Biên phòng - Trong tuần trước, Hungary và Ba Lan đã phủ quyết gói ngân sách 1,8 nghìn tỷ Euro (tương đương 2,9 nghìn tỷ USD) cho giai đoạn 2021-2027 của Liên minh châu Âu (EU), bao gồm kế hoạch khôi phục hậu dịch Covid-19. Sau động thái này, các nhà lãnh đạo EU đã có cuộc tranh luận căng thẳng về quyền phủ quyết ngân sách của Hungary và Ba Lan.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra vào tuần trước, Hungary và Ba Lan đã ngăn chặn thông qua gói ngân sách 1,8 nghìn tỷ euro vì phản đối một cơ chế mới liên kết tiền của EU với các tiêu chí pháp quyền. Giới quan sát chính trị khu vực nhìn nhận, cơ chế pháp quyền mới cho phép cắt giảm các quỹ của EU nếu các nước thành viên vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc pháp quyền của Khối. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu các quốc gia thành viên không tuân thủ theo các kế hoạch của EU thì sẽ mất khả năng vay tiền từ khoản ngân sách chung.
Vì vậy, Hungary và Ba Lan cho rằng, quy tắc này sẽ được ví như sự thâu tóm quyền lực của EU để “nắm thóp” các quốc gia thành viên, buộc các quốc gia này phải làm những việc mà họ không muốn làm. Đặc biệt là trong bối cảnh EU hiện nay có nhiều vấn đề chung nhưng đều không đạt được sự đồng thuận của các thành viên, nổi bật như trong vấn đề nhập cư, rất nhiều quốc gia không chấp nhận tiếp nhận người nhập cư bất chấp nỗ lực chung của EU.
Sau khi gói ngân sách không thể thông qua do bị Hungary và Ba Lan phủ quyết, các nhà lãnh đạo EU đã nhóm họp để tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên, sau màn tranh luận căng thẳng, không có giải pháp nào được đưa ra. Trả lời truyền thông quốc tế, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, EU có sự đồng thuận về khoản ngân sách chung nhưng chưa có sự đồng thuận về cơ chế pháp quyền. Bà Merkel mô tả đây là một vấn đề rất nghiêm trọng. EU sẽ tiếp tục thảo luận với Hungary và Ba Lan để tìm ra giải pháp phù hợp chấm dứt bế tắc.
Trong khi Hungary và Ba Lan tuyên bố kiên quyết không thông qua gói ngân sách với sự ràng buộc vào cơ chế pháp quyền mới, nhiều đề xuất phương án tiếp cận khác được đưa ra nhằm xoa dịu Hungary và Ba Lan với sự đặc cách 2 thành viên này khi tiếp cận khoản vay từ quỹ chung, song, Nghị viện châu Âu đã tuyên bố sẽ không nhượng bộ thêm nữa đối với cơ chế pháp quyền.
Pháp và Hà Lan đã đưa ra những đề xuất thúc đẩy gói ngân sách mà không cần Hungary và Ba Lan thông qua. Theo đó, Pháp đề xuất tiến tới với quỹ phục hồi mà không có Ba Lan và Hungary theo luật hợp tác tăng cường của EU cho phép một nhóm ít nhất 9 quốc gia theo đuổi một dự án chung nếu những nước khác phản đối. Hà Lan gợi ý việc tiến tới với một hiệp ước liên chính phủ sẽ loại trừ Hungary và Ba Lan.
Cũng theo giới quan sát chính trị, việc hai quốc gia Đông Âu phủ quyết đã làm trì hoãn gói ngân sách trong bối cảnh các nước thành viên EU đang phải vật lộn với làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19. Nền kinh tế của EU đang suy giảm nghiêm trọng nên các quốc gia EU đang khao khát được vay tiền chung của EU. Vì vậy, việc Hungary và Ba Lan phủ quyết gói ngân sách chung EU đã minh chứng rõ nét cho sự chia rẽ ngày sâu sắc trong nội bộ Khối vì bất đồng lợi ích.
Tuy nhiên, giới chuyên gia chính trị cho rằng, về bản chất, gói ngân sách này được ví như “phao cứu sinh” của các thành viên EU trong bối cảnh dịch Covid-19. Vì vậy, dù còn tồn tại nhiều bất đồng nhưng chắc chắn sẽ có phương án giải quyết thích đáng. Nhất là khi có những giải pháp để thúc đẩy đạt được gói ngân sách này, chắc chắn Hungary và Ba Lan sẽ không muốn mình bị gạt ra khỏi “sân chơi chung”. Hơn hết, trước sự tàn phá kinh tế của dịch Covid-19, EU không còn nhiều thời gian chỉ để tìm sự đoàn kết nên trong thời gian ngắn tới đây, EU sẽ đưa ra phương án giải quyết bất đồng về cơ chế vay vốn chung của EU để nguồn tiền khổng lồ này được thông qua một cách hài hòa lợi ích giữa các bên.
Thanh Trúc