Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 29/09/2023 11:09 GMT+7

Em đã lớn lên ở đồn Biên phòng

Biên phòng - Không còn phải đứng lớp “gieo” chữ, nhưng suốt 10 năm qua, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Thu Lũm, BĐBP Lai Châu vẫn miệt mài với “sự nghiệp trồng người” bằng việc đưa các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn về đơn vị chăm sóc, nuôi dưỡng. Việc làm nghĩa tình đầy nhân văn ấy của những người lính Biên phòng nơi biên ải xa xôi này đã mở ra cánh cửa tương lai mà ở đó các em có cơ hội thực hiện ước mơ, trở thành người có ích cho xã hội…

ar9b_10b
Cán bộ Đồn Biên phòng Thu Lũm hướng dẫn gấp chăn màn cho 3 anh em Đức Mạnh, Lò Hừ và Mò Hừ. Ảnh: Ngọc Dung

Tiếp chúng tôi là Trung tá Nguyễn Ngọc Dung, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thu Lũm. Dù mới nhận công tác ở đơn vị chưa lâu, nhưng những câu chuyện về vùng đất mây mù với những con dốc leo gù lưng tôm này được anh kể thật hấp dẫn. Anh bảo, giờ Thu Lũm thay đổi nhiều, giao thông thuận tiện hơn, nông sản bà con trồng đã được tiêu thụ rộng rãi ra thị trường, đời sống vì thế khá hơn trước kia rất nhiều. Nhưng có một thứ vẫn vẹn nguyên như mấy chục năm trước, đó là tình quân dân nơi biên ải này.

Câu chuyện đang rôm rả thì có 3 học sinh mặc áo đồng phục, đeo khăn quàng đỏ đi vào. Gặp khách, cả 3 đứng lại vòng tay, cất tiếng lễ phép: “Cháu chào các cô, các chú. Cháu mới đi học về ạ”. Trung tá Nguyễn Ngọc Dung mỉm cười: “Các cháu vào cất cặp, thay quần áo rồi ăn cơm nhé”, đoạn anh quay sang trả lời cho sự tò mò của khách: Đây là 3 học sinh người Hà Nhì và La Hủ được đưa về đơn vị nuôi dưỡng từ năm 2017. 

3 học sinh được Đồn Biên phòng Thu Lũm nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng là Chang Mò Hừ (sinh năm 2006, ở bản Á Chè), Mạ Đức Mạnh (sinh năm 2006, ở bản Ló Na), cùng học lớp 8B, Trường Trung học sơ sở Thu Lũm và Vàng Lò Hừ (sinh năm 2009, ở bản Là Si), hiện đang học lớp 7A, Trường Trung học sơ sở Thu Lũm. Các cháu đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vì bố mất, mẹ lấy chồng khác hoặc gia đình quanh năm thiếu đói khiến việc học có nguy cơ bỏ dở giữa chừng. 

Trung úy Nguyễn Duy Khánh, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng và Thiếu tá Khoàng Gió Tư, nhân viên Đội Vận động quần chúng được giao trực tiếp phụ trách, quan tâm đến việc học, nắm tâm tư tình cảm của các cháu. Đây là nhiệm vụ tưởng như đơn giản nhưng thực sự không dễ dàng với những người đàn ông xa gia đình, nhất là với người trẻ tuổi như Đội trưởng Khánh. Thế nhưng, cả Trung úy Nguyễn Duy Khánh và Thiếu tá Khoàng Gió Tư luôn xác định, đã nhận đưa các em về chăm sóc có nghĩa mình phải thay cha mẹ các em để uốn nắn, dạy dỗ. Bởi vậy, suốt những năm qua, Chang Mò Hừ, Mạ Đức Mạnh và Vàng Lò Hừ luôn được quan tâm, chỉ bảo từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Phòng cuối cùng của dãy nhà cấp đội của Đồn Biên phòng Thu Lũm được dành riêng cho 3 “chiến sĩ nhí” của đơn vị làm phòng ở và học tập. Trên chiếc giường, chăn, màn được Chang Mò Hừ, Mạ Đức Mạnh và Vàng Lò Hừ xếp gọn ghẽ, vuông thành sắc cạnh theo nội vụ của các chú Biên phòng. Những bộ đồng phục được treo ngay ngắn trong tủ gỗ. 

Chang Mò Hừ bảo: “Cháu phải mất gần 1 tháng tập mới gấp được chăn, màn như các chú. Cháu cũng học các chú giặt xong quần áo không vắt nước mà cứ thế treo lên. Làm như vậy, khi quần áo khô sẽ ít bị nhăn”. Điều đặc biệt là năm học mới này, các em được mặc bộ đồng phục mới do Bộ Tư lệnh BĐBP may tặng nhân dịp khai giảng năm học mới. Mỗi em có 2 bộ quần áo, 1 bộ đồng phục ngắn tay và 1 bộ đồng phục dài tay. Những chiếc áo đồng phục vẫn giữ nguyên màu trắng học trò nhưng có thêm những đường viền màu xanh đặc trưng của những người lính Biên phòng ở cổ, tay áo và chạy dọc ngang hai bờ vai. Bên trái tay áo được may thêm phù hiệu của lực lượng BĐBP. 

Một ngày bình thường của 3 anh em Mò Hừ, Đức Mạnh và Lò Hừ bằng việc buổi sáng thức dậy tập thể dục với bài võ thể dục cùng các cán bộ, chiến sĩ. Là con trai nên việc được học võ ai nấy đều thích thú. Những lúc rảnh rỗi, Chang Mò Hừ, Mạ Đức Mạnh lại “luyện thêm” cho “đàn em” Vàng Lò Hừ. Sau bữa ăn sáng, khi cán bộ, chiến sĩ bắt đầu một ngày làm việc thì cũng là lúc 3 “chiến sĩ nhí” tới lớp. Buổi chiều, 3 anh em tự học ở nhà, chỗ nào không hiểu thì cùng trao đổi, không hiểu nữa thì đã có Trung úy Nguyễn Duy Khánh. Nhưng có lẽ vui nhất là giờ tăng gia sản xuất. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, người thì cho gà ăn, xách nước tưới rau, người thì giúp các chú “nuôi quân” hái rau, hái mướp và hái bí... 

Vàng Lò Hừ bảo: “Người La Hủ chúng cháu trước đây sống trong rừng sâu, mới được BĐBP đưa về dựng nhà, chia rẫy để canh tác. Việc trồng rau thành vườn, nuôi gà, lợn trong chuồng là rất xa lạ với người La Hủ. Nghỉ hè, cháu sẽ về hướng dẫn cho bố mẹ và các em trồng một vườn rau thế này”. 

8x2g_10a
Trung úy Nguyễn Duy Khánh hướng dẫn các “con nuôi” của đơn vị học bài. Ảnh: Ngọc Dung

Vì đã học buổi chiều nên buổi tối của 3 “chiến sĩ nhí” nhàn nhã hơn, chỉ phải chuẩn bị bài mới, sách vở cho ngày mai lên lớp. Nếu hôm nào đơn vị không sinh hoạt, 3 anh em lại sang phòng chú Khoàng Gió Tư để nói chuyện. Chang Mò Hừ, Mạ Đức Mạnh, Vàng Lò Hừ thường muốn sau này cũng được khoác trên mình bộ quân phục, mang quân hàm xanh. 

Thiếu tá Khoàng Gió Tư động viên: “Các cháu có điều kiện được đi học, được các chú rèn giũa thế này, phải học cho tốt để sau này thi vào Trung cấp Biên phòng hoặc Học viện Biên phòng. Trở thành cán bộ rồi, các cháu có thể tiếp tục giúp đỡ trẻ em khác”. Những câu nói ấy của chú Tư khiến 3 đứa trẻ háo hức như thể ngày mai đã có thể thi đại học, tranh nhau hỏi thi có khó không, ngày xưa chú học thế nào và Thiếu tá Khoàng Gió Tư phải “tự giải thoát” cho mình bằng cách: “Về ngủ đi. Cứ học giỏi đã rồi mới tính được”. Lúc ấy, cả 3 mới lục tục về phòng. 

Được biết, việc nhận nuôi các cháu học sinh nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn của Đồn Biên phòng Thu Lũm có từ năm 2009. Khi ấy, Đồn trưởng, Thượng tá Nguyễn Tiến Ngọc đi địa bàn, thấy hoàn cảnh của Sừng Xú Xá (ở bản Ló Na) và Mạ Mò Hà (bản Còng Khà) đáng thương quá nên bàn với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường rồi báo cáo Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu đưa 2 em về nuôi. Giờ thì Mạ Mò Hà và Sừng Xú Xá đã trở thành những chàng thanh niên cao lớn, học lớp 12 ở dưới huyện Mường Tè. Tôi tin rằng, những ngày được làm “con nuôi đồn biên phòng” sẽ là quãng thời gian đẹp nhất trong đời học trò của Sừng Xú Xá, Mạ Mò Hà, Chang Mò Hừ, Mạ Đức Mạnh, Vàng Lò Hừ với biết bao kỷ niệm cùng sự trải nghiệm với những người lính cụ Hồ...

Trúc Hà

Bình luận

ZALO