Biên phòng - Thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, ngành nông nghiệp (NN) hiện đang tập trung khôi phục sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch bệnh tại từng địa phương. Cùng với đó, toàn ngành đang cùng các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương phục hồi các chuỗi đứt gãy để đảm bảo cung ứng tốt lương thực, thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước, gia tăng xuất khẩu dịp cuối năm.
Khẳng định vai trò là trụ đỡ
Trong bối cảnh làn sóng dịch thứ 4 diễn biến vô cùng phức tạp, tác động đến nhiều lĩnh vực, ngành NN vẫn giữ được vai trò là trụ đỡ quan trọng cho nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 2,74% và đóng góp 23,54% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế (GDP cả nước +1,42%).
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, dù gặp rất nhiều khó khăn do làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 gây ra, nhưng nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của ngành NN đạt và vượt kế hoạch đề ra, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tăng cả về số lượng và giá trị xuất khẩu. 9 tháng của năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, NN là ngành duy nhất có tăng trưởng dương trong quý III-2021 và duy trì xuất siêu ở mức 3,3 tỷ USD. Đây là kết quả của sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt của Chính phủ, Bộ NN&PTNT cùng với các ngành chức năng, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, người nông dân. Bộ NN&PTNT đã thành lập Tổ công tác phía Nam (Tổ công tác 970) và Tổ công tác phía Bắc (Tổ công tác 3430) để chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã... thực hiện các giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản trong tình hình giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là tại 19 tỉnh Nam Bộ.
Tổ công tác 970 đã xây dựng và đưa vào vận hành hiệu quả website: http://htx.cooplink.com.vn; kết nối và tiêu thụ thành công sản lượng bình quân khoảng 300-400 tấn nông sản/ngày, cao điểm có ngày đạt trên 1.000 tấn nông sản; xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu cho thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, hàng rào kỹ thuật, mở cửa thị trường. Cụ thể, kiến nghị với Trung Quốc sớm cho phép nhập khẩu trở lại các mặt hàng hoa quả tươi đã được Trung Quốc cấp phép qua cửa khẩu Kim Thành (Vân Nam, Trung Quốc) - Hà Khẩu (Lào Cai); thông báo cho các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội về khôi phục thông quan chuối, thanh long sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai). Đồng thời, thúc đẩy thương mại nông sản, mở cửa thị trường nông sản với các nước như Peru, Australia, Brazil, Mỹ, ASEAN, Nga, Cộng hòa Séc...; hỗ trợ các doanh nghiệp để xuất khẩu nông sản đạt tiêu chuẩn sang các thị trường EU, Anh, Trung Quốc...
Thúc đẩy sản xuất phù hợp với từng địa phương
Thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 21-9-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, Bộ NN&PTNT đã ban hành kế hoạch hành động theo 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm nhằm phấn đấu đạt mức tăng trưởng toàn ngành năm 2021 là 2,5-2,8%.
Theo đó, ngành NN sẽ tập trung chỉ đạo sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19 tại từng tỉnh, thành phố nhằm đảm bảo, vừa chống dịch, thiên tai hiệu quả, vừa đảm bảo cung ứng tốt lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước những tháng cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu như: Tăng cường kết nối, phối hợp với các tập đoàn viễn thông (Viettel, VNPT), các doanh nghiệp có ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp (Grab, GoViet...) đề xuất hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản, tăng cường giao dịch điện tử, hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản tham gia vào các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ.
Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tập trung giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistics... không để ứ đọng hàng hóa tại vùng sản xuất, nhà máy, trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Bộ NN&PTNT cũng sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc bộ và Bộ Tài chính xây dựng, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản cho nông dân để khôi phục sản xuất tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Cùng với đó, 2 tổ công tác của Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Sở NN&PTNT, doanh nghiệp, hiệp hội để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ nông sản tại các địa phương.
Trên cơ sở đó, kịp thời tham mưu triển khai ngay những giải pháp nhằm đảm bảo lưu thông thông suốt, hiệu quả an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng, cũng như đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, cùng với phục hồi sản xuất, xuất khẩu cũng là một trong những mục tiêu quan trọng mà bộ tập trung thực hiện trong những tháng cuối năm. Do đó, ngành NN sẽ nỗ lực để các mặt hàng nông, lâm, thủy sản được lưu thông tốt nhất, bán được giá nhất.
Bên cạnh việc khắc phục khó khăn, sẽ nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín thì sẽ đảm bảo lương thực, thực phẩm và xuất khẩu đạt được mục tiêu. Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với các Tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường EU, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản...
Bích Nguyên