Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 25/09/2023 03:49 GMT+7

“Đường 7” ngày ấy - bây giờ

Biên phòng - Tròn 45 năm về trước, “đường 7” (quốc lộ 25 bây giờ) là con đường huyết mạch nối giữa Tây Nguyên với vùng duyên hải Nam Trung bộ, nơi chứng kiến cuộc tháo chạy lớn nhất lịch sử chiến tranh hiện đại của Quân đoàn ngụy. Gần nửa thế kỷ đi qua, từ một vùng đất bị cày nát bởi bom đạn chiến tranh, giờ đây, “đường 7” đã được khoác lên mình bộ cánh màu xanh tràn đầy sức sống…

8gq7_5a
Các chủ nhân buôn Plei Ơi (huyện Phú Thiện) dọc “đường 7” mở lễ hội cầu mưa và đánh cồng chiêng chào mừng ngày chiến thắng. Ảnh: Cẩm Xuyên

Bản hùng ca đường 7

Trước tháng 4-1975, vùng đất Cheo Reo (các huyện Phú Thiện, Krông Pa, Ia Pa và thị xã Ayunpa, tỉnh Gia Lai bây giờ), nơi trục đường 7 đi qua là địa bàn núi rừng bạt ngàn, cư dân thưa thớt, chủ yếu là các buôn (làng) của người dân tộc thiểu số Jrai. Theo lời kể của Thiếu tướng Rơ Ô Cheo, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5, thì phần lớn bà con lúc bấy giờ đều một lòng theo cách mạng, lên rừng lập căn cứ kháng chiến, số ít còn lại bị địch dồn vào ấp chiến lược. Thanh niên trai tráng các buôn làng đều tự nguyện vào bộ đội chủ lực, hoặc du kích, ngày thì huấn luyện chiến đấu, đêm đến thì làm công tác vận động quần chúng, binh vận, địch vận, từng bước làm tê liệt bộ máy và sức chiến đấu của ngụy quân, ngụy quyền. 

Một trong những thành tích xuất sắc của quân dân vùng Cheo Reo lập nên là vào đầu tháng 3-1975, khi đã vận động 20 binh sĩ ngụy quân đóng tại Đồn Klóa (Chư Ngọc) mang theo vũ khí ra đầu hàng cách mạng. Từ lời khai của các binh sĩ ra hàng, Tiểu đoàn 303 (Tỉnh đội Đăk Lăk) và Huyện đội H2 (huyện Krông Pa bây giờ) đã mở những cuộc tấn công quy mô nhỏ, nhổ bỏ các đồn, bốt dọc đường 7, phục vụ đắc lực cho chiến dịch mùa Xuân 1975, đặc biệt là trận đánh chặn nổi tiếng diễn ra ngay tại “yết hầu” đèo Tô Na nằm giáp ranh giữa thị xã Ayunpa và huyện Krông Pa ngày nay, tạo nên cuộc tháo chạy hỗn loạn nhất lịch sử chiến tranh hiện đại.

Ngày 18-3-1975, hơn 15.000 tên địch thuộc Quân đoàn 2 ngụy từ Đăk Lây, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Đăk Tô, Tân Cảnh (Kon Tum) xuống các quận, huyện lân cận thuộc tỉnh lỵ Pleiku (Gia Lai bây giờ) chọn đường 7 làm huyết mạch rút chạy về vùng duyên hải Nam Trung bộ hòng dựng nên một “hàng rào tử thủ” nơi cửa ngõ Sài Gòn (theo phương án tác chiến của địch lúc bấy giờ). Tuy nhiên, cuộc tháo chạy quy mô lớn chưa từng có này đã bị chặn đứng bởi Trung đoàn 95, Sư đoàn 320 (Binh đoàn Tây Nguyên) và các đơn vị bộ đội địa phương. Trong trận đánh này, Thiếu tướng Rơ Ô Cheo (lúc đó là Trung đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 303) đã bắn cháy một xe tăng, tiêu diệt hàng chục tên địch, góp phần vào chiến thắng vang dội của Quân giải phóng; xóa sổ gần như toàn bộ Quân đoàn 2 của địch rút chạy trên đường 7, giải phóng hoàn toàn các tỉnh lỵ Kon Tum, Pleiku, Phú Bổn, tạo nên bước tiến quan trọng trong đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Hồi sinh trên vùng “đất chết”

Những năm 90 của thế kỷ XX trở về trước, toàn bộ khu vực “lòng chảo” Phú Bổn bao gồm các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayunpa (tỉnh Gia Lai) bây giờ bị phủ lên một “lớp mây dày” của nghèo nàn, lạc hậu. Hệ thống cơ sở hạ tầng trên mảnh đất thuần nông này gần như chưa được đầu tư xây dựng và người nông dân thì chỉ quanh quẩn với cuộc sống du canh du cư, sản xuất tự cung tự cấp. Nơi được gọi là tỉnh lỵ Phú Bổn thời chế độ “Việt Nam cộng hòa” hóa ra chỉ là thị trấn nhỏ bé Ayunpa, “đi dăm ba phút đã quay về nơi cũ”, còn thua xa thị tứ dưới vùng đồng bằng. Còn ngược lại, ở các xã thì gò lưng đạp xe cả ngày vẫn chưa tới được làng. Sau chiến tranh, các chủ nhân nơi buôn làng càng thấm thía câu nói: “đánh đuổi giặc nghèo cũng khó khăn chẳng kém gì đánh giặc ngoại xâm”.

Vùng “lòng chảo” Phú Bổn dọc đường 7 năm xưa chỉ thực sự khởi sắc khi công trình đại thủy nông Ayun Hạ được khởi công xây dựng, với năng lực tưới tiêu hàng chục ngàn ha, trở thành vựa lúa lớn nhất Tây Nguyên lúc bấy giờ. Nước về, sản xuất nông nghiệp của 3 địa phương Phú Thiện, Ia Pa và Ayunpa mới thực sự có cơ hội “cất cách”. Từ sản xuất lúa một vụ, bà con nông dân chuyển đổi sang hai vụ để từ đây hình thành và phát triển tư duy sản xuất hàng hóa. 

Bên cạnh sự quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, các cấp chính quyền tập trung cho bà con phát triển kinh tế theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, hình thành, mở rộng một số vùng chuyên canh trồng các loại cây như mía đường và các loại cây ăn quả dài ngày khác... 

Riêng huyện Phú Thiện, nhờ phát huy tối đa năng lực tưới của công trình Ayun Hạ đã nâng tổng diện tích cây trồng lên gần 25.000ha, trong đó, lúa nước đạt hơn 6.000ha, giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm đạt trên 200 tỷ đồng. Huyện Phú Thiện đã và đang xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện” kết hợp phát triển loại hình du lịch văn hóa truyền thống, quyết tâm đạt giá trị sản xuất bình quân đầu người hơn 40 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân trên 25 triệu đồng/người/năm vào năm 2020. Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng thu được những kết quả rất đáng khích lệ, dự kiến đến cuối năm 2020, huyện Phú Thiện sẽ có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới. 

Ở “miền đất khát” Krông Pa, ngoài trồng trọt thì chăn nuôi cũng là “nét son” tươi mới trong bức tranh kinh tế đa sắc màu của địa phương vốn được mệnh danh là “sa mạc” của vùng Nam Gia Lai này. Chăn nuôi đại gia súc phát triển mạnh, nhiều thôn làng đạt mức bình quân 5 con bò/gia đình, trở thành một trong những nguồn thu nhập chủ lực của bà con. 

Ông Rơ Ô Mul, một hộ nông dân sản xuất giỏi ở buôn Sai, xã Ia Rsai cho biết, trong buôn có gần 300 gia đình, nhưng hiện tại, đàn bò đã đạt trên 2.500 con. Như vậy, nếu tính bình quân mỗi hộ gia đình ở đây sở hữu gần 10 con bò, một tài sản có thể nói là tương đối lớn đối với bà con người dân tộc thiểu số Jrai. Đến thời điểm này, buôn Sai có khoảng 50 gia đình đạt mức thu nhập mỗi năm gần 100 triệu đồng từ chăn nuôi bò. Cùng với việc phát triển trồng trọt, với số diện tích 300ha lúa, 250ha mỳ (sắn), gần 300 hộ gia đình ở buôn Sai đang có một cuộc sống ấm no, phát triển bền vững. 

Cẩm Xuyên

Bình luận

ZALO