Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 05/06/2023 10:44 GMT+7

Đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong xây dựng kinh tế, củng cố quốc phòng hiện nay

Biên phòng - Tháng 5-1959, để đáp ứng yêu cầu ngày càng phát triển của cách mạng miền Nam, Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở tuyến vận tải chi viện chiến lược Bắc Nam - đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn. Đó là một quyết định lịch sử, thể hiện quyết tâm và ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!”. Đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn ra đời đáp ứng đúng yêu cầu lịch sử đặt ra và nguyện vọng tha thiết của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam và của nhân dân cả nước.

Đoàn 559 (sau này là Binh đoàn Trường Sơn) tổ chức vận chuyển bằng xe cơ giới trên đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh: Tư liệu

Sau khi ra đời, đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn không ngừng được mở rộng, kéo dài, ngày càng vươn xa về phía Nam, vươn sâu tới các chiến trường, các hướng chiến lược, chiến dịch. Tính đến ngày Việt Nam thống nhất, đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn đã tồn tại gần 6.000 ngày đêm. Các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn gồm khoảng 120.000 người đã làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường, với tổng chiều dài gần 20.000km đường ô tô, 1.400km đường ống dẫn xăng dầu, 3.140km “đường kín” cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm. Bộ đội hành quân trên đường Trường Sơn phải vượt qua chặng đường dài trên 1.500km.

Trong những năm 1959-1975, đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh luôn là trọng điểm đánh phá rất ác liệt, là nơi đế quốc Mỹ và tay sai thực nghiệm các loại hình “chiến tranh ngăn chặn”, “chiến tranh điện tử”, “chiến tranh hóa học”, “chiến tranh tâm lý”... Cùng với những cuộc hành quân ngăn chặn quy mô lớn, tung nhiều toán biệt kích, thám báo hoạt động phá hoại ở mặt đất, địch đã dùng không quân, pháo binh trút xuống nơi đây hơn 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học mang tính hủy diệt, hòng cắt đứt tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, thực hiện chia cắt chiến lược hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam, chiến trường Trung - Nam Lào và chiến trường Campuchia.

Chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một chiến trường điển hình về tính chất ác liệt và sự gian khổ, hy sinh; đồng thời, là một hiện thực lịch sử điển hình chứng minh và khẳng định sức mạnh của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã làm nên chiến thắng vĩ đại trước kẻ thù xâm lược điển hình về tính chất hung bạo và sự hiếu chiến, mạnh hơn ta gấp nhiều lần về tiềm lực kinh tế và tiềm lực quân sự.

Chính chiến trường vô cùng gian khổ, ác liệt này đã góp phần to lớn bồi đắp và tỏa sáng chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư cho Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 50 năm mở đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn, khẳng định: “Chiến công của Mặt trận đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng sinh động của sức mạnh đại đoàn kết, khát vọng chiến đấu vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc của dân tộc ta”.

Quân và dân ta ở Trường Sơn không chỉ gặp những khó khăn, gian khổ và hy sinh to lớn do địch đánh phá ác liệt, mà còn gặp những khó khăn và tổn thất không nhỏ do thiên nhiên khắc nghiệt gây ra. Những ai đã từng ở Trường Sơn trong những năm chiến tranh không thể nào quên những trận mưa rừng tầm tã và những cơn sốt rét ác tính dữ dội, những căn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và để lại những di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài cho bao người còn sống.

Với quyết tâm chiến lược “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập, tự do”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, quân và dân ta ở chiến trường Trường Sơn đã quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa và thực hiện thắng lợi tư tưởng tiến công, chủ động, kiên quyết và liên tục tiến công với ý chí quyết chiến quyết thắng “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, tạo nên kỳ tích huyền thoại “Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh”; góp phần quan trọng đưa đến toàn thắng 30-4-1975, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã mở ra giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam - giai đoạn cả nước thực hiện chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”.

Nhận thức được tầm quan trọng của giao thông vận tải, ngay từ khi bắt đầu công cuộc “Đổi mới”, phát triển nền kinh tế đất nước theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương phải ưu tiên đầu tư phát triển giao thông vận tải, để giao thông vận tải đi trước một bước tạo tiền đề và thúc đẩy kinh tế phát triển. Và trong chủ trương đầu tư phát triển giao thông vận tải, Đảng và Chính phủ đã quan tâm trước hết đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh - trục dọc “xương sống” thứ hai của đất nước - bởi đây sẽ là huyền thoại và biểu tượng mới của giai đoạn đầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Trên cơ sở Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3-12-2004 của Quốc hội và phù hợp với thực tế, việc đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Quy hoạch tổng thể được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ năm 2000-2007): Đầu tư hoàn chỉnh với quy mô 2 làn xe, bao gồm cả kiên cố hóa và chống sạt lở đoạn từ Hòa Lạc (Hà Tây cũ) đến Tân Cảnh (Kon Tum). Cho phép một số điểm kiên cố hóa khó khăn hoàn thành trong năm 2008.

Giai đoạn 2 (từ năm 2007-2010): Nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) và nghiên cứu triển khai đầu tư nâng cấp một số đoạn tuyến đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long. Giai đoạn 3 (từ năm 2010-2020): Hoàn chỉnh toàn tuyến và từng bước xây dựng các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với quy hoạch được duyệt và khả năng nguồn vốn, trong đó, lưu ý kết nối với quy hoạch hệ thống đường sắt, đường ngang và các quy hoạch khác có liên quan.

Trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay, tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua miền Trung đã phá thế độc tuyến giao thông Bắc - Nam, hỗ trợ đắc lực cho Quốc lộ 1A, tạo thế liên hoàn, vững chắc trong chiến lược quân sự bảo vệ đất nước và tăng cường tình đoàn kết 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia; đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của vùng đất phía Tây rộng lớn, giàu tiềm năng của nước ta; đưa con đường chiến thắng năm xưa phục vụ hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thời gian có thể xóa mờ dấu chân người trên các nẻo đường Trường Sơn năm nào, nhưng con đường ấy cùng những chiến công của nó sẽ mãi đi vào lịch sử và phát huy trong tương lai, đúng như dòng lưu bút Tổng Bí thư Lê Duẩn ghi trong sổ vàng truyền thống Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh: “Đường Hồ Chí Minh là một chiến công chói lọi trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Đường Hồ Chí Minh là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liền Nam - Bắc, thống nhất nước nhà, là con đường của tương lai giàu có của Tổ quốc ta. Đó cũng là con đường đoàn kết của các dân tộc, của ba nước Đông Dương”.

Nguyễn Hà Hải

Bình luận

ZALO