là khu vực có tầm ảnh hưởng chiến lược hàng đầu với lợi ích của khối 27 quốc gia và luôn thuộc “đầu bảng” ưu tiên đẩy mạnh hợp tác của EU. Sự ra đời của AUKUS như một lẽ tất yếu sẽ tác động khá lớn tới EU.

Trước một cấu trúc an ninh mới bất ngờ xuất hiện, Ủy ban châu Âu (EC) đã khẩn trương công bố báo cáo chung Chiến lược hợp tác của EU tại Dương-Thái Bình Dương. Theo phân tích từ giới quan sát, bản báo cáo này vẫn thể hiện cách tiếp cận nhất quán của EU như bản Kết luận về Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hội đồng châu Âu hồi tháng 4. Dẫu vậy, có một số khác biệt lớn, nổi bật phải kể đến là 7 vấn đề cụ thể thay vì các mục tiêu và phương hướng tổng quan như trước. Các nhà phân tích đánh giá, EU đang cho thấy Khối quan tâm nhiều hơn đến an ninh biển và an ninh phi truyền thống. Trong đó, 7 vấn đề mà EU đưa ra gồm: Phát triển bền vững và bao trùm; chuyển đổi xanh; quản trị biển; quản trị số; kết nối; an ninh quốc phòng; và an ninh con người. Đặc biệt trong đó, EC đã chỉ rõ hơn, cụ thể hơn các mối nguy hại, thách thức đang hiện hữu.

Phân tích từ những kết quả mà EC đạt được thời gian qua, giới quan sát cho rằng, EC đang ngày đạt được sự đồng thuận trong nội bộ về cách tiếp cận hợp tác và cạnh tranh tại khu vực. Trong đó, sự đồng thuận đã giúp cho nhiều sáng kiến hợp tác cụ thể hơn, nhất là về an ninh phi truyền thống. Riêng trong vấn đề Biển Đông, văn bản mới của EC nhắc tới Biển Đông 3 lần trong khi văn bản cũ của EU không trực tiếp nhắc tới Biển Đông. EC khẳng định rằng, Biển Đông là tuyến hàng hải trọng yếu của EU và trực tiếp ủng hộ Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) không phương hại đến lợi ích của bên thứ ba.

Sự nhất quán

Trên thực tế, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực mà EU có lợi ích kinh tế rất lớn nên cũng tạo ra hàng loạt thách thức về cạnh tranh địa chiến lược, thương mại và giá trị, ảnh hưởng đến trật tự dựa trên luật lệ có lợi ích. Các nhà phân tích chính trị, an ninh đánh giá, văn bản chiến lược mới của EC đã cho thấy tính tiếp nối văn bản EU vào tháng 4 cũng như các quyết sách của Khối được định hình từ trước. Trong đó, EC tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với EU trong bối cảnh hiện nay cùng với tầm nhìn xa hơn nữa.

Một tàu ngầm của Hải quân Hoàng gia Australia trong cuộc tập trận với Hải quân Ấn Độ vào ngày 5-9. Ảnh: TNS

Sự nhất quán mà Khối đang đạt được cũng cho thấy những chuyển biến rất lớn. Lâu nay, các thành viên EU luôn bảo thủ phản đối hoạt động an ninh ở quá xa châu Âu. Mặt khác, EU có số lượng thành viên lên tới 27 nước nên việc tìm được tiếng nói chung của toàn bộ thành viên là điều cực kỳ khó khăn. Chiến lược mà EU, EC đạt được thời gian qua đã cho thấy cách tiếp cận rất khác so với trước đây. Nổi bật nhất có thể kể đến là việc EU nhấn mạnh tới phối hợp chung giữa các thành viên và các đối tác, thay vì thực hiện những hoạt động rời rạc, ít phối hợp. Song hành với đó, trước đây EU chủ yếu thúc đẩy hiện diện kinh tế và chính trị tại khu vực, nhưng nay đã san sẻ nguồn lực sang an ninh, đặc biệt là an ninh biển.

Ở góc độ tổng quan giới chuyên gia đánh giá, sách lược mới mà EC đưa ra tuy cho thấy tiến bộ khi cụ thể hóa nhiều vấn đề chung chung so với trước, nhưng trên thực tế, một số lượng vấn đề khá lớn hiện vẫn còn bỏ ngỏ, tránh né đề cập trực tiếp. Điều này cho thấy, hành trình nâng tầm hiệu lực trong các chính sách của Khối sẽ vẫn còn dài và nhiều trắc trở. Đặc biệt, văn bản của EC được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện cấu trúc an ninh AUKUS khiến hiệu lực phần nào bị lu mờ.

Dẫu còn nhiều “ngổn ngang” trong những sách lược của một thời đại mới, giới chuyên gia chính trị, an ninh vẫn tin tưởng rằng, hàng loạt động thái liên tục được thực hiện trong nhiều tháng qua đang cho thấy những tín hiệu tích cực, đặc biệt là việc dần thiết lập những tiền đề củng cố quan hệ tại khu vực. Đây sẽ là những “chìa khóa” để mở những cánh cửa đi đến một khu vực an ninh, an toàn, hòa bình, thịnh vượng một cách bền vững với sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế dựa trên những cơ chế đa phương, coi trọng luật pháp.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO