Biên phòng - Đó là câu nói ví von đầy ẩn dụ của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng trên điểm chốt phòng, chống dịch Covid-19 của Đồn Biên phòng Ba Tầng, BĐBP Quảng Trị. “Đường lên trời” dài bao nhiêu thì chưa ai đo đếm được, còn trên điểm chốt này, con đường xuống suối không chỉ xa về khoảng cách mà còn gập ghềnh, hiểm trở bởi đá núi trơn trượt. Vì thế, người lính Biên phòng đã phải tiết kiệm nước như tiết kiệm chính giọt mồ hôi của mình.

Tiết trời miền biên viễn Ba Tầng đã bắt đầu bước vào mùa nắng, phảng phất những đợt gió Lào khô khốc quất vào mặt người rát rạt. Đường lên chốt xuyên qua mấy dãy đồi trọc trơ cây cối cùng với độ gập ghềnh của đá núi nên Thượng úy Lê Quốc Vương, Đội trưởng Đội Vũ trang, Đồn Biên phòng Ba Tầng phải gồng hết các khối cơ và chống cả hai chân xuống đất mới giữ vững được sự thăng bằng cho chiếc xe máy chở tôi vượt dốc lên đỉnh núi để đến với lán dã chiến ở thôn Loa, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Giữa khung cảnh mênh mông núi rừng biên giới, chiếc lán bỗng chốc trở nên nhỏ nhoi, đơn độc, chỉ có lá cờ đỏ sao vàng là hùng dũng tung bay trong gió ngàn để khẳng định không gian chủ quyền biên cương Tổ quốc.
Theo thứ tự do Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Ba Tầng đặt thì đây là lán dã chiến số 5, còn gọi theo địa danh thì là chốt thôn Loa vì nằm trong địa giới hành chính của thôn Loa, xã Ba Tầng. Tính đến thời điểm những đợt nắng đầu tiên của mùa Hè năm nay thì chiếc lán này đã hiện hữu trên đỉnh núi này gần 400 ngày và chưa biết cụ thể về thời gian kết thúc.
5 cán bộ, chiến sĩ Biên phòng gồm: Thượng úy Lê Quốc Vương, phụ trách chốt; Thiếu tá Võ Văn Sơn và các Binh nhất Hồ Văn Xưa, Nguyễn Thành Lộc, Trương Quốc Khánh cùng 1 chiến sĩ dân quân xã đã trải qua đủ 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông trên chốt, song họ chỉ được thay nhau ghé thăm nhà đúng 2 lần, mỗi lần 3 ngày cho mỗi người.
Thượng úy Vương kể với tôi: “Em lên đơn vị trực phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 28-2-2020, cùng lúc ấy, vợ em là bác sĩ làm việc ở Bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi tỉnh Quảng Trị cũng nhận nhiệm vụ phụ trách khu cách ly đặc biệt nên chỉ có lúc nào em về đồn thì hai vợ chồng mới gặp được nhau qua sóng điện thoại. Mãi đến khi tình hình dịch bệnh tạm lắng đợt 1 thì chúng em mới có điều kiện gặp nhau nhưng phải thực hiện đầy đủ mọi quy định về công tác phòng, chống dịch. Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vừa rồi, cũng do tình hình dịch bệnh căng thẳng nên em phải ở lại bám chốt còn vợ em thì thường trực tại bệnh viện”.
Tại chốt thôn Loa không có đường, không có điện, không sóng điện thoại, thưa vắng người qua lại nhưng chốt luôn phải đón tiếp những “vị khách” chẳng ai mời mà đến, đó là muỗi, bò cạp, rắn, rết và các loại côn trùng khác. Song, chốt chưa một giây vắng bóng người chiến sĩ Biên phòng thường trực, kiên quyết ngăn chặn bất kể ai xâm nhập trái phép qua đường biên Tổ quốc.
Binh nhất Hồ Văn Xưa kể: “Vào khoảng cuối tháng 11-2020, hôm ấy trời mưa phùn và lạnh, khi đang ngồi ăn cơm tối, em cảm giác có vật gì đó mềm mềm, ấm ấm bò qua bàn chân mình, em cúi xuống nhìn thì thấy một con rắn đen trùi trũi. May mà nó không “tặng” cho em phát nào chứ loại rắn này cắn thì mạng sống khó bảo toàn. Còn chuyện bò cạp chui vào áo, quần, dày, tất thì hầu như thường xuyên nhưng mọi cái rồi cũng quen dần, mọi người phải luôn đề phòng tìm cách xử lý”.
5 cán bộ, chiến sĩ Biên phòng và 1 chiến sĩ dân quân trực chốt. Ban ngày, họ thay nhau đi tuần tra các đường mòn, lối mở, ban đêm, họ chia nhau quan sát đường biên. Ngày nắng, họ vào rừng chặt lá cây tủ lên mái lán để giảm đi cái nóng khắc nhiệt. Những ngày giá rét, họ đốt lửa để xua đi cơn gió lạnh tràn về.
Những bữa ăn của họ, không có bất kỳ một khung giờ nhất định, phụ thuộc nhiều vào việc đi tuần tra đường biên về muộn hay sớm, có khi bữa cơm trưa kết thúc vào lúc hơn 2 giờ chiều, cũng có khi bữa cơm tối hoàn thành khi nhà dân đã tắt đèn đi ngủ. Đêm có trăng, còn nhìn thấy được khoảng rừng phía xa, hôm tối trời, chỉ có màn đêm đen kịt trước mặt. Lúc ấy, cơn buồn, nỗi nhớ lại rủ nhau kéo về trong cảm xúc riêng tư của mỗi con người và họ lại mong cho đến khi trời sáng để được nhìn thấy người dân lên rẫy.
Mùa Hè, các cán bộ, chiến sĩ vất vả vì phải lặn lội đường dốc đi tìm nguồn nước phục vụ cho nhu cầu ăn uống, sinh hoạt. Mùa mưa lạnh, họ lại phải gắng sức chịu đựng cảnh quân tư trang phơi mãi không khô, đêm gió rít giật tung từng đợt, mấy anh em nằm không đủ ấm vì sương núi lùa vào trong lán làm ẩm ướt chăn, màn. Để chống chọi lại với gió ẩm và sương núi, ban ngày các anh gói toàn bộ áo, quần, chăn, màn vào túi nilon đến lúc đi ngủ mới lấy ra sử dụng, thế mà sáng hôm sau ngủ dậy, chăn bông đã bị hơi nước thấm vào ẩm ướt...
Tuy đã được Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị cùng lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành quan tâm, mua và cấp phát nhiều loại vật tư để đảm bảo đời sống sinh hoạt, lán cũng đã được sửa chữa bán kiên cố, thế nhưng sự vất vả, khó khăn của những người lính bám chốt nơi tuyến đầu thì vẫn còn rất nhiều, bởi nơi rừng xa, núi thẳm thì lấy đâu ra điều kiện thuận lợi. Ấy vậy mà họ đã sống, đã bám trụ để giữ canh sự bình yên và an lành cho Tổ quốc, cho nhân dân ngay từ nơi phên dậu.
Tôi chia tay các anh, nắng tỏa xuống đường biên sắc vàng. Chiếc lán dã chiến nhỏ nhoi giữa mênh mông núi rừng với lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trong gió ngàn biên cương. Nơi đó, những cán bộ, chiến sĩ Biên phòng vẫn thầm lặng vượt qua mọi khó khăn trên những điểm chốt phòng, chống dịch Covid-19 nơi đường biên Tổ quốc.
Nguyễn Thành Phú