Báo Biên Phòng 14-10-2022, 10:18

Việt Nam - Campuchia Samaki

Việt Nam - Campuchia Samaki

Việt Nam - Campuchia Samaki

Trong bức điện gửi Quốc trưởng Norodom Shihanouk ngày 8/11/1968, nhân dịp chúc mừng Campuchia kỷ niệm 15 năm ngày độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Ngày nay cũng như ngày mai, hai nước chúng ta mãi mãi là những người bạn thân thiết”.

NÂNG TẦM HỢP TÁC

Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia xác định: “BĐBP là lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ và giữ vững biên giới quốc gia”. Quán triệt tinh thần đó, những năm qua, BĐBP luôn phát huy tốt vai trò là lực lượng chuyên trách, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu. Các đơn vị BĐBP luôn chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan xử lý có hiệu quả các vụ việc xảy ra trên biên giới; chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng, phương tiện thực hiện tốt nhiệm vụ ứng phó với các tình huống, nhất là tình huống an ninh phi truyền thống. Đặc biệt, trong phòng, chống dịch Covid-19, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, bám trụ trên tuyến đầu, quản lý chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở, ngăn chặn không để dịch bệnh xâm nhập vào nội địa, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, ghi nhận, đánh giá cao.

Từ cuối năm 2019 đến nay, dù trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và nhiều thách thức an ninh phi truyền thống khác, nhưng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã cùng với Bộ Tư lệnh các Quân khu 5, 7, 9 và lực lượng vũ trang, các đơn vị, địa phương trên tuyến biên giới triển khai nhiều hoạt động phối hợp, hợp tác với phía bạn Campuchia. Thể hiện sinh động qua các kết quả tích cực, như: Diễn tập cứu hộ, cứu nạn; nâng cấp các cặp cửa khẩu...

Nhằm tăng cường các hoạt động phối hợp trong tình hình mới, vào ngày 28 và 29/10 vừa qua, tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh), Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam đã hội đàm riêng với từng lực lượng: Bộ Tư lệnh Hiến binh, Bộ Tư lệnh Lục quân Quân đội Hoàng gia Campuchia, Tổng cục Công an Quốc gia và Tổng cục Di trú, Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia.

Tại các buổi hội đàm, các bên cùng trao đổi, đánh giá những tồn tại, thách thức hiện tại, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; cùng thống nhất các biện pháp tăng cường hợp tác, phối hợp trong đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội khu vực biên giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, xuất, nhập cảnh trái phép, ngăn chặn và xử lý các đối tượng xấu chống phá, chia rẽ mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa hai nước, phòng chống phá rừng, khai thác lâm sản trái phép ở khu vực biên giới hai nước; tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa lực lượng vũ trang và cụm dân cư, địa phương hai bên biên giới...

Các cuộc hội đàm đã mở ra những giải pháp, định hướng rất cụ thể, tạo điều kiện cho lực lượng bảo vệ biên giới hai bên và nhân dân ở địa bàn biên giới Tây Nam tiếp tục làm sâu sắc hơn tình đoàn kết, phối hợp, hợp tác xây dựng biên giới Việt Nam-Campuchia hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Cùng với đó, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chủ trì tổ chức thành công các Chương trình Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Campuchia năm 2016 tại tỉnh Tây Ninh và năm 2019 tại tỉnh An Giang; tổ chức Chương trình Giao lưu ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia năm 2018 tại tỉnh Kon Tum. Gần đây nhất là phối hợp, tham gia tổ chức Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ nhất, năm 2022 tại tỉnh Bình Phước… Đây cũng là dịp để lãnh đạo hai Bộ Quốc phòng gặp gỡ, chia sẻ những vấn đề cùng quan tâm, trao đổi thống nhất những định hướng lớn trong hợp tác, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác quốc phòng song phương không ngừng phát triển.

Trong khuôn khổ Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang đã có buổi hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia Samdech Pichey Sena Tea Banh. Cả hai Bộ trưởng đều đánh giá, thời gian qua, vượt lên những khó khăn của dịch Covid-19 cũng như diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, mối quan hệ Việt Nam - Campuchia nói chung, hợp tác quốc phòng song phương nói riêng vẫn trên đà phát triển tốt đẹp.

Các hoạt động trao đổi thông tin, duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới; hỗ trợ nhau trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hợp tác đào tạo đã được hai bên phối hợp triển khai hiệu quả, góp phần tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân và quân đội hai nước, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch chia rẽ tình đoàn kết, quan hệ gắn bó Việt Nam - Campuchia. Ngay sau hội đàm, Bộ trưởng Phan Văn Giang và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Samdech Pichey Sena Tea Banh đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam và Bộ Tư lệnh Hiến binh Quân đội Hoàng gia Campuchia…

MINH CHỨNG SỐNG ĐỘNG VỀ MỐI QUAN HỆ THỦY CHUNG, GẮN BÓ SẮT SON GIỮA HAI DÂN TỘC...

Sự gần gũi về địa lý cùng với những nét tương đồng trong văn hóa, lịch sử là nền tảng vững chắc để Việt Nam và Campuchia vun đắp, phát triển một trong những mối quan hệ truyền thống lâu đời tại khu vực Đông Nam Á. Ngày 23/6/1967, trong bức điện gửi Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Việc đặt quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta là biểu tượng rực rỡ của mối tình hữu nghị, thân thiết, đoàn kết chiến đấu. Đó là một sự kiện lịch sử quan trọng giữa Việt Nam và Campuchia, một nhân tố tích cực trong việc gìn giữ hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á". Chỉ một ngày sau đó, ngày 24/6/1967, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Vương quốc Campuchia đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong lịch sử hai nước.

Những năm tháng sau đó, nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia tiếp tục kề vai sát cánh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, dành cho nhau sự ủng hộ vô cùng quý báu và cùng giành thắng lợi lịch sử vào mùa Xuân năm 1975. Khi dân tộc Campuchia đứng trước thảm họa diệt chủng Pol Pot, mặc dù Việt Nam còn chưa kịp khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, nhưng đã tiếp tục sát cánh cùng các lực lượng yêu nước và nhân dân Campuchia làm nên chiến thắng ngày 7/1/1979, giải phóng đất nước và nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt vong, mang lại hồi sinh cho đất nước chùa Tháp.

Sáng 20/6/2022, nhân Lễ kỷ niệm lần thứ 45 năm “Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen đã trở lại và đi thăm các địa danh lịch sử tại xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, nơi 45 năm trước đây (ngày 21/6/1977), Thủ tướng Hun Sen và đồng đội bắt đầu con đường cách mạng, cứu đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Đây là những địa điểm, mà như lời Thủ tướng Hun Sen, đáng nhớ nhất cuộc đời mình và góp phần thay đổi đất nước Campuchia sau này.

Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh, lịch sử đã chứng minh nếu không có “hành trình lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” bắt đầu vào ngày 20/6/1977 và những sự kiện tiếp theo thì Campuchia không thể có ngày hôm nay. Ông một lần nữa khẳng định rằng hành động của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã tham gia cùng Campuchia trong sự nghiệp giải phóng đất nước, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, hồi sinh và phát triển đất nước…

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm lần thứ 45 năm Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot tổ chức tại tỉnh Tbông Khmum với sự tham dự của Đoàn đại biểu cấp cao hai nước cùng hàng ngàn người dân Campuchia, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, kỷ niệm 45 năm “Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” không chỉ nhắc nhở chúng ta ghi nhớ dấu mốc lịch sử về sự khởi nguồn của cuộc đấu tranh vì lương tâm, phẩm giá con người, vì chính nghĩa lật đổ chế độ diệt chủng tàn bạo, mà còn là minh chứng sống động về mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, thủy chung, gắn bó sắt son giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia…

Với phương châm phát triển quan hệ song phương: “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, trong những năm qua, quan hệ Việt Nam - Campuchia không ngừng được củng cố và phát triển trên mọi lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới. Quan hệ chính trị giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp. Các hoạt động ngoại giao nhân dân, nhất là tại các tỉnh biên giới diễn ra sôi nổi và rộng khắp, góp phần nâng cao sự hiểu biết của nhân dân, nhất là các thế hệ trẻ về truyền thống đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước, hai dân tộc.

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển nhanh chóng và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt 9,54 tỷ USD, tăng 79,1% so với năm 2020; riêng trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt 5,54 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021. Đến nay, Việt Nam đã có 188 dự án đầu tư ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,8 tỷ USD, duy trì vị trí đứng đầu ASEAN và trong nhóm 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia. Du lịch tiếp tục là lĩnh vực hợp tác có nhiều tiềm năng. Ngay khi hai nước mở cửa trở lại, số lượng du khách Việt Nam tới Campuchia trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 46.000 lượt, đứng đầu trong số các nước có du khách tới Campuchia. Hợp tác trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng không ngừng được tăng cường, ngày càng thực chất, hiệu quả.

Trong không khí thắm tình đoàn kết, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau, Thủ tướng hai nước Việt Nam - Campuchia khẳng định coi trọng mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, mong muốn không ngừng củng cố và tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, cùng nhau thắt chặt, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống quý báu giữa hai dân tộc “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.

Bình luận