Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:18 GMT+7

Dừng sử dụng amiang trắng ở Việt Nam vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Biên phòng - Ngày 3-8, tại Lạng Sơn, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng tổ chức hội thảo về lộ trình dừng sử dụng amiang trắng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và phát động thi viết về vấn đề dừng sử dụng amiang trắng tại Việt Nam.

5b64360c455714222100027b
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Đỗ Loan

Amiang là loại khoáng chất dạng sợi, có tính năng đặc biệt như độ bền cơ học, độ bền hóa học cao, chịu nhiệt, cách điện và cách âm tốt nên chúng đã được sử dụng từ hàng trăm năm trước để sản xuất ra hàng ngàn loại sản phẩm phục vụ các ngành xây dựng, công nghiệp nặng, cho đời sống, đặc biệt là sản xuất tấm lợp fibro xi măng (tấm lợp AC).

Phát biểu tại hội thảo, GS. TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động Việt Nam cho biết: Mặc dù có những tính năng ưu việt, nhưng amiang là một loại vật liệu nguy hiểm, độc hại, chúng xâm nhập vào cơ thể người qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, khi người lao động và người sử dụng hít phải sợi amiang phát tán trong môi trường có thể gây ra nhiều bệnh tật cho con người như ung thư phổi, ung thư trung biểu mô, ung thư thực quản, ung thư buồng trứng…

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm đã có hàng trăm ngàn người bị tử vong do các bệnh do chất amiang gây ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện nay, trên thế giới đã có nhiều nước “quay lưng” nói không với amiang, trong đó, có 65 quốc gia có lệnh cấm toàn bộ hoặc một phần, 56 nước đã cấm hoàn toàn amiang trong sản xuất.

Việt Nam vẫn đứng trong top 10 nước sử dụng amiang trắng nhiều nhất trên thế giới, với lượng nhập khẩu hằng năm 65.000-70.000 tấn, 80% trong số đó để sản xuất khoảng 100 triệu m2 tấm lợp fibro xi măng, cung cấp chủ yếu cho dân nghèo ở nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Đáng chú ý, tại các vùng miền núi, dân tộc thiểu số, bà con không chỉ sử dụng tấm lợp fibro xi măng để lợp mái nhà, mái bếp, nhiều hộ còn hứng nước mưa để sử dụng trong sinh hoạt; nhiều bản làng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái vẫn sử dụng tấm lợp fibro xi măng cho các căn nhà mới được dựng…

Thực tế, bên cạnh việc thiếu thông tin về tấm lợp fibro xi măng có chứa nguyên liệu amiang độc hại, tại nhiều bản làng vùng cao, bà con cũng không có nhiều sự lựa chọn bởi thị trường các sản phẩm thay thế tấm lợp fibro xi măng chưa phát triển. Hơn nữa, giá bán của tôn lạnh và một số sản phẩm thay thế khác đang cao hơn 30-40% tấm lợp fibro xi măng nên người dân khó tiếp cận.

Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học tập trung thảo luận tác hại của amiang trắng đối với sức khỏe của con người, đặc biệt vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, cung cấp thông tin về các giải pháp thay thế, lộ trình dừng sử dụng amiang trắng tại Việt Nam; kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến amiang và hướng sử dụng các vật liệu thay thế amiang.

Phát biểu tại hội thảo, ông Chu Tuấn Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc, miền núi cho rằng, những tác hại của amiang đối với sức khỏe con người đã được khẳng định rõ. Trên cơ sở thông tin của WHO, Cơ quan nghiên cứu ung thư Quốc tế (IRAC) và các chuyên gia về sức khỏe môi trường cung cấp thời gian qua, ông tin tưởng các tổ chức, cá nhân sẽ thực hiện có hiệu quả tuyên bố dừng sử dụng amiang trắng của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Đỗ Văn Đại, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, thể hiện sự quan tâm của các đại biểu đối với sức khỏe người dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng khi họ đang hằng ngày tiếp xúc với amiang. Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng hầu hết các đại biểu đều khẳng định: Amiang trắng là vô cùng độc hại đối với sức khỏe con người và dừng sử dụng vật liệu có chứa amiang ra khỏi cộng đồng là yêu cầu cấp thiết.

Tại hội thảo, Ban tổ chức cũng đã phát động cuộc thi viết về tác hại của amiang và vận động dừng sử dụng amiang trắng từ năm 2023. Cuộc thi viết sẽ diễn ra từ ngày 3-8 đến 3-10-2018.

Đỗ Loan

Bình luận

ZALO