Biên phòng - Quan hệ giữa Mỹ và Iran lại trở nên căng thẳng sau khi Lầu Năm Góc cáo buộc tàu chiến Iran đe dọa máy bay Mỹ ở Eo biển Hormuz - tuyến đường hàng hải đặc biệt quan trọng ở khu vực vùng Vịnh. Đây là một trong hàng loạt vụ “chạm trán” giữa Iran và Mỹ ở vùng biển này, nhưng là vụ việc đầu tiên kể từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ.

Vụ chạm trán trên biển
Theo hãng tin Reuters, sự việc xảy ra ngày 26-11, khi máy bay trực thăng SH-60 của Hải quân Mỹ đang hoạt động trên vùng biển quốc tế và bay cách hai tàu chiến của Iran khoảng 800m. Nhận thấy chiếc trực thăng Mỹ bay quá gần, một trong hai tàu chiến của Iran đã chĩa vũ khí và ngắm bắn trực thăng quân đội Mỹ.
Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó đã gọi hành động của tàu chiến Iran là “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp”. Các quan chức giấu tên của quân đội Mỹ cho biết tình hình sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm nếu các phi công trên chiếc SH-60 cảm thấy bị đe dọa và có hành động trả đũa.
Đây là động thái mới nhất trong hàng loạt hành động tương tự của tàu chiến Iran trong năm 2016 và là sự cố đầu tiên kể từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ hôm 8-11. Ông Trump từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng bất cứ tàu chiến nào của Iran “quấy rối” hải quân Mỹ ở Vịnh Persian sẽ bị bắn hạ.
Tuy nhiên, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ, cho rằng đó là một phần trong “chiến dịch tuyên truyền” chống Tehran. Tuyên bố nhấn mạnh một số quan chức Mỹ thường đưa ra những cáo buộc tương tự, và Tehran đã yêu cầu Washington ngừng ngay việc tuyên truyền.
Hãng thông tấn Tasnim dẫn lời quan chức IRGC cho rằng vấn đề chính là sự hiện diện của các lực lượng quân đội Mỹ ở Vịnh Persian, và thông qua cách cư xử “không phù hợp, thiếu chuyên nghiệp”, Mỹ đang cố gắng chứng tỏ an ninh khu vực bất bình thường. Tuyên bố nêu rõ bất chấp chiến dịch tuyên truyền của Mỹ, các lực lượng Iran sẽ tiếp tục theo dõi các động thái ở Vịnh Persian và Eo biển Hormuz để bảo vệ tuyến hàng hải cũng như thiết lập an ninh khu vực.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran liên quan đến Eo biển Hormuz lần này là động thái mới nhất trong hàng loạt vụ chạm trán cự ly gần giữa hai nước trong năm nay. Tháng 9 vừa qua, một tàu tuần tra bờ biển của hải quân Mỹ đã phải đổi hướng sau khi gặp một tàu Iran áp sát với tốc độ lớn, chỉ cách tàu Mỹ khoảng 90 mét. Tuy nhiên, đây là vụ đụng độ trên biển đầu tiên giữa Mỹ và Iran kể từ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ hôm 8-11. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng tuyên bố nếu thắng cử, bất kỳ tàu chiến nào của Iran “quấy rối” tàu của Hải quân Mỹ ở vùng Vịnh sẽ bị bắn chìm và đưa ra khỏi vùng biển đó.
Eo biển chiến lược và nhạy cảm
Trong quá khứ, eo biển Hormuz nối Vịnh Oman và Vịnh Persian, từng có vị trí chiến lược quan trọng nhất tại khu vực Trung Đông. Ngày nay, khi kinh tế thế giới phát triển và phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ, eo biển Hormuz đã trở thành một nút thắt trọng yếu trên tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất vùng Vịnh. Theo thống kê, gần 40% các tàu chở dầu của thế giới lưu thông qua eo biển này. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10 tàu chở dầu, với tổng sản lượng khoảng 17 triệu thùng dầu/ngày đi qua eo biển này. Các quốc gia xuất khẩu dầu và khí đốt lớn trên thế giới như Qatar, Oman, Saudi Arabia,… đều phải đi qua Eo biển Hormuz.

Tàu thuyền qua lại Eo biển Hormuz phải tuân thủ Quy định phân luồng giao thông (TSS). TSS phân chia vùng nước eo biển thành 2 luồng giao thông riêng biệt nhằm tránh nguy cơ va chạm tàu. Luồng tàu chạy trong eo biển chỉ rộng khoảng 10 km, mỗi luồng tàu ra và vào rộng khoảng 3 km, hai luồng tàu này được cách ly bởi một vùng đệm rộng 3 km. Do nơi hẹp nhất của eo biển này chỉ rộng có 34 km, nên khi đi qua eo biển, các tàu thuyền buộc phải đi vào vùng lãnh hải của Iran và Oman. Theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), các phương tiện được phép đi qua lãnh hải của hai nước này mà không bị can thiệp, miễn là không vi phạm quy định như mang vũ khí hoặc thu thập thông tin tình báo.
Để tăng cường giám sát Eo biển Hormuz, IRGC đã triển khai các máy bay không người lái tại các căn cứ quân sự của Iran xung quanh khu vực chiến lược này. Chuẩn Đô đốc Ali Fadavi, Tư lệnh Hải quân thuộc IRGC, cho biết IRGC sử dụng nhiều loại máy bay không người lái khác nhau để tiến hành các hoạt động giám sát, trinh sát và tác chiến. Các máy bay không người lái này được trang bị cùng một loại tên lửa hành trình như những tên lửa được triển khai trên các tàu chiến hoặc tại các khu vực ven biển.
Các nhà phân tích cho rằng Eo biển Hormuz là khu vực rất nhạy cảm trong quan hệ giữa Iran và phương Tây. Iran từng nhiều lần dọa đóng cửa khu vực này này vào thời kỳ khủng hoảng nhưng chưa bao giờ thực hiện. Việc Hải quân Mỹ đặc biệt quan tâm đến vùng biển này khiến Iran lo ngại Mỹ muốn mở rộng ảnh hưởng và kiểm soát, kiềm chế ảnh hưởng của quốc gia Hồi giáo này. Căng thẳng lần này cũng cho thấy lòng tin giữa Mỹ và Iran vẫn còn khoảng cách lớn, dù hai bên đã có nhiều nỗ lực để đạt được thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Iran.
Như Lan