Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:10 GMT+7

Dựng xây thôn, bản biên giới ngày càng khởi sắc

Biên phòng - Để giúp người dân có cuộc sống tốt hơn, Đồn Biên phòng Pò Hèn, BĐBP Quảng Ninh đã xây dựng các “vườn mẫu” bằng cách hỗ trợ các hộ dân trên địa bàn ngày công lao động để cải tạo đất, cây giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc để xây dựng vườn cây ăn quả theo hướng chuyên canh. Tuy cần có thời gian để khẳng định về hiệu quả kinh tế, nhưng các “vườn mẫu” là minh chứng cho thay đổi tư duy về chuyển đổi cơ cấu sản xuất đối với đồng bào dân tộc ở xã Hải Sơn (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh).

Cán bộ Đồn Biên phòng Pò Hèn và anh Nịnh A Mả kiểm tra chất lượng ổi. Ảnh: Quốc Toàn

Xã Hải Sơn là nơi sinh sống của 353 hộ/1.553 nhân khẩu, trong đó, dân tộc Dao, Sán Chỉ chiếm đa số. Với hơn 80% diện tích là đồi núi xen kẽ giữa các thung lũng, sông, suối, bởi vậy mà đời sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Những năm qua, cùng với thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Đồn Biên phòng Pò Hèn đã triển khai nhiều mô hình, đề án nâng cao nhận thức, tạo sinh kế, giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn cải thiện đời sống vật chất, tinh thần.

Thượng tá Tạ Viết Phong, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pò Hèn cho biết: “Một trong những mô hình được đánh giá cao của đơn vị là “vườn mẫu”, giúp các hộ dân trên địa bàn cải tạo đất hoang hóa thành những vườn cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Thực tế cho thấy, mô hình phát triển kinh tế phù hợp đã tạo thêm công ăn, việc làm cho người dân ngay trên quê hương của mình, góp phần xây dựng diện mạo các thôn, bản vùng cao biên giới ngày càng khởi sắc”.

Mô hình “vườn mẫu” của Đồn Biên phòng Pò Hèn được bắt đầu tại gia đình ông Chìu Kim Thành (thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn) và ông Nình A Lùi (thôn Thán Phún, xã Hải Sơn) với cây mít Thái. Theo đó, Đồn Biên phòng Pò Hèn không chỉ hỗ trợ ông Thành, ông Lùi ngày công lao động để cải tạo mảnh đất vốn bỏ hoang thành vườn, hỗ trợ tiền mua cây giống, mà còn đồng hành cùng gia đình trong suốt quá trình trồng, chăm sóc sao cho đúng kỹ thuật để cây phát triển tốt nhất. Tiếp đó, những người lính Biên phòng đưa giống ổi Hoành Bồ về Hải Sơn. Đồn Biên phòng Pò Hèn đã hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho gia đình ông Đặng Văn Chiến (thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn), gia đình ông Nịnh A Sạm, anh Nịnh A Mả (cùng trú tại thôn Lục Chắn, xã Hải Sơn), với hi vọng giống ổi nổi tiếng của Quảng Ninh sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó, “vườn mẫu” sẽ được nhân rộng và sẽ giúp người dân nơi đây có cơ hội vươn lên thoát nghèo.

Thực ra, đối với đồng bào dân tộc Dao, Sán Chỉ ở Hải Sơn, không phải cứ “cho” là “nhận”, nhất là trong việc thay đổi lối canh tác, cây con giống mới vì tâm lí bà con còn e ngại làm sẽ không thành công. Bởi vậy, Đồn Biên phòng Pò Hèn cần những người tiên phong sẵn sàng bắt tay vào làm kể cả thất bại, để từ đó, những người khác vững tâm hơn. Từng là người lính, nên ông Đặng Văn Chiến (thôn Pò Hèn) đã ủng hộ chủ trương của Đồn Biên phòng Pò Hèn bằng cách nhất trí để cán bộ, chiến sĩ trồng ổi trên mảnh đất nhà mình. Vườn của gia đình ông Chiến vốn trồng chè hoa vàng, một loại cây trồng lấy hoa, bán được giá thành cao, nay thấy ông trồng ổi, hiệu quả còn chưa rõ ràng, nên nhiều người trong thôn còn nghi ngại.

Ông Chiến chia sẻ: “Trồng ổi giá trị kinh tế không cao bằng chè hoa vàng, nhưng tôi vẫn chấp nhận. Tôi trồng ổi không chỉ cho riêng mình. Chè hoa vàng chỉ thích hợp trồng dưới tán cây to, nên không phải ai cũng có điều kiện trồng, vậy nên, việc trồng giống cây kinh tế mới là việc cần thiết. Tôi muốn là người tiên phong tiếp nhận cây, con giống mới để thay đổi tư duy cho những người khác”.

Như nhiều thanh niên khác, bước đầu khởi nghiệp của anh Nịnh A Mả (thôn Lục Chắn) gặp không ít khó khăn, do không có vốn đầu tư, chưa định hướng được trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả kinh tế, trong khi bản thân chưa nắm chắc về khoa học kỹ thuật cũng như kinh nghiệm sản xuất. Để tiếp sức cho anh Mả thực hiện ước mơ lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương, Đồn Biên phòng Pò Hèn đã tư vấn cho anh về việc trồng giống ổi Hoành Bồ, đồng thời, hỗ trợ cho gia đình anh Mả cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Anh Mả luôn khao khát được làm giàu trên quê hương, nên khi được Đồn Biên phòng Pò Hèn hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật, anh đã mạnh dạn cải tạo vườn rừng của gia đình để trồng ổi.

Những cây ổi được trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật, nên chỉ sau một thời gian đã biến khu đất cỏ mọc um tùm trước kia thành một khu vườn chuyên canh với những hàng ổi tươi tốt. Để “lấy ngắn nuôi dài”, trong thời gian đợi ổi ra trái, anh Mả trồng thêm một số loại rau xanh kết hợp chăn nuôi. Đến nay, vườn ổi của gia đình anh Mả đã bắt đầu ra quả, chất lượng không thua kém ổi được trồng ở vùng đất Hoành Bồ. Vì ổi mới cho thu hoạch, thu nhập tuy không nhiều, nhưng cũng giúp gia đình anh Mả có thể mua sắm thêm một số đồ dùng sinh hoạt phục vụ cuộc sống tốt hơn.

Có thể thấy, hiệu quả kinh tế từ các mô hình “vườn mẫu” của Đồn Biên phòng Pò Hèn đã cho kết quả bước đầu khi người dân đã có thu nhập để cải thiện đời sống. Hiện, các mô hình “vườn mẫu” vẫn tiếp tục cần thời gian để khẳng định về hiệu quả kinh tế, tuy nhiên, cái được nhất, đó là người dân đã có sự đổi mới về tư duy, tiếp nhận cây con giống mới. Những kết quả này sẽ góp phần không nhỏ vào mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu nâng cao của xã Hải Sơn trong thời gian gần nhất.

Phan Minh

Bình luận

ZALO