Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:10 GMT+7

Đường hầm của một giấc mơ

Biên phòng - Ấn tượng của tôi khi bước chân vào “đường hầm điêu khắc” Đà Lạt chính là nụ cười của cô bán vé, nụ cười hiếm gặp ở bất cứ điểm du lịch nào. Sau khi trao vé cho khách, cô còn nói lời cám ơn vì tôi đã chọn nơi này để chiêm ngưỡng những tác phẩm được làm trong con đường âm dưới lòng đất với những kiến trúc Đà Lạt cùng những ngẫu hứng của anh chàng kiến trúc sư tài hoa cùng 10 cộng sự khác.

40ui_9a
Không gian đường hầm luôn lôi cuốn du khách. Ảnh: Khuê Việt Trường

Con đường vào đây đẹp, tính từ Đà Lạt cũng non 20km. Xe đi qua những cỏ cây, qua hồ nước, nơi đầu nguồn của hồ Tuyền Lâm. Và xe gặp những rừng hoa mai anh đào, chạm gặp rừng thông, những cụm dã quỳ “run” trong gió, cả những vạt cỏ may đợi “níu” chân người.

Đi trên con đường, sau khi tận hưởng một không gian đẹp đẽ của Đà Lạt là đến không gian Đà Lạt bằng đất sét. Thường thì mọi người khi tìm tới nơi này có cái thú chụp hình, với con đường lên xuống khác nhau ấy, mải mê chụp hình đôi khi lại quên mất cái thú ngắm nhìn những nét tài hoa trong lòng đất ấy. Tất nhiên là cuộc rong chơi ấy để tận hưởng sự tài hoa của kiến trúc sư Trịnh Bá Dũng, người đã nghĩ ra và tạo thêm một sản phẩm du lịch đang tạo sức hút cho du khách cùng tìm đến.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, “đường hầm điêu khắc” hay gọi gọn là đường hầm đất sét ấy bắt đầu được thực hiện từ đầu năm 2013, có chiều dài 1,2km. Khi chúng tôi đến thì công trình vẫn tiếp tục mở rộng. Từ đó, có thể nhìn các cách tạo dựng. Đó là mô hình được gọt dũa, tạo dáng dựa theo vách đất. Sau đó, những người thợ phủ lên một lớp hồ xi măng, rồi phủ bên ngoài lớp đất sét đã có chất phụ gia kết dính và không bị hủy hoại bởi mưa.

Bước chân vào cổng là gặp hình ảnh  đầu con rồng bên trái và đuôi con rồng bên phải. Có nghĩa là công trình được xây dựng “trên mình” con rồng. Bạn đi ngắm nhìn thỏa thích và khi về là tới đuôi con rồng. Không cần người thuyết minh, chân cứ bước đi trong không gian kỳ ảo đó và nếu ai đã từng tới Đà Lạt sẽ nhận ra ngay những kiến trúc và sinh hoạt cộng đồng cùng những nét văn hóa gắn liền với thành phố Đà Lạt mộng mơ tại đây. Chiều cao của đường hầm lên tới 9m và đã có 50.000 mét khối đất được đào. 

Nhưng đó chỉ là những con số, còn chân bước chạm vào giữa thênh thang đất trời ấy lại là câu chuyện chiêm nghiệm và tận hưởng. Bước chân đã lọt giữa, thì thấy hai bên là những kiến trúc độc đáo, nếu không nói là chủ nhân của công trình đã quá tham lam để muốn đưa hết từ công trình kiến trúc đến nét văn hóa Tây Nguyên trong con đường hầm đất đỏ của mình. Con người tham quan như đang lướt qua một giấc mơ, như giấc mơ mà chủ nhân của đường hầm điêu khắc thể hiện. Con rồng đang mang trên mình dấu vết thời gian của trên trăm năm Đà Lạt.

Đầu tiên là những hình ảnh cuộc sống người dân Tây Nguyên với thú rừng, voi, sinh hoạt của cộng đồng dân tộc ít người, hình tượng những chú khỉ với nhiều dáng vóc. Lên bậc cấp là bức tường khắc họa rõ nét những sinh hoạt ấy rất đẹp. Cứ thế, chân bước theo gặp thác nước và hoa gợi đến xứ sở Đà Lạt với những mùa hoa. Lạ hơn là tác giả cũng diễn tả các loại sinh vật như rùa, kiến,  tắc kè ở mọi nơi. 

Trong các kiến trúc quá “tham lam” ở nơi này, có nhiều điểm nhấn đẹp và làm cho người xem ấn tượng. Đó là kiến trúc Trường Cao Đẳng Sư phạm, nhà thờ Domainte de Marie, đỉnh Langbiang, Thiền Viện Trúc Lâm, Ga xe lửa Đà Lạt, Nhà thờ Con Gà... Sự hoài niệm xưa của người tạo dựng “đường hầm điêu khắc” thấy rõ khi anh đưa vào trong không gian đất sét của mình những chiếc xe Vespa cổ, xe song mã, chiếc chuông lớn, xe hơi cổ... Người đi qua cảm nhận sự nhạy cảm rõ ràng của anh.

Trong các kiến trúc đó, có lẽ 3 kiến trúc với không gian rộng, dấu nhấn đậm nét chính là Thiền Viện Trúc Lâm, Nhà thờ Con Gà và đoàn tàu như đang chuyển bánh đưa khách vào một chuyến phiêu lưu. Các khắc họa Bưu điện Đà Lạt cũng rất cổ với hình ảnh chiếc điện thoại quay số thuở xưa. Âm nhạc cũng luôn là dấu nhấn cho Đà Lạt mộng mơ. Nếu ở Vườn hoa thành phố, bài hát: “Đà Lạt hoàng hôn” được khắc trên gỗ. Thì ở đây, bài “Ai lên xứ hoa đào” của Hoàng Nguyên được khắc lên... đất sét với lời bài hát đã hàng mấy chục năm: ”Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa. Cho tôi bớt mơ mộng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa. Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương. Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào tôi vấn vương”. Tất nhiên, không thể thiếu hình ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cây đàn.

Không gian ấy đôi khi làm cho mọi người quay về khi đến tận cuối con đường. Thực ra, tại đây còn một khoảng lãng mạn chính là nơi của những danh ngôn trong rừng thông, khắc trên gỗ thông. Là con đường vòng qua vườn dâu, nhìn những người nông dân đang trồng dâu, để bắt gặp những cây dâu trồng trong chiếc túi cao, cứ chen ra chung quanh. Để tìm con đường lên đỉnh Lang biang mà nhìn xuống dưới đường hầm. Để rồi “Nhà Việt Nam” như là điểm nhấn cuối cùng cho cuộc hành trình khám phá.  Trên nóc nhà là bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa. Trong ngôi nhà nhỏ ấy lại có những gì về văn hóa Việt. Tượng bác sĩ Yersin, người đã tìm ra Đà Lạt được đặt ở vị trí rộng mở, nhìn xuống một đồi thông.

Cuộc hành trình khám phá Đà Lạt trong lòng đất ấy nhìn thấy sự tài hoa, dấu ấn Đà Lạt và các công trình kiến trúc lạ. Cũng nhận thấy nhóm tác giả đã quá tham lam khi muốn “gom cả đất trời” vào đây. Cũng như khi lại đưa rất nhiều biểu tượng con kiến trong các chạm khắc. Nhưng một chuyến rong chơi ở chốn này khiến cho bước chân đi chợt đến điểm cuối cùng, lại muốn tiếp tục đi trở lại để tận cùng khám phá.

Khuê Việt Trường

Bình luận

ZALO