Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:09 GMT+7

EU khó tìm tiếng nói chung vượt khủng hoảng

Biên phòng - Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) dự kiến diễn ra trong 2 ngày 17 và 18-7, nhưng đã buộc phải kéo dài thêm 1 ngày bởi các nhà lãnh đạo EU khó tìm được tiếng nói chung. Các vấn đề của châu Âu đang diễn ra “phức tạp hơn dự đoán”. Việc hội nghị không tuân theo kịch bản tổ chức là minh chứng rõ nét nhất cho những thách thức phức tạp cùng những rối ren, chia rẽ nội khối EU.

Quang cảnh Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra tại Thủ đô Brussels, Bỉ. Ảnh: Reuters

Hội nghị thượng đỉnh EU đã diễn ra vào ngày 17-7 tại Thủ đô Brussels, Bỉ và là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo EU gặp mặt trực tiếp kể từ tháng 2 khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Bao trùm hội nghị lần này là chủ đề căng thẳng liên quan tới kế hoạch phục hồi kinh tế hậu Covid-19 với gói tài chính lên tới hơn 1.800 tỷ Euro, gồm Quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro và ngân sách EU hơn 1.000 tỷ euro cho giai đoạn 2021-2027.

Sự chia rẽ trong nội bộ các nước EU vốn đã diễn ra lâu nay nên việc Hội nghị thượng đỉnh lần này không đạt được hiệu quả là điều không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia. Sau 2 ngày nhóm họp, các nhà lãnh đạo EU vẫn không thể tìm thấy tiếng nói chung và Hội nghị liên tục phải tiến hành các bước kéo dài. Tranh cãi căng thẳng đã khiến Hội nghị phải kéo dài đến 23 giờ đêm ngày họp thứ 2 nhưng không có kết quả, nên phải kéo dài thêm một ngày nữa.

Đánh giá về kết quả hội nghị lần này, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte bày tỏ: “Mọi thứ phức tạp hơn dự đoán”. Thủ tướng Angela Merkel của Đức - nước Chủ tịch luân phiên EU thì thừa nhận: “Đây là những cuộc đàm phán rất khó khăn để tìm ra giải pháp tốt đẹp phục vụ người dân châu Âu”. Còn Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez khẳng định, cuộc khủng hoảng hiện nay là chưa từng có trong lịch sử nên việc đạt được thỏa thuận là yếu tố cấp thiết để giữ vững các nền kinh tế của EU.

EU là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ và đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do tác động của đại dịch Covid-19 tới kinh tế - xã hội toàn khối. Giới chuyên gia quốc tế cho rằng, ngoài suy thoái về kinh tế dự báo hơn 10% trong năm nay, EU còn đang phải đối mặt với “khủng hoảng niềm tin” khi người dân châu Âu dần mất đi sự tin tưởng vào đường lối và năng lực của EU. Cùng với đó, các quốc gia thành viên cũng ngày càng cho thấy thêm sự chia rẽ trong nội bộ.

Theo phân tích của giới chuyên gia kinh tế - chính trị, vấn đề trọng yếu của EU hiện nay là các biện pháp hỗ trợ tài chính để khối vượt qua khủng hoảng. Trong đó, Quỹ phục hồi kinh tế EU sẽ là lần đầu tiên EU phải huy động lượng tiền lớn nhằm tạo nguồn lực tài trợ cho các thành viên chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa các nhóm nước trong EU hiện rất lớn để có thể đạt sự đồng thuận.

Nổi bật nhất là nhóm nước Hà Lan, Áo, Thụy Điển, Đan Mạch vốn nổi tiếng là “bộ tứ tiết kiệm” nên đưa ra những quan điểm phản biện gói tài chính “khổng lồ” 750 tỷ Euro. Các nhóm nước “giàu có” của EU cũng có chiều hướng không “mặn mà” khi phải “dồn” lượng tiền lớn hỗ trợ các quốc gia EU yếu kém. Ở phía ngược lại, nhóm các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề trong cuộc khủng hoảng như Italia, Tây Ban Nha,... vốn được hưởng lợi lớn từ kế hoạch tài trợ không tán đồng với những biện pháp làm giảm đi lợi ích của mình. Chính những điều này đã đẩy các vòng đàm phán nội khối EU vào tình thế bế tắc.

Bên lề hội nghị, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nhấn mạnh rằng, có sự khác biệt rất lớn giữa các quốc gia về phân bổ nguồn lực tài chính, quản lý quỹ phục hồi, các khoản trợ cấp, khoản vay,... nhất là giữa nhóm các quốc gia Bắc Âu và Nam Âu. Những nhà lãnh đạo hàng đầu của EU bày tỏ rằng, trước cuộc khủng hoảng lịch sử hiện nay, ý chí phục hồi kinh tế của các nước tuy rất tốt, nhưng sự bất đồng lại quá lớn. Vậy nên, sự hài hòa lợi ích để vượt qua khủng hoảng chính là “cửa ải khó khăn” và còn cần thêm nhiều cuộc đàm phán nữa.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO