Biên phòng - Ngăn chặn tình trạng gia tăng lạm dụng trẻ em, buôn bán ma túy và vũ khí bất hợp pháp được xác định là những vấn đề trọng yếu của Chiến lược an ninh mới của Liên minh châu Âu (EU) trong giai đoạn 2020 - 2025.

An ninh là một vấn đề xuyên suốt, đi sâu vào hầu hết mọi lĩnh vực của cuộc sống và ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực chính sách. Cuối tuần qua, tại cuộc họp báo công bố Chiến lược an ninh mới, ông Margaritis Schinas, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định, Chiến lược an ninh EU mới sẽ giúp châu Âu xây dựng một hệ sinh thái an ninh thực sự, trong đó, khắc phục được những “rào cản” giữa trực tuyến và ngoại tuyến, giữa kỹ thuật số và vật lý, cũng như mọi mối đe dọa an ninh phi truyền thống khác.
Ông Schinas bày tỏ quan ngại trước thực trạng xuất hiện nhiều vụ tấn công mang tính khủng bố nhắm vào các không gian công cộng, bao gồm cả không gian mạng internet, tin giả. Đồng thời cho biết thêm, Chiến lược này bao gồm các biện pháp chống khủng bố, cực đoan, tội phạm mạng, tội phạm có tổ chức... Đặc biệt, ông Schinas cho biết, hiện có nhiều mối đe dọa xuất phát từ các quốc gia thù ghét EU, nhằm mục đích làm suy yếu sự gắn kết xã hội và làm suy yếu niềm tin vào các tổ chức liên minh.
Một điểm nhấn trong Chiến lược an ninh mới, EU nhấn mạnh tới vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ em với 1% trẻ em châu Âu là nạn nhân. Bà Ylva Johansson, Ủy viên Nội vụ châu Âu cho biết, lạm dụng tình dục trẻ em đã gia tăng đáng kể trên internet. Vài năm qua đã chứng kiến sự gia tăng các báo cáo về lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến liên quan đến EU từ 23.000 vụ trong năm 2010 lên hơn 725.000 vụ vào năm 2019, bao gồm hơn 3 triệu hình ảnh và video.
Tình hình đã trở nên tồi tệ hơn trong cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra. Cụ thể là việc gia tăng nội dung khiêu dâm liên quan đến trẻ em xuất hiện trên môi trường mạng internet. Trong đó, 2/3 các trang web được lưu trữ tại EU. Theo những ước tính đó, EU đang cân nhắc về khả năng thành lập một cơ quan mới của liên minh nhằm đấu tranh với vấn nạn này.
Theo thống kê của các cơ quan an ninh châu Âu, tội phạm có tổ chức đã gây tổn hại rất lớn cho nền kinh tế với ước tính từ 218 đến 282 tỷ euro bị mất hàng năm. Hơn một phần ba các nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động tại EU có liên quan đến buôn bán ma túy bất hợp pháp. Các nhóm tội phạm có tổ chức và những kẻ khủng bố cũng là những nhân vật chủ chốt trong việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp.
Tình hình liên quan đến súng bất hợp pháp cũng đáng lo ngại. Ước tính có 35 triệu khẩu súng bất hợp pháp thuộc sở hữu của thường dân ở EU vào năm 2017, chiếm 56% tổng số súng được thống kê. Giới chuyên gia an ninh của châu Âu dự báo, vũ khí bất hợp pháp sẽ ngày càng nhiều hơn vũ khí hợp pháp ở 12 quốc gia thành viên EU.
Đối với ma túy, bà Ylva Johansson nhấn mạnh rằng, châu Âu đã trở thành một khu vực trung tâm của thị trường “đen” này. Trong đó, các loại thuốc bất hợp pháp không chỉ được tiêu thụ, mà còn được sản xuất và xuất khẩu ngay từ EU, đặc biệt là hoạt động sản xuất cần sa và ma túy tổng hợp.
Trả lời trên truyền thông đại chúng về “lỗ hổng” luật pháp trong việc buôn bán trực tuyến với ma túy và thuốc theo toa, bà Ylva Johansson thừa nhận rằng, có sự gia tăng. Không thể loại trừ rằng cần phải có luật mới, nhưng đây là công việc đòi hỏi nỗ lực chung của mọi quốc gia. Hiện, ở EU có khoảng 5 nghìn nhóm tội phạm có tổ chức buôn bán ma túy với doanh thu khoảng 30 tỷ euro mỗi năm.
Theo đánh giá của giới chuyên gia an ninh, trong những năm qua, luật pháp của EU đang bị suy giảm đáng kể trước sự trỗi dậy nhanh chóng của tội phạm phi truyền thống, nhất là thực trạng phối hợp thiếu chặt chẽ và hiệu quả giữa các cơ quan chức năng trong EU. Chiến lược mới của EU đang cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận của khối trong việc tăng cường các biện pháp an ninh, dù còn nhiều quan điểm nghi ngại về hiệu quả trong thực tiễn.
Thanh Trúc