Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:21 GMT+7

Dũng sĩ Phùng Quang Thanh qua góc nhìn của nhà báo chiến trường

Biên phòng - Báo Quân đội nhân dân số 3670 ra ngày 4-8-1971 đăng bài: “Dũng sĩ Đường 9: Người chỉ huy là dũng sĩ” của Đại tá, nhà báo Nguyễn Đức Toại.

Bài báo “Dũng sĩ Đường 9: Người chỉ huy là dũng sĩ” của Đại tá, nhà báo Nguyễn Đức Toại.

Giờ đây, tác giả của bài viết - một trong những phóng viên chiến trường của Báo Quân đội nhân dân đã qua đời ngày 16-8-2021 và nhân vật chính trong tác phẩm này là Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Quân uỷ Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng đã từ trần vào hồi 03 giờ 45 phút, ngày 11-9-2021.

Hơn 50 năm đã qua, nhưng mỗi câu từ, từng chi tiết trong bài báo này vẫn để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả.

Đọc lại bài viết “Dũng sĩ Đường 9: Người chỉ huy là dũng sĩ”, độc giả cảm nhận rõ hơn về hình ảnh dũng cảm trong chiến đấu, trung thành với Tổ quốc và nhân dân của một vị tướng đã kinh qua trận mạc - Đại tướng Phùng Quang Thanh.

Buổi hành quân đầu tiên trong cuộc đời binh nghiệp

Mở đầu bài viết, nhà báo Nguyễn Đức Toại đã dẫn dắt độc giả đến với cuộc hành quân đầu tiên trong cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng Phùng Quang Thanh. “Buổi hành quân đầu tiên qua gần làng, Phùng Quang Thanh xúc động một cách khó tả. Trong bộ quần áo bộ đội mới còn nguyên nếp gấp, trong hàng ngũ hành quân ngay ngắn chỉnh tề, Thanh nhìn lại làng quê mình như một người đi xa đã lâu vừa mới về, thấy cái gì cũng thân thiết, cũng gợi lại những kỷ niệm đã qua. Lũy tre làng hằng ngày từ đó Thanh cắp sách đến trường sao hôm nay trông xanh biếc, mượt mà đến thế! Đồng lúa xanh. Tất cả đều xanh rờn lên một cách lạ mắt như Thanh chưa từng bao giờ trông thấy một màu xanh như vậy…”

Một cuộc hành quân ngang qua nhà đã gợi lại bao ký ức tuổi thơ của một người lính Bộ đội Cụ Hồ. Từ ngôi làng này, người thanh niên Phùng Quang Thanh đã đi vào chiến trận và tham gia chiến đấu cùng đồng đội để giải phóng quê hương ra sao đã được tác giả Nguyễn Đức Toại lựa chọn, thể hiện qua nhiều chi tiết “đắt” trong bài viết.

Hình ảnh người thanh niên Phùng Quang Thanh nhiều lần quyết tâm xin nhập ngũ bởi khi đó gia đình ông thuộc diện chính sách, bố hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, Phùng Quang Thanh lại là con một nhưng vẫn sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng đi vào chiến trường. Người thanh niên này tuy tuổi đời còn trẻ nhưng chí hướng vô cùng lớn lao. Với quyết tâm nhập ngũ để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Phùng Quang Thanh đã thuyết phục được chính quyền địa phương khi đó: “…Là thanh niên giai đoạn chống Mỹ cứu nước này, cháu muốn được làm nhiệm vụ cầm súng trực tiếp giết giặc. Chắc bố cháu còn sống cũng vui lòng….

Khi đó, Phùng Quang Thanh chưa đến tuổi nhập ngũ nhưng vẫn xin để gia nhập quân đội bởi trong lòng người chiến sĩ trẻ luôn toát lên tình yêu quê hương, đất nước da diết. Hơn nữa, đó còn là truyền thống gia đình. Chiến sĩ Phùng Quang Thanh muốn được tiếp bước cha mình, lấy cha làm tấm gương để phấn đấu và mong muốn quyết tâm phải thực hiện bằng được ý nguyện của đấng sinh thành.

Tác giả bài báo đã rất khéo chọn những chi tiết để thể hiện suy nghĩ, hành động của nhân vật Phùng Quang Thanh trong từng hoàn cảnh cụ thể. Những chi tiết đó bình dị nhưng tiêu biểu như việc đi viếng mộ cha trong buổi hành quân đầu tiên:

“…Thanh đi vòng qua các mộ chí rồi đứng trước tấm bia lớn ghi dòng chữ Tổ quốc ghi công để tưởng niệm đến bố, đến các liệt sĩ. Nhưng khác với mọi lần, trước khi ra về, Thanh đứng thẳng người trong một tư thế hết sức trang nghiêm, đưa tay lên vành mũ và nói. Con sẽ xứng đáng với bố và các đồng chí của bố”…

Tác giả đã chọn vấn đề rất khéo léo. Viết về một con người nhưng cách chọn vấn đề rất cần thiết vào thời điểm chiến tranh, đó là vấn đề “đánh gần” và noi gương Anh hùng LLVTND Bùi Ngọc Đủ. Hơn nữa, vấn đề cốt lõi của bài báo không phải là đi giải thích, bình luận, phân tích cách đánh mà là lựa chọn vấn đề, cách viết thông qua một nhân vật cụ thể, một chiến sĩ, một con người cụ thể để dẫn dắt, thuyết phục bạn đọc, giải thích cho bạn đọc hiểu rằng, sự dũng cảm, mưu trí, gan dạ, sáng tạo của một chiến sĩ.

Điểm nhấn của bài báo là cách chọn vấn đề tiêu biểu để tuyên truyền tư tưởng, tinh thần dám đánh, biết đánh và đánh thắng, lòng tin vào phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ của người chiến sĩ. Tất cả điều đó thông qua hình ảnh một con người, đó là Đại tướng Phùng Quang Thanh. Tác giả sử dụng lối viết đơn giản, gần gũi, diễn biến tự nhiên trong một con người cụ thể, cách sử dụng ngôn ngữ, bố cục câu chuyện, cách xây dựng hình ảnh trong bài viết cũng rất ý nghĩa.

Bài viết thông qua những suy nghĩ, hành động của một thanh niên mới lớn để nói lên những vấn đề lớn lao của dân tộc, đó chính là nghệ thuật kể chuyện và xây dựng nhân vật của nhà báo Nguyễn Đức Toại. Làm thế nào để dùng nhân vật truyền tải được tất cả những tư tưởng chỉ đạo của cấp trên, những mục tiêu mà tác giả muốn gửi thông điệp đến cho bạn đọc, đó chính là điều mà nhà báo Nguyễn Đức Toại gửi gắm vào tác phẩm.

Phẩm chất dũng sĩ của Phùng Quang Thanh

Toàn bộ câu chuyện trong bài viết được kể lại dưới con mắt của một nhà báo chiến trường. Đọc từng đoạn, từng hành động, mỗi chi tiết đều toát lên tư tưởng, chiến thuật quân sự rất rõ ràng, phân tích tình hình ta - địch, chiến thuật đánh ra sao… Tất cả được miêu tả rõ nét và chỉ có nhà báo chiến trường, đã trải qua chiến đấu, am hiểu các vấn đề về quân sự mới có thể viết được tinh tế đến thế. Qua tác phẩm này để người đọc là bộ đội chia sẻ và học tập những phẩm chất của người chiến sĩ và người chỉ huy.

“Mặc cho đạn địch cày xới, Phùng Quang Thanh dẫn mấy chiến sĩ rời công sự vượt ra ngoài. Anh muốn diệt cái ổ chuẩn bị phản kích của địch, bóp nát nó từ trong trứng. Khi hố bom đã ở trong tầm tay, bốn quả lựu đạn cùng một lúc ném xuống. 18 tên địch nằm trong hố bom chết gục không sót một tên nào”.

Đại tướng Phùng Quang Thanh động viên chiến sĩ mới lên đường nhập ngũ tại huyện Đan Phượng, Hà Nội vào ngày 25-3-2013. Ảnh: Minh Trường

Đoạn trích trên trong bài báo thể hiện phẩm chất gan dạ, anh dũng của Phùng Quang Thanh. Thái độ bình tĩnh, tự tin và tự nhủ rằng, đã đánh là thắng mà đã thắng là phải thắng lớn, chắc thắng mới đánh. Tinh thần đó luôn luôn ở trong đầu người chiến sĩ trẻ này. Phẩm chất của Phùng Quang Thanh vừa là phẩm chất của người chiến sĩ và người chỉ huy.

Khẳng định một quân nhân đã nói là làm, đã có mục tiêu thì quyết làm bằng được bởi trong tâm trí luôn có một thần tượng là Anh hùng LLVTND Bùi Ngọc Đủ để phấn đấu. Ngoài ra còn có niềm tin tưởng đồng đội. Nhờ có sự tin tưởng tuyệt đối mà Tiểu đội đó đã chiến thắng kẻ thù.

“Sau trận đánh, Phùng Quang Thanh nhận được một gói quà cả Trung đoàn trưởng. Anh mở gói quà ra trước sự reo vui của chiến sĩ. 10 điếu thuốc lá Trường Sơn chũ đỏ tuy có điếu bị móp mép đi đôi chỗ vì cái gói phải chuyền qua tay nhiều người vẫn còn thơm phức. Cử chỉ thân mật của Trung đoàn trưởng làm cho Phùng Quang Thanh rất cảm động. Thanh hiểu là Trung đoàn trưởng muốn nói tới cái đội hình ngày 10-2 vừa qua và anh mang tới cho từng chiến sĩ mỗi người một điếu”.

Chi tiết 10 điếu thuốc lá rất bình dị nhưng vô cùng ý nghĩa. Chính tình thương ấy, sự tin tưởng ấy là sức mạnh để làm nên chiến thắng và cũng là để phân biệt giữa bộ đội Việt Nam với các nước khác và cũng lý giải rằng, tại sao Việt Nam có thể chiến thắng được các kẻ thù hùng mạnh trên thế giới.

Với tư cách là thế hệ sau đọc lại bài báo này để thấy rằng, vai trò, suy nghĩ, tư tưởng, giá trị của một bài báo có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống thực tại. Một tác phẩm báo chí không phải chỉ có ý nghĩa tuyên truyền nhất thời mà còn có ý nghĩa vĩnh cửu. Bài báo“Dũng sĩ Đường 9: Người chỉ huy là dũng sĩ” hiện nay vẫn mang tính thời sự.

“Dũng sĩ Đường 9” năm xưa - Đại tướng Phùng Quang Thanh giờ đây đã về với tổ tiên và các bậc cách mạng tiền bối nhưng hình ảnh từ trang viết đến cuộc đời của ông sẽ mãi là những bài học sống động của các thế hệ hiện tại và tương lai.

Theo QĐND

Bình luận

ZALO