Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 28/09/2023 04:07 GMT+7

Duy trì tăng trưởng kinh tế cửa khẩu trong đại dịch Covid-19

Biên phòng - Với 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính và 9 cửa khẩu phụ, Lạng Sơn là đầu mối quan trọng trong tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, nối Trung Quốc với Việt Nam và các nước ASEAN. Mặc dù phải thực hiện nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch Covid-19, nhưng Lạng Sơn đã có nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo để duy trì, thúc đẩy thương mại biên giới phát triển. Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất, nhập khẩu qua tỉnh Lạng Sơn tăng 41% so với cùng kỳ.

Xe chở hàng hóa chờ làm thủ tục xuất khẩu tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn. Ảnh: Vi Toàn

Tỉnh Lạng Sơn có hơn 230km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5/12 cặp cửa khẩu thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu, bao gồm: Cửa khẩu quốc tế đường sắt ga Đồng Đăng - ga Bằng Tường, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, Tân Thanh - Pò Chài, Cốc Nam - Lũng Vài, Chi Ma - Ái Điểm. Đối với 2 cặp cửa khẩu Na Hình - Kéo Ái, Pò Nhùng - Dầu Ái, phía Trung Quốc dừng thông quan từ ngày 6-5-2021 để lắp đặt bổ sung thêm một số thiết bị đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Để thực hiện tốt đồng thời hai mục tiêu đảm bảo phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa và phòng, chống dịch Covid-19, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chủ động, quyết liệt triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa; thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển kinh tế cửa khẩu. Trong đó, Lạng Sơn đã lập 3 chốt kiểm dịch y tế liên ngành để kiểm soát y tế đối với các lái xe, phương tiện ra vào địa bàn tỉnh. Trên tuyến biên giới, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục duy trì 156 lán, chốt cố định và cơ động phối hợp tổ chức kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối mở với Trung Quốc, ngăn chặn triệt để người xuất, nhập cảnh trái phép.

Tỉnh Lạng Sơn cũng duy trì 5 chốt dã chiến thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, kiểm tra thân nhiệt đối với toàn bộ người ra vào cửa khẩu 24/24 giờ và cổng vào các bến bãi; hằng ngày, thực hiện khử trùng bến bãi, nhà làm việc và toàn bộ khu vực cửa khẩu. Các bến bãi khu vực cửa khẩu được phân chia thành các khu khác nhau như: Khu cách ly dành riêng cho lái xe, chủ hàng của Trung Quốc và của Việt Nam; khu cách ly dành riêng cho nhân viên bốc xếp, giao nhận hàng hóa tại cửa khẩu...

Trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát mạnh, tỉnh Lạng Sơn thành lập đội lái xe chuyên trách gồm 800 lái xe chuyên vận chuyển hàng hóa qua lại cửa khẩu. Đội lái xe này được quản lý, sinh hoạt tập trung trong khu vực cửa khẩu; lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 với tần suất 7 ngày/lần. Thành viên đội lái xe chuyên trách được tạo điều kiện cấp, đổi sổ thông hành ngay trong khu vực cửa khẩu nên hoàn toàn đảm bảo hoạt động vận chuyển hàng hóa qua biên giới.

Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn tăng cường công tác đối ngoại, thiết lập cơ chế trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Tây bằng nhiều hình thức để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, đảm bảo hoạt động thông quan, lưu thông hàng hóa được thông suốt. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông sản, trái cây tươi được tổ chức phân luồng ưu tiên xuất khẩu. Trong đó, thực hiện “luồng xanh” đối với quả vải xuất khẩu đủ tiêu chuẩn. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong lưu thông cũng như giải quyết thủ tục thông quan cho nông sản của vùng có dịch đang vào vụ thu hoạch, xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, kinh tế cửa khẩu đã có bước khởi sắc. UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt hơn 1.960 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, xuất khẩu ước đạt 690 triệu USD, tăng 13,1%; nhập khẩu ước đạt 1.270 triệu USD, tăng 62,8%.

Tiếp tục nâng cao năng lực thông quan

Trong bối cảnh dịch Covid-19 trong nước diễn biến hết sức phức tạp, hoạt động kinh tế cửa khẩu tại Lạng Sơn đang gặp phải những khó khăn nhất định. Hiện có 9 loại mặt hàng trái cây được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, song mới có 1/9 loại trái cây được các cơ quan chức năng của hai nước ký kết thỏa thuận về kiểm dịch thực vật. Vì vậy, các lô hàng trái cây khi xuất sang Trung Quốc bị kiểm hóa 100% dẫn đến thời gian thông quan hàng hóa lâu hơn so với các loại trái cây của nước khác.

Bên cạnh đó, việc phía Trung Quốc tạm dừng thông quan 2 cặp cửa khẩu Na Hình - Kéo Ái, Pò Nhùng - Dầu Ái từ đầu tháng 5 vừa qua và chưa thống nhất khôi phục các cặp cửa khẩu phụ còn lại đã phần nào ảnh hưởng đến năng lực thông quan hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn, trong đó có các loại trái cây tươi luôn đòi hỏi thời gian thông quan sớm, tốc độ thông quan nhanh.

Để tiếp tục đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 và nâng cao năng lực thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh việc đàm phán, hoàn tất thủ tục mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng trái cây xuất khẩu.

Tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu nông sản, hoa quả chú trọng công tác đóng gói bao bì nhãn mác; thực hiện truy xuất nguồn gốc và ký kết hợp đồng chính thức để xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng trái cây, nông sản sang Trung Quốc. Từng bước giảm việc xuất khẩu nông sản theo hình thức mua bán trao đổi cư dân biên giới.

Để thúc đẩy lưu thông hàng hóa, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam có ý kiến với chính quyền tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc để sớm khôi phục thông quan hàng hóa qua các cặp cửa khẩu Na Hình - Kéo Ái, Pò Nhùng - Dầu Ái và đưa vào vận hành tuyến đường bộ qua khu vực mốc 1035 thuộc cặp cửa khẩu Bình Nghi - Bình Nhi Quan trên cơ sở tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, xem xét sử dụng hộ chiếc vắc xin cho đội lái xe chuyên trách và sử dụng test nhanh Covid-19 để đảm bảo tối ưu trong phương án vận chuyển hàng hóa giữa hai bên được an toàn, thuận lợi, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp của cả Việt Nam và Trung Quốc.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO