Biên phòng - Cung đường không xa lắm, chỉ chừng 20 cây số theo đường chim bay, nhưng trong “nhật ký hành trình” lưu lại trên xe gắn máy (loại dung tích 100cc) của người lính Đồn Biên phòng (BP) Ia Lốp thì lại xấp xỉ… 1 lít xăng vào mùa khô và gần 2 lít khi mùa mưa về. Chỉ đôi lời giới thiệu ngắn gọn như thế về hai khu dân cư (làng Rinh và cụm dân cư Suối Khôn) thuộc xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai cũng đủ thấm thía sự vất vả, gian nan của các chủ nhân vùng biên giới trong cuộc mưu sinh và công tác xây dựng, quản lý địa bàn biên giới.

“Hành quân” theo cung đường... hình nón
Để trải nghiệm cung đường hình nón mà cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Ia Lốp, BĐBP Gia Lai thường đi qua mỗi khi về với thôn làng, chúng tôi bắt đầu từ biên giới vào xã Ia Mơ, rồi men theo con kênh Chính Đông nằm trong hệ thống công trình đại thủy nông Ia Mơ để đến cụm dân cư Suối Khôn. Ngót nghét 40 cây số cho hai cạnh của hình nón, nhưng vẫn còn gần nửa chặng đường quay ngược ra hướng biên giới để “bắt” sang khu dân cư thứ hai là làng Rinh, ngôi làng của 74 hộ gia đình nằm trong dự án thanh niên lập nghiệp triển khai cách đây gần 20 năm về trước.
Mặc dù vậy, “cạnh” còn lại của hình nón này không dành cho khách lạ vì nó chưa có trên “bản đồ giao thông” trong khu vực. Cách tốt nhất để từ cụm dân cư Suối Khôn sang làng Rinh là quay về xã Ia Mơ rồi tiếp tục cuộc hành trình trên Quốc lộ 14C.
Với kiểu “hành quân” như thế, dễ hiểu vì sao Đồn BP Ia Lốp, dù chỉ quản lý một phần xã Ia Mơ (2 khu dân cư) nhưng lại khá vất vả trong việc triển khai công tác dân vận, xây dựng địa bàn. Sự “zích zắc” này có lẽ xuất phát từ cụm dân cư Suối Khôn, ngôi làng tự phát của bà con người Jrai ở xã nội địa Ia Piơr (Chư Prông) ra đây lập nghiệp. Do tính tự phát nên đến thời điểm này, Suối Khôn vẫn chưa được xem là đơn vị hành chính cấp thôn, làng. Cư dân thì “hồn Trương Ba, da hàng thịt” (người của xã Ia Piơr nhưng lại sống trên đất Ia Mơ), còn hạ tầng cơ sở từ nguồn đầu tư ngân sách Nhà nước thì vẫn là “vùng trắng”. Đi theo đó là những câu chuyện mang nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau sau mỗi bước chân về làng của người lính BP.
Từ “làng đi học”...
Chúng tôi không dám dùng từ “làng học” để nói về cụm dân cư Suối Khôn vì sợ bạn đọc nhầm lẫn đây là “đất học”. Tuy nhiên, chuyện cả làng, già, trẻ, gái, trai hiện đang phải “đi tìm con chữ” là có thật, bởi theo một cuộc khảo sát gần đây nhất của Đội Vận động quần chúng, Đồn BP Ia Lốp thì rất nhiều người đã “lên chức” ông, bà, cha, mẹ ở cụm dân cư Suối Khôn đang bị mù chữ hoặc đã “đánh rơi con chữ” (tái mù chữ). Với một khu dân cư tự phát, hình thành từ cách đây hơn 25 năm về trước, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, lại nằm cách biệt với trung tâm xã thì chuyện đi học trong những ngày đầu ra đây “lập nghiệp” là cái gì đó thật xa xỉ.
Dân khó khăn thì bộ đội phải nỗ lực vượt khó hơn 100% khả năng của mình. Tròn 20 năm kể từ ngày Đồn BP Ia Lốp được thành lập (19/5/2003), bên cạnh sự đồng hành, giúp đỡ, sẻ chia về mọi mặt dành cho nhân dân thì tổ công tác địa bàn vừa là nơi sinh hoạt, hội họp, vừa là “chiếc cầu nối” với chính quyền hai xã Ia Mơ và Ia Piơr để giải quyết những vấn đề phát sinh trong đời sống cộng đồng. Biết bao trăn trở được khởi nguồn từ đây để người lính từng bước gỡ khó, tiếp thêm niềm tin và hy vọng cho những người bạn đồng hành trên vùng biên đầy nắng và gió.
Có lẽ câu chuyện rất giàu tính nhân văn mà chúng tôi kể ra đây là “món đặc sản” không lẫn vào đâu được trong thời đại công nghệ 4.0. Sau thời gian tiến hành khảo sát, chuẩn bị kỹ càng các bước, mới đây, Đồn BP Ia Lốp mở thí điểm một lớp dạy xóa mù chữ cho 10 học viên đều là phụ nữ lớn tuổi ở cụm dân cư Suối Khôn. Khi thầy trò chưa kịp làm quen mặt nhau thì Trung tá Vũ Văn Hoằng (người trực tiếp đứng lớp) nhận được “gói quà” từ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Piơr.
Mở ra mới biết đây toàn là thuốc… tránh thai, xã nhờ đồn lồng ghép tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình. Vậy là “Ok”, con chữ thì từ từ sẽ có, nhưng cái này phải có trước, bởi tình trạng “vỡ kế hoạch” đang diễn ra khá nóng trên địa bàn (trung bình mỗi hộ gia đình ở Suối Khôn hiện có 6 nhân khẩu), mà nếu để chị em tự đi mua, không chừng lại bị… nhầm thuốc (vì người bán không nghe được tiếng, mà người mua thì không biết chữ).
“Gần 30 năm mới quay lại đứng lớp, tôi thấy học trò của mình vẫn có những điểm tương đồng. Hôm nay đi học đủ 10 người, nhưng biết đâu ngày mai chỉ có một người. Tuy nhiên, có bao nhiêu thì dạy bấy nhiêu, vừa dạy, vừa vận động, rồi cũng đến lúc sẽ hoàn thành…” - trong lời chia sẻ của “thầy giáo quân hàm xanh” Vũ Văn Hoằng, tôi nhận thấy có sự quyết tâm không hề chùn bước.

... Đến “làng lúa” bên vựa lúa Tây Nguyên
Từ cụm dân cư Suối Khôn “vắt” sang làng Rinh chỉ khoảng hơn 10km, nhưng đó là theo đường… chim bay, còn trên thực tế, vào mùa mưa, đường về hai thôn của người lính BP Ia Lốp vẫn phải “hành quân” theo hình nón.
Có thể nói, cuộc sống hiện tại của 74 hộ gia đình cựu thanh niên ở làng Rinh không khác là bao so với cụm dân cư Suối Khôn. Vẫn là cung đường đến trường mờ xa trong ánh mắt trẻ em vùng biên giới và nỗi lo canh cánh trong lòng của mọi nhà khi có ai đó chẳng may ốm nặng. Và đương nhiên rồi, với địa bàn như thế thì bước chân của người lính Đồn BP Ia Lốp vẫn phải gấp vội và đong đầy yêu thương. Tại làng Rinh, bên cạnh tổ công tác địa bàn thường trực 24/24 giờ, Đồn BP Ia Lốp còn phân công 8 đảng viên phụ trách 10 hộ gia đình (cụm dân cư Suối Khôn có 15 đảng viên phụ trách 35 hộ) và duy trì phòng khám quân dân y kết hợp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Thách thức càng trở nên lớn hơn khi nằm bên công trình thủy lợi Ia Mơ, vốn được định hình là một trong những “vựa lúa” lớn nhất Tây Nguyên, nhưng hơn 130ha đất trồng lúa ở làng Rinh hiện đang nằm ngoài vùng tưới của hệ thống thủy lợi. Muốn canh tác lúa hai vụ, bà con phải chung tay góp sức đặt máy bơm để đưa nước từ ngoài vào và phải gánh thêm khoản chi phí khoảng 800 ngàn đồng/ha/vụ. Bù lại, nhờ sự cần cù chịu khó, tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết quân dân một lòng, người làng Rinh từng bước vượt qua khó khăn để tạo nên “làng lúa” bên vựa lúa Tây Nguyên.
“Thương hiệu” gạo chất lượng cao do nông dân làng Rinh làm ra, dù chưa nhiều nhưng đang ngào ngạt tỏa hương nơi cuối trời biên giới. Nhiều hộ gia đình và các đồn BP trên địa bàn huyện Chư Prông đã bước đầu tìm đến với lúa làng Rinh để được trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp chất lượng không thua kém các vùng chuyên canh lúa đặc sản. Nếu có đủ điều kiện canh tác thuận lợi, chắc chắn nụ cười của các chủ nhân vùng biên giới bên dòng sông Ia Lốp sẽ rạng rỡ hơn và đôi chân người lính BP cũng sẽ đỡ gấp vội hơn trên cung đường về với hai thôn quen thuộc của mình.
Thái Kim Nga