Báo Biên Phòng 11-10-2022, 09:08

Việt Nam - Campuchia Samaki

Việt Nam - Campuchia Samaki

Việt Nam - Campuchia Samaki

Mối quan hệ Việt Nam và Campuchia được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp bằng công sức, xương máu và trở thành tài sản chung vô giá, thiêng liêng và bền vững của hai dân tộc.

NHƯ HAI "DÒNG MÁU" ĐƯỢC CHẢY CHUNG MỘT HUYẾT MẠCH

Ngay sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, đại diện xã Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ, Long An, Việt Nam) và xã Som Roong (quận Chanh T’ria, tỉnh Svây Riêng, Campuchia) đã có cuộc gặp hẹp trên biên giới. Cùng tham gia còn có đại diện Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây, BĐBP Long An.

Ông Rut Sooc Kon, Xã trưởng xã Som Roong bày tỏ: Ngày trước, gặp nhau thường xuyên, hàn huyên từ chuyện làng, chuyện xã đến chuyện giữ gìn an ninh trật tự trên biên giới. Hơn 2 năm qua dịch bệnh, ít gặp nên nhớ nhau, nay có cơ hội là tìm gặp liền.

Tháng 3/2013, Mỹ Quý Đông và Som Roong là cặp xã kết nghĩa đầu tiên trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. Là người có mặt trong buổi kết nghĩa hôm đó, ông So Xa Bon, Phó Xã trưởng thứ nhất xã Som Roong chia sẻ: “Sau khi kết nghĩa, bà con bên Mỹ Quý Đông sang bày cho bà con bên xã Som Roong nhiều kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi nên sản lượng nông nghiệp ngày càng tăng, đời sống bà con đã có nhiều thay đổi. Việc buôn bán, trao đổi hàng hóa thuận lợi hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện”.

Hai ông Rut Sooc Kon và So Xa Bon nói chậm bằng tiếng Việt Nam: Mong cho mau hết dịch để còn sang Việt Nam thăm bạn bè, để được uống rượu với những ông bạn già ở Mỹ Quý Tây. “Chúng tôi có rất nhiều bạn bên Việt Nam, vẫn thường xuyên điện thoại thăm hỏi nhau. Nhà ai có đám giỗ, đám cưới đều thông báo cho nhau, chúng tôi coi nhau như anh em trong một nhà” - ông So Xa Bon nói.

Không chỉ tổ chức các buổi thăm thân, giao lưu giữa nhân dân hai bên biên giới, gần 10 năm qua, Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương hai bên tổ chức gần 3.000 buổi tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ đường biên, cột mốc. Đơn vị cũng đã vận động 133/133 gia đình có đất sản xuất trên biên giới đăng ký tự quản đường biên, cột mốc. Những năm qua, nhất là khi tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây và chính quyền địa phương tặng quà nhân dân và một số đơn vị bảo vệ biên giới phía Campuchia, tổng trị giá gần 1 tỷ đồng.

Đại tá Đoàn Văn An, Chính ủy BĐBP Long An cho biết: “Đến nay, tỉnh Long An đã có 20/20 xã biên giới tổ chức kết nghĩa với 17/17 xã biên giới tiếp giáp của nước bạn Campuchia. Đây là mô hình sáng tạo trong công tác dân vận của BĐBP Long An. Hoạt động này đã trở thành cầu nối đưa người dân hai nước láng giềng thêm gần gũi, gắn bó”.

Tháng 5/2022, tại huyện Snoul, tỉnh Kratié, Campuchia, BĐBP Bình Phước đã trao tặng 10 con bò cho bà con nông dân và 50 suất quà cho các cháu học sinh nghèo (3 triệu đồng/suất). Đây là hoạt động thường niên của BĐBP Bình Phước đối với các đơn vị bảo vệ biên giới và địa phương kết nghĩa phía Campuchia đóng đối diện.

Tỉnh trưởng tỉnh Kratie, ông Tuy Bunsereyrathmony chia sẻ: “Chính quyền địa phương và BĐBP Bình Phước vẫn thường xuyên phối hợp với chúng tôi thăm, tặng quà các gia đình khó khăn, nhất là ở các cụm dân cư kết nghĩa hai bên biên giới. Việc tặng quà lần này đã góp phần giúp người dân khó khăn có bò giống để phát triển kinh tế và động viên các em học sinh hoàn cảnh khó khăn vượt khó học tập”…

Theo Đại tá Hoàng Văn Thành, Phó Chính ủy BĐBP Bình Phước, với đường biên giới dài gần 260km, những năm qua, Bình Phước luôn thực hiện tốt quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia. Đến nay, đã có 7 cụm dân cư hai bên biên giới trên địa bàn tỉnh Bình Phước kết nghĩa với nhau. Với tấm lòng trong sáng, vô tư, các đơn vị thuộc BĐBP Bình Phước đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho nhân dân khu vực biên giới của tỉnh và nhân dân các xã, huyện Campuchia đối diện được 31 đợt/9.300 lượt người, trị giá 4,2 tỷ đồng.

Có thể nói, tình đoàn kết thủy chung, gắn bó giữa cư dân hai bên biên giới luôn được các cấp, các ngành của Việt Nam và Campuchia chăm lo vun đắp và nó thực sự đơm hoa kết trái khi BĐBP triển khai thực hiện phong trào “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”. Từ phong trào này, đến nay trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia đã có 45 cặp kết nghĩa. Cùng với đó, BĐBP Việt Nam đã nhận đỡ đầu 102 học sinh là con em người Campuchia ở khu vực biên giới với mức hỗ trợ 6 triệu đồng/năm/em.

TÌNH NGƯỜI KHÔNG BIÊN GIỚI

Với hai dân tộc Việt Nam - Campuchia, tình người là không biên giới. Từ bao đời nay, ở đâu cũng nhìn thấy hành động đẹp của những con người sống chung một mái nhà, uống nước chung một dòng sông, đi chung một con đường và thắp chung một dòng điện sáng.

Nhân dịp đưa nhau sang chợ biên giới (xã Thông Bình, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp, Việt Nam), vợ chồng anh San Vu Thy, bế theo cả đứa con nhỏ đến cảm ơn cán bộ, chiến sĩ Trạm kiểm soát Biên phòng Thông Bình, Đồn Biên phòng Thông Bình, BĐBP Đồng Tháp.

Người chồng 30 tuổi, tên San Vu Thy kể, 2 vợ chồng sống bên phum Sa Co Mum, xã Pem Tia, huyện Kom Pung Ta Pet, tỉnh Pray Veng, Campuchia (đối diện với xã Thông Bình, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp). Tối 10/4/2022, vợ anh là Cham Tha Ran (29 tuổi) chuyển dạ đột ngột. Nếu đưa tới bệnh viện huyện Kom Pung Ta Pet thì rất xa, đường lại xấu. Lúc này trời mưa rất to, vợ đang nguy cấp, nếu chậm thì hậu quả sẽ khó lường, nên San Vu Thy quyết định đưa vợ đi bệnh viện bên Việt Nam.

Thượng úy Phan Đức Anh, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Thông Bình nhớ lại: Lúc đó đã hơn 10 giờ đêm, theo quy định là đã đóng cửa biên giới. Vợ chồng họ lại vội vàng nên không mang theo giấy tờ tùy thân, nhưng “cứu người như cứu hỏa”, các chiến sĩ Biên phòng đã mở cửa cho sang Việt Nam.

Anh San Vu Thy xúc động chia sẻ, thấy vợ tôi đau quá, Đồn Biên phòng Thông Bình còn cho xe ô tô chở ra bệnh viện Tân Hồng. Các anh còn cho y sĩ Biên phòng đi cùng và giúp làm các thủ tục nhập viện. Rất may, nhờ có sự nhiệt tình đó nên vợ tôi đã sinh bé trai khỏe mạnh, an toàn.

Hình ảnh xúc động nhất mà Thượng úy Phan Anh Đức và anh em ở Trạm kiểm soát Biên phòng Thông Bình nhớ mãi là hôm đưa vợ con từ bệnh viện về qua cửa khẩu, anh San Vu Thy đã quỳ lạy, cảm ơn sự cứu giúp của BĐBP Việt Nam. “Nếu không có mấy anh Biên phòng, chắc vợ con tôi sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm, có khi ảnh hưởng đến tính mạng, ơn này mãi không quên”. - San Vu Thy bày tỏ.

Đến nay, con trai đã lớn, khỏe mạnh, vợ chồng San Vu Thy mới đưa sang Việt Nam để cảm ơn tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Việt Nam. Đây là câu chuyện trong hàng trăm câu chuyện về tình nghĩa, giàu tính nhân văn của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Việt Nam đối với người dân nước bạn vẫn diễn ra hàng ngày trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia.

Từ năm 2017 đến nay, các trạm xá quân dân y kết hợp của BĐBP các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia đã phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị tổ chức trên 700 đợt khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho gần 500.000 lượt người dân hai bên biên giới, với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng.

Đặc biệt, năm 2017, 2019 và 2022, Bộ Tư lệnh BĐBP đã đầu tư gần 30 tỷ đồng xây dựng 3 trạm y tế quân dân y hữu nghị tại khu vực biên giới của các tỉnh Tây Ninh, An Giang và Bình Phước. 3 trạm xá này đã phục vụ đắc lực cho nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân hai bên biên giới, thể hiện tình cảm hữu nghị, đoàn kết và làm sâu sắc hơn quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai bên.

Cùng với đó, BĐBP Việt Nam và lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia đã và đang nỗ lực thúc đẩy, triển khai mô hình “Kết nghĩa đồn trạm, lực lượng vũ trang”, “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”, “Nâng bước em đến trường”, giao lưu sĩ quan trẻ. Qua đó, quan hệ phối hợp, hợp tác giữa các đơn vị và nhân dân giáp biên tiếp tục được củng cố và tăng cường, hợp tác quản lý, bảo vệ biên giới có bước phát triển mới cả về nội dung và hình thức, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Việt Nam: Nhờ mối quan hệ thân thiết đó, nhân dân khu vực biên giới hai nước đã có điều kiện hợp tác, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Từ các hoạt động kết nghĩa, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, giao lưu giữ gìn bản sắc văn hóa đã góp phần thay đổi đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, xây dựng tuyến biên giới ngày càng phát triển.

Bình luận